Tại đại hội đại biểu lần thứ nhất mới đây, ông Hoàng Đức Doanh, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Quảng Trị đã được bầu làm Chủ tịch hội.
Dự đại hội có đại diện lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, Chi cục Lâm nghiệp các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam; đại diện các tổ chức quốc tế như Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV)... và 20 nhóm hộ có chứng chỉ rừng FSC.
Đi đầu
Với mục tiêu hỗ trợ người dân trồng rừng nâng cao năng suất, chất lượng và tăng thu nhập, đáp ứng nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến, xuất khẩu, hội nhập thị trường quốc tế bền vững, thời gian qua ngành nông nghiệp Quảng Trị tiến hành xây dựng mô hình quản lý rừng bền vững gắn với việc cấp chứng chỉ rừng FSC cho các hộ gia đình nông dân trồng rừng SX.
Từ năm 2007, với sự giúp đỡ của Tổng cục Lâm nghiệp, tổ chức WWF, Sở NN-PTNT Quảng Trị, Chi cục Lâm nghiệp Quảng Trị bắt đầu triển khai xây dựng mô hình thí điểm cấp chứng chỉ FSC cho nhóm hộ gia đình trồng rừng. Theo ông Hoàng Đức Doanh, đây là lĩnh vực hoàn toàn mới, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên của nước ta thực hiện mô hình này.
Quá trình xây dựng chứng chỉ rừng, Chi cục vừa tiến hành hoàn thiện bộ tài liệu về nguyên tắc, tiêu chí, chỉ số quản lý rừng vừa phải tập trung công tác tuyên truyền vận động, giúp người dân hiểu biết về việc thực hiện xây dựng chứng chỉ rừng.
Đến năm 2010 nhóm chứng chỉ rừng Quảng Trị được cấp chứng chỉ FSC cho 118 thành viên đầu tiên, là các nông dân tại hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh với diện tích 316 ha rừng. Đến nay, toàn tỉnh có 341 thành viên tham gia với 925 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.
Ông Nguyễn Văn Bài, GĐ Sở NN-PTNT Quảng Trị, người rất tâm huyết với việc phát triển rừng FSC cho biết: "Chúng tôi xác định trồng rừng có chứng chỉ cho nhóm hộ gia đình là một giải pháp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo điều kiện cho hộ trồng rừng tham gia chứng chỉ rừng cũng như thực hiện chiến lược của tỉnh Quảng Trị về phát triển trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn có chứng chỉ FSC.
Mô hình hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng được thành lập lần này cũng là mô hình đầu tiên của cả nước, được Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT gửi gắm, kỳ vọng là nền tảng để tiếp tục nhân rộng phạm vi trong và ngoài tỉnh".
Cũng theo ông Bài, tỉnh Quảng Trị hiện có gần 75.000 ha rừng SX là rừng trồng các loại, trong đó rừng của các nhóm hộ gia đình hơn 40.000 ha. Hằng năm sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng trên địa bàn đạt 500.000 m3, được bán cho NM gỗ MDF Quảng Trị và phục vụ các nhu cầu khác.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ 15 chỉ rõ phát triển SX lâm nghiệp trên cơ sở quản lý, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái...
Mục tiêu phát triển là nâng độ che phủ của rừng đạt 49% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020. Hằng năm trồng mới 7.000 ha rừng, trong đó có 1.000 ha rừng phòng hộ, gần 3 triệu cây phân tán. Phấn đấu đến năm 2020 diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC đạt 40.000 ha, trong đó diện tích rừng của nhóm hộ gia đình chiếm 50%.
Bảo vệ quyền lợi người trồng rừng
Ông Hoàng Đức Doanh, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp kiêm Chủ tịch Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng cho biết, với tầm nhìn đưa hội trở thành tổ chức nghề nghiệp của người trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ tại Quảng Trị, đứng đầu trong khu vực miền Trung trên khía cạnh về quy mô tổ chức, tính chuyên nghiệp và khả năng tài chính, Hội nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích những người trồng rừng và hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn...
Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng và chịu sự quản lý nhà nước của Sở NN-PTNT Quảng Trị. Tại đại hội, các đại biểu đã bầu 15 đồng chí vào Ban chấp hành nhiệm kỳ 2014 - 2019. |
Hội xác định phương hướng nhiệm vụ thời gian tới là mở rộng mạng lưới chi hội trên phạm vi toàn tỉnh đến 1.500 hội viên và có 3.500 ha rừng của hộ gia đình được cấp chứng chỉ FSC vào năm 2015.
Tăng cường khả năng liên kết giữa hội và nhà nước, doanh nghiệp, các nhà tài trợ quốc tế và các đối tác hướng đến phát triển bền vững. Hiện giá gỗ bán từ mỗi ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC ở mức từ 150 - 200 triệu đồng/ha, cao hơn 2 lần so với rừng bình thường.
Để phát triển lâm nghiệp bền vững, hiệu quả và nhân rộng mô hình “Hội các nhóm có chứng chỉ rừng ở Quảng Trị” ra toàn quốc, tại đại hội ông Nguyễn Văn Bài đề nghị Bộ NN-PTNT sớm xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan đến quản lý rừng bền vững, ban hành bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững của Việt Nam để các địa phương có cơ sở tổ chức thực hiện.
Chính phủ sớm ban hành các chính sách khuyến khích người dân đầu tư trồng rừng, phát triển SX, có chính sách phát triển công nghiệp chế biến gỗ từ rừng trồng, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, ưu đãi về thuế sử dụng đất đối với người trồng rừng kinh doanh gỗ lớn và xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm xuất khẩu.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học sớm tìm ra tập đoàn cây giống cây rừng trồng có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao để nông dân sử dụng vào các chương trình trồng rừng.
Một điều quan trọng nữa là phát triển rừng SX kinh doanh gỗ lớn và cấp chứng chỉ FSC đòi hỏi phải có chu kỳ dài, gặp nhiều rủi ro thiên tai nên cần có chính sách bảo hiểm rủi ro đối với loại hình kinh doanh này để người dân yên tâm phát triển rừng bền vững.
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã