Ninh Thuận là một trong những địa phương chịu tác động trực tiếp của hiện tượng biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, thời gian qua, cùng với sự định hướng của ngành chức năng, người dân ở một số địa phương trong tỉnh đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt, việc lựa chọn giống cây trồng linh hoạt, gắn với thị trường tiêu thụ được xem là lựa chọn tối ưu, giúp người dân trong tỉnh hướng đến sản xuất bền vững.
Sản xuất nông nghiệp của huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận luôn đối mặt với tình trạng hạn hán. Do đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu là điều kiện bắt buộc, giúp địa phương hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững.
Thời gian qua, dưới sự định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh, diện tích cây lúa nước tại huyện Thuận Bắc đang dần thu hẹp để phát triển các loại cây lâu năm.
Trong đó, bưởi da xanh là cây trồng đang được nhiều nông dân huyện Thuận Bắc lựa chọn, vì phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương và có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, huyện Thuận Bắc đã phát triển gần 8 ha bưởi da xanh, dự kiến diện tích loại cây này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Ông Đặng Đình Tiến, nông dân xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận cho biết, vùng đất nơi đây thích hợp để trồng nhiều loại cây, cây nào cũng thích ứng được kể cả cây bưởi da xanh cho hiệu quả rất cao.
Xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn có diện tích đất nông nghiệp trên 2.500 ha. Do nằm đầu nguồn của hệ thống thủy lợi kênh Đông nên lúa nước được xem là loại cây trồng chủ lực của địa phương, với diện tích trên 1.300 ha, nhưng những năm gần đây, cây lúa nước đang đánh mất dần vị thế của mình do giá cả bấp bênh, phát sinh nhiều sâu bệnh.
Hiện UBND xã Lương Sơn đang vận động người dân chuyển đổi vùng đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây màu. Trong đó, cây kiệu được người dân ở đây lựa chọn là cây trồng chính trong chuyển đổi. Đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, gấp 2 lần so với cây lúa.
Ông Huỳnh Quang Trúc ở xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận cho biết, mỗi sào kiệu cho hiệu quả gấp mấy lần 1 sào lúa, trong khi trồng lúa cũng gặp khó vì sâu bệnh, hơn nữa giá lúa trên thị trường không cao. Trong vụ Hè - Thu vừa qua, Ninh Thuận đã chuyển đổi trên 700 ha, đạt 80% so với kế hoạch; trong đó cây hàng năm đạt 640 ha, cây lâu năm 62 ha.
Chủ trương chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn của tỉnh bước đầu đã mang lại hiệu quả. Ngoài việc tiết kiệm nguồn nước tưới, chuyển đổi cây trồng còn là giải pháp quan trọng để ứng phó với tình hình hạn hán, đồng thời, đảm bảo thu nhập cho nông dân.
Ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Ninh Thuận cho rằng, trong điều kiện nắng hạn, việc chuyển đổi các loại cây trồng ngắn hạn, ngắn ngày ít sử dụng nước sẽ đảm bảo cho người dân có thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội.
“Trong vấn đề chuyển đổi bền vững, lâu dài phải có tính toán cụ thể. Đặc biệt là phải hướng vào các loại cây trồng dài ngày mang tính ổn định, đồng thời có liên kết bao tiêu sản phẩm một cách bài bản, chặt chẽ để cho người dân an tâm đầu tư tổ chức sản xuất một cách hiệu quả”, ông Tin cho biết.
Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả, bên cạnh công tác tuyên truyền cho người dân thấy rõ lợi ích, tỉnh Ninh Thuận cần có cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, phải linh hoạt trong chuyển đổi, liên kết doanh nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ để người dân an tâm chuyển đổi cây trồng mang tính bền vững./.
Theo VOV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã