Hà Nội có địa bàn rộng với nhiều địa hình sông-núi đan xen. Quá trình xây dựng nông thôn mới, để đạt được tiêu chí về những cánh đồng năng suất cao thì điều đầu tiên phải làm là đưa máy móc ra đồng, giúp người nông dân bớt đi những vất vả nhọc nhằn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Thế nhưng, muốn thực hiện được cơ giới hóa nông nghiệp đòi hỏi phải chấm dứt tình trạng ruộng đất manh mún, chắp vá. Khó khăn đặt ra là làm sao để mỗi người dân hiểu và chấp nhận thực hiện dồn điền đổi thửa, xa dần thói quen canh tác tự ngàn xưa “con trâu đi trước, cái cày theo sau”?.
Xác định công tác DĐĐT là một việc lớn, khó khăn phức tạp nên ngay từ năm 2012, BCH Đảng bộ TP đã xác định công tác DĐĐT là khâu đột phá để phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân; tạo tiền đề phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo nên những vùng chuyên canh lớn và tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM. Trong khó khăn chung đó, mỗi địa phương đã có những cách làm riêng, linh hoạt, từ tuyên truyền chủ trương chính sách đến vận động bà con.
Những cánh đồng chuyên canh đã giúp người dân làm giàu từ nông nghiệp Ảnh: Vân Hà
Do có sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, đặc biệt là tích cực tuyên truyền, đến nay, toàn TP đã thực hiện DĐĐT được trên 100% kế hoạch. Sau DĐĐT nhiều cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao đã hình thành ở hầu hết các huyện có quy hoạch sản xuất lúa. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao ra đời, như: Mô hình hoa ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh, Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh; mô hình cây ăn quả ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh; mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư ở Sơn Tây, Ba Vì, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thanh Oai, Đan Phượng, Quốc Oai với giá trị 0,5-1,5 tỷ/ha/năm, thậm chí đạt gần 2 tỷ/ha/năm… Diện tích đất dôi dư sau DĐĐT tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch mở rộng các công trình phúc lợi, quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn lực thực hiện xây dựng NTM.
Về phát triển sản xuất nông nghiệp, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp đạt bình quân 1,75%/năm, đạt mục tiêu của Chương trình đề ra. Giá trị sản phẩm nông nghiệp thu hoạch trên 1ha đất nông nghiệp năm 2014 đạt 231 triệu đồng/ha (đã đạt mục tiêu chương trình đề ra vào cuối năm 2015). Bên cạnh đó, TP đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội khu vực nông thôn, nhiều dự án đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho nông dân được triển khai thực hiện. Các công trình thủy lợi, đê điều, kè chống sạt lở bờ sông Đà, sông Hồng, sông Đáy, sông Bùi, sông Nhuệ… đều được đầu tư cải tạo nâng cấp.
Chia sẻ về hiệu quả của chương trình DĐĐT, chị Nguyễn Thị Yến, ở xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa cho biết, khi mới triển khai thực hiện DĐĐT ở địa bàn, chị đã mạnh dạn nhận cánh đồng xa và chuyển đổi sang đa canh thay cho trước đây chỉ trồng lúa đơn thuần. Với diện tích có được, gia đình chị đã vừa trồng lúa, thả cá, vừa nuôi gà, nuôi lợn… Quả nhiên đất đã không phụ công người chăm chỉ, năm 2014, gia đình chị Yến có tổng thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi lên đến hơn 200 triệu đồng. Nhờ có chương trình DĐĐT mà chúng tôi có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, thay cho làm thuê mướn, gánh gạch, phụ hồ trước đây.
Theo Pháp luật xã hội
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã