Xuất phát điểm là dân công nghệ thông tin của Đại học Bách Khoa Hà Nội, khi ngồi trên ghế nhà trường, Đặng Xuân Trường chưa từng nghĩ sẽ "kết duyên" với nghề kinh doanh.
Năm 2013, tình cờ tham gia một dự án khởi nghiệp về y tế với vai trò là quản lý dự án, những giấc mơ startup hiện rõ hơn trong việc xác định công việc sau này của Trường. Cũng nhờ lần chạm ngõ này, chàng trai 9x rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu để chuẩn bị cho dự án dài hơi.
Cơ hội đến với Trường vào cuối năm 2015, trong lần giao lưu cùng sinh viên học ngành Nông nghiệp. Những câu chuyện, trăn trở của họ về kỹ thuật trồng trọt làm lóe lên trong Trường dự định khởi nghiệp với nông nghiệp. Chàng trai trẻ nhận thấy tiềm năng của lĩnh vực này rất lớn nếu được ứng dụng công nghệ thông tin.
"Hiện nay, thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường khiến ai cũng muốn tự tay trồng luống rau, nuôi con gà. Do đó, em nghĩ nếu ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp có thể phần nào giúp giải bài toán thực phẩm tại các thành phố lớn", Trường tâm sự. Theo đó, Xuân Trường ấp ủ dự án sáng tạo sản phẩm công nghệ giúp người dân dễ dàng trồng rau sạch mà không tốn nhiều thời gian, công sức.
Dù sẵn kiến thức về công nghệ nhưng Xuân Trường không hiểu sâu về nghề nông. Lỗ hổng này được bồi đắp khi Hoàng Yến Mai, một thạc sĩ nông nghiệp nhận lời tham gia dự án. Sau này, nhóm startup của Trường mở rộng thêm với Vũ Thành Đạt - lập trình viên IOS, Đặng Văn Hiền - lập trình viên Android và Nguyễn Thị Xuân phụ trách Marketing.
Mỗi người phụ trách một mảng, tuy có những lúc mâu thuẫn nhưng sau mỗi lần "va chạm", nhóm bạn trẻ lại tìm được tiếng nói chung, cùng góp sức tạo ra ứng dụng hoàn chỉnh.
Sau gần một năm nghiên cứu, nhóm cho ra "đứa con" đầu tay là hệ thống điều khiển IoT (Internet of Thing - kết nối vạn vật) cho sản phẩm thuỷ canh thông minh nhà phố. Đây là hệ thống tự động giám sát các điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng thông qua ứng dụng trên smartphone.
Nhờ IoT, với một chiếc smartphone kết nối Wi-fi, mọi người đều có thể dễ dàng tạo dựng và chăm sóc hệ thống trồng rau sạch ngay tại nhà. Hệ thống sẽ tự động tải dữ liệu của từng loại cây trên server của Hachi về để kích hoạt chế độ chăm sóc thông qua mạng Internet.
Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình phát triển hệ thống thủy canh thông minh, nhóm Hachi cũng gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là quá trình phát triển và hoàn thiện phần cứng. "Làm sản phẩm demo thì không khó, nhưng để thương mại hoá một thiết bị IoT là cả một vấn đề", Trường cho biết.
Ngoài ra, việc tiếp cận những khách hàng ở xa như TP HCM, Đà Nẵng... cũng là bài toán khó. Trường giải thích sản phẩm gồm khá nhiều chi tiết nên Hachi vẫn chưa hoàn thiện được quy trình để khách hàng có thể tự lắp đặt.
Để hạn chế các nhược điểm, nhóm bạn 9x hợp tác với các công ty đã có kinh nghiệm về phát triển phần cứng đồng thời nghiên cứu sâu hơn về giải pháp công nghệ. Nhờ ý tưởng tốt cộng tính khả thi, startup này được đón nhận khá tốt. Thương vụ đầu tiên đã thực hiện vào tháng 10 vừa qua. Dù không tiết lộ con số doanh thu, nhưng Xuân Trường rất hài lòng với thành công bước đầu.
Nói về tầm nhìn dài hạn, CEO Đặng Xuân Trường kỳ vọng dự án Hachi Nông nghiệp thông minh sẽ là một bước tiến trong việc áp dụng công nghệ vào trong nông nghiệp, giải quyết bài toán về thực phẩm sạch, mang lại những giá trị tích cực cho xã hội. Trong tương lai, nhóm bạn 9x sẽ mở rộng quy mô kinh doanh./.