Học tập đạo đức HCM

Doanh nghiệp cần cơ chế hơn tiền

Thứ tư - 19/04/2017 23:08
Thay vì hỗ trợ trực tiếp bằng tiền từ ngân sách, dự thảo Nghị định về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ hướng đến hỗ trợ về thuế phí và chính sách ổn định nhằm lôi kéo doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Chiều 19.4, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến với dự thảo nghị định thay thế Nghị định 210 về khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
90 tỉ còn khó, lấy đâu ra 11.000 tỉ?
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết trong 3 năm qua, từ khi Nghị định 210 được thực thi, ngân sách cam kết dành 360 tỉ đồng để hỗ trợ DN đầu tư vào tam nông. Song trên thực tế mới chỉ có 64 dự án được hỗ trợ với số vốn thu xếp thực tế là 280 tỉ đồng, nhưng năm sau lại giảm 1/2 so với năm trước. “Nghị định 210 có những mặt tốt song vẫn theo hướng dùng ngân sách để hỗ trợ, trong khi nguồn lực bố trí thấp và ngày càng khó khăn nên chính sách mới cần theo hướng nhà nước chỉ hỗ trợ cơ chế như tiếp cận đất đai, giảm thủ tục hành chính”, ông Tuấn nói. 
 
 
Doanh nghiệp cần cơ chế hơn tiền - ảnh 1
Doanh nghiệp nói họ sợ lắm, dù trên Chính phủ, các bộ, thậm chí xuống chủ tịch tỉnh rất thông nhưng tới sở thì vẽ ra đủ bài. Hoặc như chính sách giảm tiền thuê đất, dù đã có nhưng phải làm sao để các nhà đầu tư không phải chạy vạy thủ tục, xin xỏ mới được
Doanh nghiệp cần cơ chế hơn tiền - ảnh 2
 
Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN-PTNT
 
Trong khi đó, dự thảo do Bộ KH-ĐT chủ trì xây dựng vẫn dự kiến mỗi năm cần nguồn lực cỡ 11.200 tỉ đồng. “Vừa qua, mỗi năm có 90 tỉ mà còn khó, giờ nói 1 năm cần 11.000 tỉ thì liệu có không. Đề ra như thế nhưng nếu không bố trí được ít nhất 50% thì buồn lắm, chính sách không khả thi được”, ông Tuấn lo ngại. Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho rằng dự thảo dự trù nguồn lực như vậy là không khả thi và cũng không nên quy định một tỷ lệ cứng hỗ trợ. Thay vào đó, nên hướng tới chính sách tín dụng chứ không phải tài khóa từ ngân sách. Đại diện Bộ KH-CN cũng cho rằng nhà nước không nên hỗ trợ tiền trực tiếp các dự án mà chỉ cần giảm nguồn thu với khối này như giảm thuế đất đai, miễn thuế thu nhập DN trong một thời gian để khuyến khích đầu tư, đồng thời cũng là cách nuôi dưỡng nguồn thu bền vững.
Điều này cũng nhận được sự tán đồng từ giới chuyên gia và đại diện DN. Trong 6 điều mong mỏi từ DN mà ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, hiện là Chủ tịch Tổng hội NN-PTNT, kể ra thì không hề có đòi hỏi nào về “tiền tươi thóc thật”.
Cụ thể, ông Hùng cho biết giới đầu tư “than” nhiều nhất là thủ tục hành chính. “DN nói họ sợ lắm, dù trên Chính phủ, các bộ, thậm chí xuống chủ tịch tỉnh rất thông nhưng tới sở thì vẽ ra đủ bài. Hoặc như chính sách giảm tiền thuê đất, dù đã có nhưng phải làm sao để các nhà đầu tư không phải chạy vạy thủ tục, xin xỏ mới được”, ông Hùng nói. Bên cạnh đó, theo ông Hùng, làm sao để tích tụ đất đai vẫn là điều được hầu hết DN mong muốn.
“Có DN e sợ chính sách tạo điều kiện nhiều khi như cái bánh vẽ. Đó là quy định DN có doanh thu năm trước tối thiểu gấp 10 lần mức hỗ trợ thì mới đủ điều kiện”, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), bổ sung. Bên cạnh đó, bà Hằng phản ánh nguyện vọng của không ít công ty là chính sách cần ổn định như quy hoạch vùng nguyên liệu, đất đai, tránh tình trạng họ gom được đất xong thì mảnh đất ấy đã được chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc quy hoạch thay đổi.
Mở hết khung
Giải trình với tư cách cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu cho biết rất muốn tạo điều kiện tối đa để khuyến khích, song do chính sách chỉ ở tầm nghị định nên vướng rất nhiều luật chuyên ngành. Ông Thu dẫn chứng, chuyện thay đổi quy hoạch hay quy hoạch vùng nguyên liệu thì bị chế định bởi luật Quy hoạch, hay chính sách giảm thuế thì lại do luật Thuế thuộc thẩm quyền Quốc hội. Tương tự, muốn mở chính sách tích tụ đất đai để DN yên tâm làm ăn lớn thì cần chờ sửa luật Đất đai 2013... “Lý tưởng nhất là làm sao xây dựng được luật khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp”, ông Thu nói.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định khu vực nông nghiệp, nông thôn rất cần được khuyến khích, ưu tiên phát triển. “Cho nên khi xây dựng nghị định, có cơ hội nào thì phải tận dụng tối đa, đưa hết vào nghị định để thúc đẩy DN đầu tư vào”, Phó thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý, tại luật Đầu tư, khoản 2 điều 19 đã giao cho Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ chi tiết. Tương tự, luật Đất đai cũng có điều khoản cho phép Chính phủ quy định các trường hợp miễn giảm tiền thuê đất.
Theo Phó thủ tướng, tinh thần của nghị định phải giảm bớt hỗ trợ tiền trực tiếp, thay vào đó là chính sách thuế phí miễn giảm như tiền sử dụng đất, thuê đất. Thừa nhận rằng rủi ro lớn nhất với DN nông nghiệp hiện nay là không có đất đai đủ cơ sở pháp lý để làm ăn lớn và ổn định, Phó thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo, các bộ cùng tính toán cơ chế làm sao để thuê đất của nông dân cho DN thuê lại được tối ưu trên cơ sở so sánh cách làm mà một số địa phương đang áp dụng và cho biết Nghị quyết của T.Ư sắp tới cũng sẽ nói về tích tụ ruộng đất.
Ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai (Bộ TN-MT), cho biết thêm hiện có một số mô hình tích tụ đất đai khá thành công. Như tại Hà Nam, chính quyền huyện xã thuê lại của dân rồi giao Sở TN-MT cho DN thuê lại. Cách làm này khiến nhà đầu tư lẫn người dân yên tâm nhờ thông qua chính quyền bảo lãnh. Song theo ông Chính, cái khó là hiện luật pháp chưa quy định hình thức này. Trong khi đó, tại Thái Bình, thông qua Trung tâm phát triển quỹ đất - là một đơn vị sự nghiệp nhưng cơ chế hoạt động như DN. Ông Chính cho biết tới đây cơ quan này sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm để kiến nghị mô hình ưu việt nhất nhằm giải bài toán tích tụ đất đai.
Yêu cầu tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra việc lấy đất nông nghiệp làm du lịch
Văn phòng Chính phủ đã gửi Công văn số 3830 (ngày 18.4) cho Bộ NN-PTNT cùng UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc yêu cầu kiểm tra việc lấy đất nông nghiệp làm du lịch tại H.Vĩnh Tường. Công văn nêu rõ, ngày 2.4.2017, ông Lê Quang Thưởng có thư gửi Thủ tướng Chính phủ phản ánh ý kiến của người dân tại 2 xã Vĩnh Thịnh và An Tường, H.Vĩnh Tường về việc tỉnh Vĩnh Phúc cấp đất nông nghiệp cho doanh nghiệp làm du lịch (xây khách sạn, điểm vui chơi, sân golf...). Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh của ông Lê Quang Thưởng nêu trên, báo cáo Thủ tướng.
M.Phương

Chí Hiếu
Nguồn: thanhnien.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập537
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm534
  • Hôm nay69,000
  • Tháng hiện tại774,113
  • Tổng lượt truy cập90,837,506
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây