Hàng trăm ha "tấc đất tấc vàng" bị bỏ hoang
Trong thời gian này, khi về các An Lộc, Thịnh Lộc, Tân Lộc, Bình Lộc của huyện Lộc Hà, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh cả trăm ha đất ruộng vẫn chưa được người dân gieo cấy, dù mùa vụ hè - thu năm 2014 đã bắt đầu được khá lâu.
Trên cánh đồng rộng lớn của xã Tân Lộc chỉ lác đác vài người làm đất, nhổ cỏ để chuẩn bị gieo cấy, còn lại nhiều thửa ruộng cỏ mọc um tùm.
Hàng trăm ha đất trồng lúa bị bỏ hoang trong mùa hè - thu ở xã Tân Lộc (huyện Lộc Hà).
|
Trâu bò thoải mái thả rông trên những cánh đồng rộng lớn, mà nguyên nhân là do lo sợ ngập úng, người dân không dám gieo cấy. |
Chị Phan Thị Ủy (trú xóm 6, xã Tân Lộc) chia sẻ, gia đình chị có 1 mẫu ruộng (10 sào) nhưng vụ hè - thu năm trước có tới 7 sào (1 sào là 500m2) bị ngập úng. Những năm trước đó tình trạng cũng tượng tự nên vụ hè - thu này gia đình chị không dám "làm liều", chỉ chọn 2 sào ở những vùng đất cao để làm.
"Biết là làm từng đó (2 sào_PV) sẽ không đủ ăn, nhưng ruộng của nhà tui hầu hết là ruộng vùng trũng, có làm cũng không được gì, lại tốn thêm tiền giống, tiền phân bón rồi công chăm sóc, một trận ngập là cuốn đi hết" - chị Ủy lắc đầu ngao ngán.
Đang nhổ mạ để chuẩn bị đi cấy… cho một hộ xã bên, chị Nguyễn Thị Hằng (49 tuổi, trú xóm 7 xã Tân Lộc) cho hay, gia đình chị có tổng diện tích 7 sào đất ruộng, nhưng vụ hè - thu này chỉ gieo cấy được 1 sào ở cánh đồng cao không bị ngập.
Có ruộng mà không làm được nên chị đành phải đi cấy thuê cho những hộ ở xã bên, đổi lại khi thu hoạch họ sẽ trả công cho gia đình chị một ít lúa.
Không chỉ ở xã Tân Lộc, các xã kế cận như Bình Lộc, An Lộc, Thịnh Lộc cũng chung tình trạng. Theo những người dân nơi đây, khoảng 4-5 năm trở lại, dù đã cố gắng bám trụ lại với nghề nông nhưng không ăn thua.
Đầu mùa thì không có nước gieo cấy, còn năm nào may mắn gieo cấy được ít sào thì một trận lũ cuốn phăng đi tất cả công sức.
Hệ thống kênh mương thủy lợi yếu kém
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, được cho là do hệ thống kênh mương thủy lợi tại huyện Lộc Hà không đảm bảo việc cung cấp, tiêu thoát nước kịp thời nên cả trăm ha lúa của người dân khi gieo cấy rồi lại mất trắng.
Tình trạng kéo dài năm này qua năm khác khiến người dân bỏ mất mùa, bỏ trắng ruộng đồng. Ban đầu số hộ dân bỏ ruộng ít nhưng ngày một nhiều hơn.
Chị Nguyễn Thị Hằng phải đi cấy thuê cho người xã bên, trong khi mình có ruộng mà không làm được.
|
Chị Phan Thị Ủy ngán ngẩm khi nhắc tới việc đồng áng mùa hè - thu. |
Ông Lê Thúc Bá, Bí thư Đảng bộ xã Tân Lộc cho hay, tổng diện tích toàn xã là khoảng 440 ha, thì có tới 300 ha (100 ha đất 2 vụ lúa; 200 ha đất lúa một vụ) trong mùa hè - thu năm nay bị bỏ hoang.
Theo ông Bá, một trong những nguyên nhân là do hệ thống cống Đò Điệm (sông Nghèn) vào mùa mưa lũ không tiêu thoát nước kịp dẫn tới việc nhiều diện tích lúa ngâm trong nước lâu ngày rồi mất trắng.
Khi bà con nông dân triển khai gieo cấy vụ hè - thu, cứ một trận mưa to và kéo dài trong khi hệ thống kênh mương nội đồng không tiêu thoát kịp thì chắc chắn sẽ ngập úng, ảnh hưởng tới cây lúa.
“Mùa hè - thu năm nay, trên địa bàn xã có 65 ha đất lúa bỏ hoang (toàn xã có 170 ha). Tình trạng người dân bỏ ruộng ngày càng có hướng tăng lên” - ông Đào Văn Hậu, cán bộ xã An Lộc xót xa.
Cũng chung tình trạng này, trong số diện tích 276 ha đất trồng lúa của xã Bình Lộc cũng đã có tới 40 ha bị bỏ hoang.
Ở xã Thịnh Lộc, theo kế hoạch sẽ gieo cấy 100 ha, tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, xã này mới chỉ "thúc giục" được bà con gieo cấy 50 ha.
Dân mỏi mòn chờ đợi giải pháp
Theo đánh giá của UBND huyện Lộc Hà, vụ hè - thu năm 2014 diện tích gieo trồng lúa của huyện vẫn đạt kế hoạch đề ra (1.541 ha). Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, nông dân tiếp tục bỏ ruộng khiến diện tích hè - thu bỏ hoang lên đến cả trăm ha.
Ông Lê Văn Vượng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lộc Hà cho biết, phản ánh của bà con nông dân về tình trạng ngập úng kéo dài là đúng thực tế.
Các xã An Lộc, Tân Lộc, Thịnh Lộc… là vùng rốn lũ nên cứ vào mùa mưa lũ thì ngập úng lại kéo dài. Vụ hè - thu năm ngoái, kế hoạch gieo cấy của toàn huyện là 1.825 ha, còn năm nay chỉ còn 1.541 ha.
Cũng theo ông Vượng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngập úng kéo dài là do cống Cầu Trù (thuộc xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà) và kênh Hồng Tân (xã Tân Lộc) ngày càng bị hẹp, bèo tây lại phát triển nhanh làm cho việc tiêu thoát nước không đảm bảo.
Và việc người dân không chấp hành đúng lịch trình thời vụ dù huyện đã cơ cấu giống ngắn ngày giúp bà cũng là một trong những nguyên nhân.
“Cách đây khoảng 2-3 năm, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần phản ánh tình trạng này. Và huyện đã nhiều lần đề xuất với tỉnh về việc nạo vét kênh Hồng Tân cũng như hệ thống cống Cầu Trù, nhưng tỉnh chỉ mới tiếp thu chứ chưa có kế hoạch gì” - ông Vượng nói.
Ông Nguyễn Trọng Diện, Phó chi cục thủy lợi Hà Tĩnh xác nhận chuyện dân bỏ hoang ruộng là có thật. Còn chuyện người dân phản ánh về việc cống Đò Điệm là nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngập úng thì ông Diện cho là không đúng.
Việc người dân không còn "mặn mà" với đồng ruộng trong mùa hè - thu là một thực trạng đã diễn ra lâu nay ở huyện Lộc Hà. Thế nhưng, dường như huyện này vẫn đang loay hoay tìm cách giải quyết trong khi tình trạng người dân bỏ hoang đất ruộng ngày càng có dấu hiệu tăng lên.
Văn Đức
Nguồn vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã