Đó là nội dung mà Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh trong buổi làm việc ngày 6/10 với các đơn vị thuộc Bộ khu vực phía Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nông nghiệp nước ta đang phải đối mặt với 3 vấn đề lớn. Trước hết là phải tái cơ cấu (TCC) lại một nền sản xuất dựa trên trụ cột là sản xuất nông hộ nhỏ lẻ sang nền kinh tế tập trung theo hướng hàng hóa, chuỗi giá trị… Thách thức thứ 2 là BĐKH. Thực tế cho thấy BĐKH ở nước ta đang diễn biến nhanh hơn so với những dự báo trước đây.
Thách thức thứ 3 là hội nhập quốc tế. Tháng 11/2007, chúng ta trở thành thành viên chính thức của WTO. Từ đó đến nay chúng ta đã ký kết, thực hiện 6 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các quốc gia lớn, các định chế tài chính lớn và hiện đang tiếp tục thương thảo để ký 6 FTA mới nữa.
Đây là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với cấp độ tự do lớn hơn, mở rộng hơn, các yêu cầu tiêu chuẩn cao hơn... Điều này cho thấy nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, với sự cạnh tranh hết sức khốc liệt.
Tháng 6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Sau 3 năm thực hiện TCC nông nghiệp, về tổng thể 63 tỉnh, thành đều đã vào cuộc chuyển đổi nhận thức để tập trung cho TCC.
Thu hoạch cá tra (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)
thuy-sn-1183145656
Tùy từng tỉnh với đặc thù riêng đã có những cách làm khác nhau. Như ở Lâm Đồng, đã có 20 - 25% diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhờ đó đạt giá trị sản xuất bình quân 243 triệu đ/ha. Vùng khó khăn nhất ở Kon Tum là Măng Đen cũng đang tập trung chuyển đổi sang sản xuất rau ôn đới. Ở đây đang hình thành dự án nuôi dê sữa với quy mô 100.000 con…
Riêng vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn: BĐKH nhanh hơn so với dự báo; biến đổi một cách lịch sử ở thượng nguồn sông Mekong; thách thức từ chính các hoạt động kinh tế trên địa bàn. 3 yếu tố này đang dẫn tới nguy cơ ĐBSCL chìm ngập nhanh hơn dự báo.
Từ đó đặt ra vấn đề ngay trước mắt là phải thay đổi toàn bộ sản xuất truyền thống, thay đổi nhu cầu nước sạch, thay đổi cơ cấu kinh tế toàn khu vực ĐBSCL. Về sản xuất nông nghiệp, trước đây cây lúa là hàng đầu vì nguồn nước ngọt nhiều, rồi mới đến thủy sản và trái cây. Bây giờ, đứng vị trí đầu tiên phải là thủy sản. Cây ăn trái phải đưa lên hàng thứ hai. Còn lúa gạo phải quy hoạch lại, chỉ sản xuất ở cấp độ đủ nước ngọt một cách chủ động.
Như vậy, định đề đầu tiên trong tái cấu trúc nông nghiệp ĐBSCL là định dạng lại vị trí các nhóm sản phẩm chủ lực. Do đó, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi lại cung cách chỉ đạo. Các cơ quan nghiên cứu phải thay đổi trong công tác nghiên cứu, đề xuất nghiên cứu để phù hợp với định dạng mới của ngành nông nghiệp ở ĐBSCL. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng phải đáp ứng yêu cầu này. Đồng thời gắn các DN vào chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL.
Ông Huỳnh Thế Năng, TGĐ TCty Lương thực Miền Nam: Dành 2-3 triệu tấn gạo XK là vừa 17-02-55_du-thuy-sn-len-so-1-ong-huynh-the-nng
XK đang và sẽ đối mặt với những khó khăn lớn về thị trường khi các nước sản xuất lúa gia tăng mạnh về sản lượng; các thị trường tập trung đẩy mạnh sản xuất trong nước để giảm NK... Theo tôi, không nên tiếp tục sản xuất quá nhiều lúa gạo hàng hóa nữa, mà chỉ ở mức khoảng 2 - 3 triệu tấn gạo dành cho XK là vừa. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt: Chuyển một phần đất lúa sang trồng cây ăn trái 17-02-55_du-thuy-sn-len-so-1-ong-nguyen-vn-ho
Những năm qua, việc chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa ở ĐBSCL đã không thành công bởi các yếu tố như năng suất, chất lượng, thị trường... Chẳng hạn, giá bắp NK về Việt Nam hiện quá rẻ, chưa tới 5.000 đ/kg, thì không thể khuyến khích được nông dân chuyển từ lúa sang bắp. Trước tình hình đó, ở một số tỉnh ĐBSCL, người ta đã mạnh đưa cây ăn trái xuống đất lúa và đem lại hiệu quả kinh tế rất tốt. Nhưng theo quy định hiện hành, chuyển đổi như vậy là không được phép. Vì vậy, tôi đề nghị trong 1,9 triệu ha đất lúa ở ĐBSCL hiện nay, có thể xem xét cho phép chuyển một phần sang trồng cây ăn trái. GS.TS Tăng Đức Thắng, PGĐ Viện KH Thủy lợi Việt Nam: Thách thức nghiêm trọng từ thượng lưu sông Mekong 17-02-55_du-thuy-sn-len-so-1-gsts-tng-duc-thng
Vùng ngập lũ ở ĐBSCL có diện tích hàng triệu hecta. Trong bối cảnh nguồn nước ngày càng suy giảm, khai thác, phát triển vùng ngập lũ là vấn đề lớn. Vùng ngập lũ cần được nghiên cứu chủ động thay đổi sản xuất theo hướng có thể sản xuất chính vụ ngay trong mùa mưa lũ. Vụ mùa ở các vùng tôm - lúa ven biển cũng sẽ khó khăn hơn, qua đó ảnh hưởng lớn đến thành công của nuôi tôm. Còn vùng trồng cây ăn trái cũng đang bị đe dọa ngày càng nhiều hơn bởi xâm nhập mặn. Mà 1 năm bị ảnh hưởng của mặn, phải mất tới 10 năm để phục hồi vườn cây ăn trái. Do đó, cần có những hệ thống công trình kiểm soát nước mặn, chuyển tiếp nước ngọt ở vùng ven biển, công trình ngăn mặn xâm nhập vào vùng cây ăn trái. |