Trong phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS.Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Kinh tế Việt Nam đã đi hết gần nửa chặng đường của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã có những cải thiện cả về lượng và chất, tạo đà cho tăng trưởng trong các năm còn lại của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Riêng năm 2017, tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng 6,21% năm 2016.
Toàn cảnh hội thảo.
Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 27/9/2017 cho thấy chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng từ 4,31 (năm 2016) lên 4,4 (năm 2017). Xếp hạng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016 và tăng 20 bậc so với 5 năm trước đây. Tỷ lệ lạm phát được duy trì ổn định dưới 5% đang dần tạo điều kiện để giảm lãi suất, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng phát triển ổn định. Nợ xấu, bội chi ngân sách cũng đang giảm dần. Bên cạnh đó, xếp hạng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam đang có những cải thiện tích cực nhưng bối cảnh phát triển mới đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong giai đoạn tới.
Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang mở ra những cơ hội nhưng đồng thời cũng đặt ra các thách thức lớn cho nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế dựa trên các động lực cũ như tài nguyên, khoáng sản, chi phí lao động thấp, đầu tư và mở rộng tín dụng đã không còn phù hợp. Mô hình tăng trưởng cũ đã thành công trong giai đoạn đầu của đổi mới nhưng dần trở nên không còn phù hợp, thậm chí đem lại nhiều rủi ro cho nền kinh tế trong giai đoạn mới khi nền kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
TS.Trần Đình Thiên cho rằng, Chính phủ không tăng trưởng bằng mọi giá, mà tập trung tăng trưởng chất lượng. Nhìn nhận các động lực tăng trưởng phải nhìn cả một quá trình chứ không thể nhìn trong các lát cắt ngắn hạn để thấy được tính hợp lý của tăng trưởng kinh tế. Chỉ dấu của chất lượng tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu đã xuất hiện sau nhiều năm Chính phủ thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong khi đầu tư công chưa đóng góp được nhiều cho tăng trưởng trong năm nay, nền kinh tế đã đón nhận những hiệu ứng từ khối tư nhân với hàng loạt dự án xây dựng lớn tại Quảng Ninh, Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Theo TS.Trần Du Lịch, cần phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến - đặc biệt là chế biến các sản phẩm công nghiệp. Sử dụng các chính sách thuế có điều kiện để các DN nâng tỉ lệ sản phẩm “nội địa hóa” nhằm chuyển từ nền công nghiệp gia công sang nền công nghiệp sản xuất, trong đó người lao động được đào tạo bài bản, có tay nghề cao, có mức thu nhập ổn định.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần nhìn thẳng và tháo gỡ các “điểm nghẽn” cản trở tăng trưởng: Hỗ trợ để tăng năng lực của DN tư nhân; đẩy mạnh cổ phần hóa để nâng cao hiệu quả của nền kinh tế khi khu vực kinh tế Nhà nước, đặc biệt là DNNN; tháo gỡ điểm tắc của vốn đầu tư phát triển; cải thiện cơ cấu chi ngân sách…
Đặc biệt, các chuyên gia kinh tế đều khẳng định: Tăng trưởng kinh tế cần chú trọng cả lượng và chất, đồng thời tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nói rằng : Kinh tế đang tăng trưởng toàn diện, nhưng động lực chính hiện nay lại phân tán. Nỗi lo và bài toán lớn nhất của Phó Thủ tướng là tránh một nền kinh tế hai khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước, đồng thời kết nối chúng lại.
Theo Phó thủ tướng nói, hiện nhiều đánh giá cho rằng Việt Nam đang tồn tại sự lệch pha trong nền kinh tế, hình thành hai khu vực phát triển biệt lập nhau FDI và khu vực trong nước. Ông đặt câu hỏi: "Vấn đề kết nối như thế nào? Làm thế nào để tránh rủi ro khiến nền kinh tế hình thành hai khu vực, thậm chí 2 nền kinh tế trong một đất nước? Giải bài toán thế nào, khắc phục ra sao hiện nay Việt Nam chưa có. Chính vì vậy, cần quan điểm tiếp cận và lý giải của các chuyên gia Việt Nam cũng như nước ngoài.
"Nhiều người yêu cầu chúng ta phải chọn lọc FDI theo định hướng phát triển của Việt Nam, theo tiêu chí phải là công nghệ cao, vào Việt Nam phải phát triển thành chuỗi giá trị và hỗ trợ khu vực trong nước... Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là kết nối như thế nào khi mà hiện trạng phát triển thời gian vừa qua cho thấy hai khu vực này chưa kết nối và phát triển đồng đều", Phó Thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ khẳng định: Tăng trưởng một cách toàn diện, nhưng động lực chính hiện nay lại phân tán. "Nhiều người nói là nông nghiệp, kinh tế số, dịch vụ du lịch... Nhưng nếu chúng ta chọn nhiều mũi nhọn quá nhiều thì cuối cùng chả có cái gì nhọn cả", Phó Thủ tướng nói.
Về các chỉ tiêu đánh giá tăng trưởng, Phó thủ tướng rất lo về số liệu thống kê và độ tin cậy của ngành thống kê, ông khẳng định: Hiện Việt Nam còn thiếu vắng nhiều chỉ tiêu đánh giá chất lượng tăng trưởng. Chính phủ muốn tự mình đặt ra, xác định hệ thống chỉ tiêu để phấn đấu và thực hiện. "Tôi đọc rất nhiều ý kiến của chuyên gia về thống kê, họ không tin tưởng số liệu thống kê vì người ta không được cung cấp đầy đủ số liệu liên quan", ông chia sẻ sự quan tâm.
Về chiến lược tăng trưởng, Phó thủ tướng khẳng định: Quan điểm của Chính phủ phải tăng trưởng toàn diện, cho con người, vì con người. Nếu tăng trưởng không vì con người, người dân không được tận hưởng thì không có ý nghĩa. "Tăng trưởng phải bền vững nhằm mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, phải tăng trưởng “nâu” - (tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ) sang tăng trưởng xanh, bền vững", Phó thủ tướng nói
Phó thủ tướng đặt ra vấn đề là trong khi chúng ta vẫn phải duy trì tốc độ phát triển, nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế ngày càng đặt ra nhiều hơn. Trước kia chúng ta đặt trọng tâm vào 3 nhiệm vụ, nay phải là 5 trọng điểm: Đầu tư, trong đó nhấn mạnh cải cách đầu tư công, cải cách khu vực kinh tế Nhà nước, trọng tâm là DNNN; cải cách khu vực tài chính và hệ thống ngân hàng và hiện vấn đề nóng nhất là tái cơ cấu sự nghiệp công, đặc biệt là thu chi ngân sách, nợ cộng, giảm biên chế, cơ cấu nền kinh tế.
Khánh Nguyên/ Kinh tế nông thôn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã