Quy hoạch - thực tiễn: Khoảng cách còn xa!
Sở hữu tiềm năng, lợi thế với hơn 137 km chiều dài bờ biển, Hà Tĩnh hiện có 4 cảng cá, gồm: Xuân Hội (Nghi Xuân), Cửa Sót (Lộc Hà), Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) và Cửa Khẩu (Kỳ Anh). Hiện tại, chỉ mới có 2 cảng cá Cửa Sót và Xuân Hội hoàn thành đi vào hoạt động.
Cảng Cửa Sót nằm ở xã Thạch Kim, được đầu tư 46 tỷ đồng, với 80m cầu cảng và 80m bến nghiêng bờ. Đây là nơi có hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá khá bài bản, thu hút hàng trăm tàu thuyền trong, ngoài tỉnh vào đổ hàng và tiếp tế nhiên liệu. Tuy nhiên, những năm gần đây, cảng Cửa Sót không còn sầm uất như trước, bởi luồng lạch bị bồi lắng nghiêm trọng, hàng ngày chỉ sử dụng được từ 2 - 4 giờ vào lúc triều cường và chỉ những tàu có công suất dưới 200 mã lực mới vào được bến. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến chủ trương, chính sách phát triển tàu lớn của tỉnh, đặc biệt là Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ.
Để nghề đánh bắt thủy hải sản phát triển bền vững, các cấp, ngành cần có những chính sách đồng bộ, hiệu quả.
Ngư dân Trần Văn Trúc (xóm Trung Nghĩa, Thạch Bằng) chia sẻ: “Tôi rất muốn vay vốn theo Nghị định 67/NĐ-CP đóng thêm tàu vỏ gỗ có công suất 600 mã lực để vươn ra khơi xa. Nhưng sau đó, tôi phải từ bỏ ý định bởi luồng lạch tại cảng cá Cửa Sót đang bị bồi lắng, bình thường, tàu nhỏ cập bến còn khó nói chi vào những ngày giông tố, mưa bão... rất khó để bảo vệ tài sản của mình”.
Cảng cá Xuân Hội là nơi quy tụ những tàu công suất lớn trong tỉnh. Thời gian qua, cảng đã được đầu tư 98 tỷ đồng xây dựng cảng và cầu cảng có chiều dài 124m đủ cho tàu 300 mã lực vào ra hoạt động. Nhưng vấn đề đặt ra, nếu muốn được hỗ trợ theo Nghị định 67/NĐ-CP thì ngư dân phải đóng tàu có công suất trên 400 mã lực đối với tàu vỏ gỗ và trên 800 mã lực đối với tàu vỏ thép. Như vậy, hệ thống luồng lạch và cầu cảng trong tỉnh sẽ không đáp ứng đủ yêu cầu. Ông Bùi Tuấn Sơn - Giám đốc các cảng cá Hà Tĩnh cho hay: “Toàn bộ hệ thống cảng cá và âu trú bão trên địa bàn tỉnh trước đây chỉ thiết kế cho tàu có công suất 300 mã lực. Bởi vậy, đối với những tàu vỏ thép đang vào neo đậu tại cảng cá Xuân Hội là không đúng với quy mô, thiết kế. Nếu đúng luật, Ban Quản lý cảng Xuân Hội sẽ không cho các tàu này vào neo đậu. Nhưng nếu không cho vào thì những con tàu này biết đi đâu, về đâu?”. Cầu thiết kế trọng tải 5 tấn sao cho xe 10 tấn đi qua được” - ông Sơn ví von.
Nhưng điều ông Sơn lo ngại hơn vẫn là khi cho tàu vỏ thép vào neo đậu mà không may xẩy ra tai nạn, có vấn đề gì trục trặc thì trách nhiệm lại thuộc về Ban Quản lý cảng cá. “Vấn đề này chúng tôi đã báo cáo với Tổng cục Thủy sản và UBND tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời” - ông Sơn cho biết thêm.
Đầu tư hạ tầng: Yêu cầu bức thiết
Phát triển tàu xa bờ, công suất lớn là chủ trương mang tính chiến lược của Chính phủ và tỉnh nhằm tạo cơ hội cho ngư dân vươn xa, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có gần 300 tàu xa bờ, hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con ngư dân. Tuy nhiên, bên cạnh công tác phát triển đội tàu, thì việc phát triển hệ thống cầu cảng cũng cần phải có cái nhìn bao quát để đầu tư một cách đồng bộ, phù hợp với sự phát triển.
Hà Tĩnh là một trong những tỉnh được Chính phủ xem xét, phê duyệt theo Quyết định 1976/QĐ -TTg ngày 12/11/2015 về việc quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh được phê duyệt quy hoạch một cảng cá loại 1 ở xã Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh) với quy mô 120 lượt/600 CV; cảng cá Xuân Hội có quy mô 80 lượt/600 CV; cảng cá Cửa Sót quy mô 100 lượt/400CV; cảng cá Cửa Nhượng 100 lượt/400 CV và 4 âu neo đậu tránh trú bão đáp ứng cho tàu thuyền từ 150 - 600 CV. Câu hỏi đặt ra, với quy hoạch trên thì liệu những con tàu vỏ thép có công suất trên 800 CV có đủ điều kiện vào neo đậu tại các cảng cá và âu neo đậu tránh trú bão hay không?
Theo ông Lê Đức Nhân - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, hiện một số công trình âu tránh trú bão đang thi công như: âu Cửa Hội – Xuân Phổ (Nghi Xuân) và âu neo đậu tránh trú bão Kỳ Hà (Kỳ Anh) triển khai quá chậm. Sau 5 năm, các công trình này chỉ mới hoàn thành giai đoạn 1. Riêng về cảng cá loại 1 xã Kỳ Ninh là một công trình bức thiết cho thời điểm hiện nay nhưng giờ vẫn đang nằm trên giấy!
“Để phát triển tàu xa bờ, công suất lớn gắn với đầu tư đồng bộ hạ tầng cầu cảng, âu neo đậu tránh trú bão, thời gian tới, cần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình dang dở. Mặt khác, nạo vét luồng lạch, đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng cá hiện có thì mới đáp ứng được yêu cầu phát triển tàu thuyền xa bờ, công suất lớn trên địa bàn tỉnh. Đó là giải pháp trước mắt nhưng về lâu dài, tỉnh phải có những động thái tích cực kêu gọi thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh bằng hình thức xã hội hóa đầu tư hạ tầng cảng cá, dịch vụ hậu cần nghề cá. Đây là một trong những vấn đề quan trọng, cấp thiết để nghề khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, hiệu quả hơn” - ông Nhân khẳng định.
Theo Hữu Trung/ Báo Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã