Cơ sở Hoàng Giang Phúc luôn cửa đóng then cài.
Được biết, cơ sở Hoàng Giang Phúc (do ông Nguyễn Hồng Lung làm giám đốc) là một chi nhánh thuộc Công ty bán hàng đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy tại Hà Tĩnh. Nghe tên có vẻ hoành tráng nhưng thực chất cơ sở chỉ là một ki ốt đã đóng cửa, phía ngoài treo biển chuyên buôn bán kinh doanh hàng kim khí điện máy.
Nán lại trước cơ sở Hoàng Giang Phúc, thỉnh thoảng chúng tôi lại thấy một vài người đi qua, họ chững lại một lúc lâu, trên mặt thoáng nét buồn. Khi được phóng viên hỏi thăm, họ né tránh câu trả lời với lý do nếu chúng tôi tiết lộ bất kỳ thông tin gì liên quan đến hợp đồng và số tiền thì phía bên Hoàng Giang Phúc sẽ không hoàn trả lại số tiền mà họ đã hợp đồng.
Do nhẹ dạ cả tin, chỉ thấy cái lợi trước mắt từ viễn cảnh mà Hoàng Giang Phúc vẽ ra nên không ít người dân Hương Khê đã bị lợi dụng, lôi kéo vào mạng lưới “một cổ nhiều tròng” này. Do không ý thức được những mặt lợi hại, không nhận thức được vấn đề, thiếu thông tin, bị mê hoặc bởi những viễn cảnh mà hệ thống bán hàng đa cấp vẽ ra (nguồn lợi nhuận cao, công việc nhàn hạ, làm ít, hưởng nhiều) nên Công ty Thiên Ngọc Minh Uy, mà cụ thể là cơ sở Hoàng Giang Phúc, đã lôi kéo được không ít người dân vào mạng lưới bán hàng đa cấp và không ít người dân sập bẫy.
Người dân sinh sống tại đây cho biết: "Đối tượng tham gia ở đây chủ yếu là phụ nữ, địa điểm này người ra vào không đông, cánh cửa chỉ mở hờ còn xe cộ thường được đưa vào trong nhà. Họ chủ yếu hoạt động ngầm và hoạt động ra sao chúng tôi không rõ".
Ông Lê Hữu Thái, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, cho biết: “UBND huyện đã phối hợp với Đội quản lý thị trường số 3 kiểm tra, xử lý, trực tiếp gọi đại diện cơ sở lên làm việc, yêu cầu ngừng hoạt động kinh doanh và ký quyết định cấm hành nghề, đồng thời kêu gọi đội ngũ nhân viên Thiên Ngọc Minh Uy lên làm việc, tiến hành thu giấy tạm trú và trục xuất ra khỏi địa bàn”.
"Chiêu bài hoạt động của chúng hết sức tinh vi nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Khi ai đến tham gia thì phải có thành viên thuộc công ty giới thiệu để lấy doanh thu. Tuy nhiên, khi bán các gói sản phẩm thì người dân phải đóng tiền để trở thành nhân viên chứ thực tế cơ sở này không hề có hàng hóa. Hay như gói chăm sóc sức khỏe, bằng những lời quảng cáo "có cánh", có thể trị bách bệnh, nhiều người đã bỏ ra một số tiền lớn để mua nhưng thực tế hàng ngày chỉ đến cơ sở để mát xa. Thực tế tất cả các bệnh đều được sử dụng chung một gói sản phẩm", ông Thái cho biết thêm.
Trả lời báo chí, ông Trần Nhật Tân, Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh, cho biết, Sở không cấp phép cơ sở Hoàng Giang Phúc kinh doanh đa cấp.
Còn ông Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh thì cho biết, việc cơ sở Hoàng Giang Phúc tự ý khám chữa bệnh, thu tiền của dân là trái luật vì không được cấp phép.
Đơn khiếu nại của chị Nguyễn Thị Tuyết.
Cầm trên tay tập đơn khiếu nại, chúng tôi nhận thấy đối tượng mà hệ thống đa cấp này lừa đảo chủ yếu là phụ nữ. Theo như giải trình của chị Nguyễn Thị Tuyết (khối 15 – thị trấn Hương Khê): “Vào ngày 27/12/2014, nhân viên Hoàng Giang Phúc có tư vấn cho tôi gói dịch vụ 9.800.000 đồng, đến ngày 30/3/2015 hệ thống lại yêu cầu tôi mua thêm 3 suất nữa với số tiền 33.200.000 đồng với lời hứa chăm sóc sức khỏe hàng tháng và trả thưởng mỗi tháng là 40.000.000 đồng, cộng với hoa hồng nếu lôi kéo được người khác mua mã dịch vụ. Sau một thời gian mua mã dịch vụ, tôi biết được rằng các dịch vụ của công ty là không có thật và lời hứa trả thưởng là lừa đảo. Ngoài ra, công ty còn bảo tôi lôi kéo người khác tham gia…”.
Đây chỉ là 1 trong số 11 trường hợp bị lừa một cách trắng trợn và cũng là bài học cảnh tỉnh cho những người dân còn thiếu hiểu biết về hệ thống lừa đảo đa cấp siêu cấp này. Mong rằng, trong thời gian tới, sẽ có những người khác đứng lên vạch mặt hệ thống lừa đảo này để không còn ai rơi vào tình trạng "tiền mất tật mang".
Mạng lưới đa cấp ngày càng lan rộng và đang là nỗi đau của không biết bao nhiêu người dân ở huyện nghèo Hương Khê. Những hệ lụy từ bán hàng đa cấp khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Rất mong ngành chức năng huyện Hương Khê và tỉnh Hà Tĩnh sớm vào cuộc để đưa những đối tượng lừa đảo này ra ánh sáng.
Trên thực tế, bán hàng đa cấp là ngành nghề kinh doanh hợp pháp. Là một phương thức tổ chức kinh doanh của doanh nghiệp thông qua nhiều cấp khác nhau, theo đó người bán hàng sẽ được hưởng hoa hồng từ kết quả bán hàng của mình và của những người bán hàng trong mạng lưới. Thế nhưng, không ít các công ty lợi dụng cách thức kinh doanh mới mẻ này làm méo mó bản chất của bán hàng đa cấp khiến cho không ít người dân nghe đến hai từ “đa cấp” cảm thấy sợ. Hầu hết các nhân viên công ty đa cấp đều rót mật vào tai khách hàng bằng nhiều hình thức để khách hàng luôn thấy được cái lợi trước mắt như làm giàu nhanh chóng mà không mất công sức, được hứa hẹn mức lương cao, đi du lịch… nhưng thực chất là bị lừa một cách trắng trợn. |
Phương Thảo – Huy Hùng
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã