Thành công từ nhiệt huyết, sáng tạo
Sinh năm 1982, học xong trung cấp nông nghiệp, anh Bùi Khắc Thọ ở xã Thạch Sơn, (Anh Sơn) quyết tâm trở về lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương. Sau một thời gian vừa tham gia sản xuất, vừa làm Bí thư Chi đoàn, năm 2007 anh Thọ được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ xóm 1.
Anh Thọ cho biết: “Hoạt động đoàn thể khá lâu, nhưng khi được bầu làm bí thư chi bộ, tôi vẫn thấy áp lực, bởi yêu cầu sự gương mẫu, đầu tàu của bản thân càng cao, trách nhiệm càng lớn."
Anh Bùi Khắc Thọ - Bí thư chi bộ xóm 1 xã Thạch Sơn (Anh Sơn) chăm sóc ruộng bí của gia đình. |
Nhận xét về các phong trào thi đua của xóm 1, đồng chí Nguyễn Xuân Hồng - Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn chỉ gói gọn trong bốn chữ “nề nếp, hiệu quả”. Nhiều năm liền Chi bộ 1 xã Thạch Sơn đều có chương trình, hoạt động thiết thực, được người dân ủng hộ.
Nhờ “dân vận khéo”, anh Thọ cùng với chi bộ và ban cán sự xóm đã vận động người dân đóng góp nâng cấp khuôn viên nhà văn hóa, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng trên 4,5km đường nội xóm với 99 bóng đèn. Anh Thọ còn là một điển hình làm ăn giỏi với mô hình kinh tế tổng hợp gồm 3 ao cá, vài trăm con gà, vịt, 7 con trâu, bò; kết hợp trồng thêm ngô, bí xanh, 50 gốc bưởi Diễn mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
Anh Thọ cho biết: “Bản thân cố gắng để phát triển kinh tế một phần vì gia đình, một phần để làm gương cho cán bộ, đảng viên và người dân. Mỗi khi có chủ trương mới, tôi lại tìm cách “cuốn” mọi người cùng tham gia.
Theo thống kê, toàn huyện Anh Sơn có 12 bí thư chi bộ thuộc thế hệ 8x như anh Bùi Khắc Thọ, trong đó có những người sinh năm 1986 như anh Nguyễn Hữu Hồng - Bí thư Chi bộ 6 xã Đỉnh Sơn, chị Nguyễn Thị Phượng - Bí thư Chi bộ 8 xã Tam Sơn.
Xu hướng “trẻ hóa” đội ngũ
Huyện Đô Lương là một trong những địa phương có nhiều đảng viên trẻ đang giữ trọng trách bí thư chi bộ, xóm trưởng. Theo thống kê hiện tại toàn huyện có khoảng 156 bí thư chi bộ, xóm trưởng dưới 35 tuổi.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Huyện ủy, hầu hết bí thư, xóm trưởng trẻ trên địa bàn đều phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, xây dựng phong trào phát triển tốt và có uy tín cao trong cộng đồng dân cư.
Chị Nguyễn Thị Phương, sinh năm 1993 là Bí thư Chi bộ kiêm Xóm trưởng trẻ nhất huyện Đô Lương. Nhận nhiệm vụ thủ lĩnh xóm Hòa Phú, xã Hiến Sơn khi mới chỉ 21 tuổi, Phương đã có nhiều cách làm sáng tạo để lãnh đạo các hoạt động của xóm hiệu quả.
Trong xây dựng nông thôn mới, thông qua mạng xã hội Facebook, Phương kêu gọi những người làm ăn xa quê ủng hộ xóm 7 triệu đồng xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng khuôn viên nhà văn hóa xóm với tổng số tiền trên 350 triệu đồng, vận động nhân dân tự nguyện hiến 1.300m2 đất để mở rộng đường làng.
Với huyện miền núi cao Kỳ Sơn, công tác kết nạp đảng viên, bồi dưỡng cán bộ trẻ cũng rất được quan tâm. Đồng chí Lữ Quang Hưng- Phó ban Tổ chức (Huyện ủy Kỳ Sơn) cho hay: Bên cạnh việc quan tâm bồi dưỡng, tạo nguồn, huyện Kỳ Sơn còn mạnh dạn tạo điều kiện cho các đảng viên trẻ tham gia giữ vị trí chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể của xã, bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản và trưởng các tổ chức đoàn thể thôn, bản.
Hiện toàn huyện có 107 bí thư chi bộ, trưởng bản có tuổi đời dưới 35, trong đó có những người sinh năm 1988, 1989, 1990 như Hồng Bá Hờ - Bí thư Chi bộ bản Huồi Nhao (xã Nậm Càn); Vừ Bá Tồng (Trưởng bản Pù Kha, xã Na Ngoi), Lầu Bá Súa (Trưởng bản Huồi Khí) xã Mường Típ...
Nhiều cấp ủy đã quan tâm đến việc tạo “nguồn” phát triển đảng viên từ những thanh niên ưu tú là người dân tộc thiểu số, xem đây là nguồn cán bộ kế cận, lâu dài cho cơ sở.
Bí thư Chi bộ xóm 13, xã Nghi Thịnh (Nghi Lộc) Lương Văn Tài cắt tóc cho trẻ. |
Theo lãnh đạo các địa phương, điểm chung của những người trẻ là tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, tiếp thu nhanh và vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Tuy nhiên, họ lại thiếu kinh nghiệm trong quản lý điều hành, đôi lúc còn non, nóng vội trong xử lý các tình huống phát sinh ở cơ sở.
Vì vậy ngoài sự tin tưởng, mạnh dạn giao việc, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền từ huyện tới cơ sở cần quan tâm hơn nữa tới việc đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức chính trị, quản lý nhà nước, kinh tế, nghiệp vụ công tác Đảng.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu - Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghi Thịnh (Nghi Lộc) cho rằng: “Hiện nay ở các thôn xóm đang có xu hướng già hóa đảng viên, lực lượng thanh niên đi làm ăn xa đông, nhân sự cấp ủy, ban cán sự xóm thường biến động ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai, vận dụng các chủ trương, nghị quyết vào thực tiễn.
Vì vậy, quan tâm “trẻ hóa đội ngũ” là việc cần thiết và nên làm thường xuyên. Tuy nhiên, để những người trẻ an tâm “bám đội, lội đồng”, gắn bó với “việc Đảng, việc dân”, ngoài đào tạo, bồi dưỡng cần có chính sách, cơ chế đãi ngộ phù hợp để “giữ chân” họ tại địa phương, nhất là đối với những người có năng lực. Ở xã Nghi Thịnh, các đảng viên là bí thư chi bộ thôn xóm trẻ đều được giao kiêm nhiệm thêm các công việc khác để tăng mức phụ cấp”.
Tác giả bài viết: Khánh Ly - Hoài Thu
Nguồn tin: baonghean.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã