Hiện nay, năng lực sản xuất nông sản VietGAP tại TP Hồ Chí Minh cũng như một số địa phương khu vực phía Nam không thiếu cả về nguồn nhân lực, đất đai, vốn. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm VietGAP lại gặp khó khăn, nguyên nhân là do thiếu sự kết nối giữa khâu sản xuất và khâu tiêu thụ.
Ông Phạm Văn Trung, chủ của một trang trại dưa lưới công nghệ cao tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh cho biết, gia đình ông với diện tích gần 5ha đầu tư trồng dưa lưới theo mô hình nhà lồng đã được gần 5 năm. Những đợt dưa vừa mới thu hoạch đã mang lại cho gia đình ông niềm vui vì sau bao ngày vất vả thì cây đã mang lại kết quả.
Thế nhưng chưa vui được bao lâu thì gia đình ông đã phải đối mặt với những khó khăn chồng chất khi mà những tấn dưa của ông khi đem ra thị trường bán lại không cạnh tranh được với những loại dưa trồng theo thủ công. Nguyên nhân là do với sự đầu tư lớn, chi phí bỏ ra cao nên giá dưa của gia đình ông cao hơn, mà người mua thường chỉ quan tâm hàng nào rẻ thì lựa chọn.
Một mô hình trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết, diện tích rau VietGAP không đạt mục tiêu đề ra so với chương trình phát triển rau an toàn này. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có sự khác biệt giá bán giữa rau thường và rau VietGAP, gây ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm và khích lệ người sản xuất phát triển diện tích sản xuất theo VietGAP. Ngoài ra, tiêu chí phát triển rau VietGAP chưa phù hợp với yêu cầu tiêu thụ nội địa.
Chị Nguyễn Thị Mai, một gia đình trồng rau muống theo mô hình chuẩn VietGAP chia sẻ, từ ngày chị và gia đình chuyển qua trồng rau theo mô hình này vì thấy được sự an toàn của người tiêu dùng. Chính vì lý do đó nên gia đình cũng đã rất tuân thủ theo kỹ thuật trồng và chăm sóc rau.
Thế nhưng, đầu ra cho sản phẩm quả thật là khó với nông dân. Vì muốn vào các hệ thống siêu thị thì khó, bên cạnh đó, tâm lý người tiêu dùng cũng chưa phân biệt đâu là rau an toàn, thế nên khó lại càng khó.
Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết, bản thân VietGAP là tốt và phù hợp cho việc quản lý an toàn thực phẩm, truy nguyên nguồn gốc. Tuy nhiên, cơ quan quản lý đã không làm hết trách nhiệm khi đến nay vẫn chưa thực hiện dán nhãn và logo VietGAP, không lo khâu tiêu thụ mà vẫn để cho thương lái thu gom trà trộn hàng VietGAP với hàng thường làm người tiêu dùng không biết đâu mà lần. Ngoài ra, khi tổ chức chứng nhận làm bậy mà không được xử lý nghiêm, không minh bạch càng gây khó cho người làm VietGAP đàng hoàng.
Chị Ngô Chiến, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, bản thân chị luôn thích mua rau an toàn chuẩn VietGAP, nhưng nếu để nói tin tưởng 100% thì chị vẫn chưa thể nào hoàn toàn tin được. Chị Chiến cho biết, do tâm lý chung và bình thường người tiêu dùng, bằng mắt thường khó phân biệt được đâu là rau an toàn.
Chuyên gia kinh tế Hoàng Minh Tiến cho biết, sản xuất các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP đòi hỏi quỹ đất sạch, giàu dinh dưỡng, tránh xa các khu vực gây ô nhiễm. Hiện nay, diện tích canh tác tại nước ta nói chung còn nhỏ lẻ, khó khăn trong việc liên kết tiêu thụ.
Trong khi đó, các địa phương lại chưa ban hành chính sách hỗ trợ, văn bản hướng dẫn cụ thể, cũng như quy hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trồng trọt. Người tiêu dùng chưa tin tưởng và khó có thể phân biệt được sản phẩm VietGAP, chính vì vậy dù nhu cầu thị trường cao nhưng sản này vẫn khó bán, chỉ các tổ chức, cá nhân có hợp đồng trước với đầy đủ chứng nhận hợp lệ mới có thể đứng vững trên thị trường.
Phân biệt rau an toàn và rau VietGAP Theo Chi cục Bảo vệ thực vật TP Hồ Chí Minh: Rau an toàn là rau được sản xuất đảm bảo 4 yêu cầu: không có dư lượng thuốc BVTV; không có kim loại nặng; không có hàm lượng Nitrate; không có vi sinh vật gây hại. Rau VietGAP, ngoài 4 yêu cầu trên còn phải tuân thủ hệ thống các chỉ tiêu khác, chủ yếu về quản lý: Sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc, có bao bì rõ ràng; người sản xuất phải được tập huấn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; nơi sản xuất phải đạt chuẩn VietGAP như: nhà xưởng phải đảm bảo vệ sinh, ngăn chặn côn trùng, đảm bảo đủ nguồn sáng và nguồn nước... Được tổ chức nào đó chứng nhận và cấp giấy phép đủ điều kiện sản xuất rau VietGAP. |
Tác giả bài viết: Hoàng Phạm
Nguồn tin: cand.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã