Gỡ khó cho nông dân
Là 1 trong 17 hộ được vay vốn Quỹ HTND, anh Phạm Văn Thành – Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Nông trang xã Dực Yên cho biết: “Gia đình tôi có 11 ha trồng cây ăn quả, chủ yếu là nhãn, vải thiều. Nhằm đa dạng hóa các loại cây trồng, tránh việc “trứng để 1 giỏ” nhiều rủi ro, tôi quyết định trồng thêm cây cam, chanh đào, hồng. Trồng các loại cây này phải mất 2 - 3 năm mới được thu hoạch. Vì vậy, trong quá trình đầu tư tôi cần rất nhiều vốn. Với số vốn Quỹ HTND cho vay 30 triệu đồng phần nào đã giúp tôi tháo gỡ khó khăn ban đầu”.
Được vay vốn Quỹ HTND, các thành viên CLB Nông trang xã Dực Yên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cam. Ảnh: Đức Thịnh
Đối với cây cam phải đến năm thứ 4 mới được thu quả. Vì vậy, sau khi kết thúc thời gian thực hiện dự án (tháng 8.2017), đề nghị T.Ư Hội NDVN tiếp tục cho chúng tôi vay vốn trồng cam, phát triển kinh tế gia đình”. Anh Phạm Văn Thành – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông trang xã Dực Yên |
Ông Hoàng Trung Tuyến – Chủ tịch Hội ND xã Dực Yên cho biết, là xã trung du miền núi, trước đây bà con chủ yếu trồng vải, nhãn. Hiện, các loại cây trồng này đã già cỗi, nhiều sâu bệnh, năng suất thấp. Trước tình hình đó, nhiều hộ nông dân trong xã đã cải tạo lại vườn cây ăn quả, thay thế một giống cây mới như cam, chanh với diện tích trồng ngày càng nhiều.
“Để hỗ trợ ND, Hội ND xã Dực Yên đã xây dựng dự án: “Cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả cam, chanh”. Theo đó, tháng 8.2014, khi dự án được duyệt, Hội ND xã đã phối hợp Hội ND huyện, tỉnh thực hiện giải ngân 500 triệu đồng Quỹ HTND nguồn T.Ư Hội NDVN ủy thác cho 17 hộ là thành viên CLB Nông trang vay vốn tham gia trồng 15ha cam, chanh. Mỗi hộ vay từ 25 – 30 triệu đồng, thời gian thực hiện dự án là 36 tháng” - ông Tuyến thông tin.
Liên kết sản xuất
Theo ông Tuyến, với phương thức cho vay theo nhóm hộ và dự án, Hội ND xã đã quản lý chặt chẽ và hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND. “Tất cả các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích. Không chỉ vậy, Quỹ HTND đã kết nối từng hộ sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ với nhau tiến tới sản xuất hàng hóa, quy mô lớn” -ông Tuyến khẳng định.
Anh Cao Văn Thắng là thành viên CLB Nông trang và được Quỹ HTND cho vay 30 triệu đồng để trồng 1ha cam. Tháng 9.2016 vừa qua, vườn cam đã bắt đầu bói quả. Anh Thắng phấn khởi nói: “Cây cam rất khó tính, yêu cầu kỹ thuật trồng cao. Phần đông nông dân chúng tôi mới trồng cam lần đầu nên gặp nhiều bỡ ngỡ. Thông qua dự án vay vốn Quỹ HTND trồng cam, các thành viên CLB đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Bên cạnh đó, CLB Nông trang đã tổ chức đi thăm, học tập kinh nghiệm các mô hình trồng cam lâu năm ở Văn Giang (Hưng Yên), Cao Phong (Hòa Bình). Ngoài ra, CLB còn ra tận Viện Cây trồng Trung ương để mua giống cam có chất lượng”.
Theo nhiều hộ trồng cam, chanh ở xã Dực Yên, trồng các loại cây có múi quan trọng nhất 2 yếu tố là bón phân đúng lúc và phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Hiện, các hộ trồng cam, chanh trong xã Dực Yên luôn chú trọng tới khâu chăm sóc, sản xuất cam an toàn với người dùng.
Theo Đức Thịnh/Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã