Cà phê Đắk Uy xuất khẩu |
Trước giải phóng, vùng đất Đắk Uy, xã Hà Mòn là một vùng núi âm u, người dân bản địa lủi thủi năm nay phát rẫy chỗ này, sang năm phát nương chỗ khác. Sau giải phóng, các trung đoàn 701, 731, 704 đứng chân trên huyện Đắk Hà được quân đội giao nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế gắn với quốc phòng. Sau này các trung đoàn tách ra để thành lập các nông trường cà phê Đắk Uy 1 (nay là Công ty cà phê Đắk Uy), Đắk Uy 2, 3, 4, Nông trường 701, công ty Thủy nông Đắk Uy chuyên làm kinh tế.
Nông trường cà phê Đắk Uy 1 được thành lập đã tuyển dụng lao động là đồng bào dân tộc xã Hà Mòn khởi đầu trồng cà phê. Bà con rất bất ngờ, cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn nhưng bà con rụt rè và trong bụng thì lại nghĩ: “Thế này thì bao lâu mới có ăn, đi làm lúa rẫy còn hơn”. Người dân tộc Xơ Đăng chỉ quen cây lúa rẫy thì thẳng thừng bảo: “Cái hạt cà phê mình có ăn được đâu, đi làm lúa rẫy, đi bẫy con thú trong rừng, có cái ăn nhanh hơn”. Thế là lại bỏ cà phê. Nhờ kiên trì vận động bà con dần dần đã biết yêu và trồng cà phê, biết dãn dân tách hộ lập vườn, khai thác khe suối làm lúa nước 2 vụ tăng năng suất, biết đào ao nuôi cá, trồng xen đậu lạc... Đến nay cả 3 làng đồng bào dân tộc thiểu số trước đây thuộc xã Hà Mòn là Đắk Wớt, Kà Tu, Đắk Do đã là người của Công ty cà phê Đắk Uy. Họ đã trồng được 233 héc-ta cà phê, mỗi năm thu trên 500 tấn quả tuơi doanh thu đạt 2 tỷ đồng. Có được điều đó là do công ty đã thực hiện tốt Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Kon Tum về giúp các xã vùng dân tộc thiểu số khó khăn. Năm 1994 công ty cho dân trong xã vay 100 triệu đồng không tính lãi để định canh, định cư trồng mới cà phê và chuyển giao 5 héc-ta cà phê phục hồi tại làng Đắk Wớt trị giá 50 triệu đồng, hàng năm còn cho vay trước vật tư thiết bị để trồng mới và chăm sóc vườn cây. Còn A Quân, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên xã thì nói: “Trong xã không còn ai đói nữa, phải xóa bỏ hủ tục để làm giàu thôi”. Công ty còn giúp làng Kon Gung của xã Đắk Mar 98.850 triệu đồng khai hoang gần 30 héc-ta, trồng chuyển giao 9 héc-ta cà phê cho bà con, giúp xã Đắk La 60 triệu đồng. Đến nay, công ty cà phê Đắk Uy đã đầu tư 3.41 tỷ đồng trồng mới 236 héc-ta cà phê cho các vùng thuộc xã Hà Mòn, Đắk Mar, Đắk Hring và chuyển giao cho 127 hộ nhận khoán 100 héc-ta cà phê.
Cuộc sống bây giờ đã quá khác cuộc sống hồi xưa, anh công nhân thương binh Nguyễn Ngọc Oanh, Chi hội 3, Hội Cựu chiến binh công ty bảo rằng: “Giờ nhìn lại như một giấc mơ vậy”. Còn chị Nguyễn Thị Nhâm thì sung sướng quá, nước mắt giàn giụa, khóc thành tiếng: “Nhờ có Đảng, có Nhà nước, có nông trường, công ty mà gia đình tôi được như ngày nay”. Anh Nguyễn Bá Ngà – đội trưởng đội 3 cho biết: “Cuộc sống của người công nhân nông trường ngày càng được cải thiện, có nhà mỗi năm lãi cả tỷ đồng từ cây cà phê”. Nói rồi anh lấy chiếc xe ô tô chở tôi đi thăm nhà công nhân đội 3, hầu hết là người Hà Tĩnh, Nghệ An. Nhà chúng tôi đến đầu tiên là nhà ông Vũ Bá Lương, lớp công nhân đầu tiên của công ty. Đó là một ngôi nhà xinh xắn, sạch sẽ với đủ các loại cây ăn trái ở trong vườn, ông Lương tâm sự: “Hoàn cảnh tôi cơ cực lắm, khi nông trường khá hơn một chút là ông giám đốc cho vay vật tư trồng cà phê, vay vật tư đó tôi có ngôi nhà khang trang này. Cả đội tôi nhà nào cũng thế cả”.
Nay Công ty cà phê Đắk Uy đã được nhiều người biết đến. Đó là một doanh nghiệp làm ăn giỏi, tận tình với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhiệt tâm đóng góp vào sự nghiệp chung của huyện Đắk Hà và tỉnh Kon Tum.
Theo Báo Công Thương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã