Giấc mơ nghề nông
Ghé qua khu nhà vườn của ông Miên, được biết vợ chồng ông đã vào trang trại mía. Một người hàng xóm nói: “Ông Miên giờ sướng nhất vùng này”. “Sướng sao?” - tôi hỏi. Người này trả lời: “Thì lái ô tô đi làm, chỉ chỏ nhân công sản xuất, chiều về thong dong đi chơi, uống bia. Con cái đều có cơ ngơi đuề huề, thành đạt. Chớ mà hồi trước, nhà ổng khổ lắm…”.
Vợ chồng ông Miên giữa trang trại mía ở Sơn Hòa, Phú Yên. Ảnh: H.P
Mấy năm gần đây, ông Miên đã “cổ phần” dần diện tích mía cho con cháu, chỉ giữ lại hơn 10ha để làm “cho vui”. “Con cái tôi làm đủ ngành nhưng vẫn thích trồng mía. Tôi chia đất để làm nhưng chẳng cho không, đứa nào thiếu vốn thì vay ngân hàng đầu tư. Có như vậy, chúng mới không ỉ lại, chăm suy tính để đạt hiệu quả cao nhất trên đồng mía. Tôi bây giờ, vài tháng lại cùng vợ đi du lịch một chuyến cho… sướng đời” - ông Miên mãn nguyện.
|
Dân Sơn Nguyên vẫn còn truyền tụng, cách đây hơn 30 năm, ông Miên lập nghiệp bằng chiếc rựa cùn và mấy con gà. Vốn là công nhân cơ khí ở Bắc Ninh, năm 1984, ông Miên xin chuyển vào Trạm máy kéo Sơn Hòa. Công việc nhà nước “tà tà” ổn định, thế nhưng ông cứ ước ao được làm… nông dân. Thấy đất hoang núi rừng bạt ngàn, ông xin phép chính quyền cho khai phá lập trang trại. “Hồi đó, Sơn Nguyên này thuộc diện vùng sâu nước độc, chẳng ai quan tâm. Tôi vốn máu nông dân gộc, thấy đất đai màu mỡ là… đê mê. Hồi đó vùng này cũng chưa mấy ai làm trang trại. Vợ chồng tôi cứ thế lầm lũi phát cây với chiếc rựa cùn, thức ăn sang trọng nhất là trứng từ mấy con gà mang theo. May, đất này hợp với cây mía” - ông Miên kể.
Cắm cây mía là trúng tạng đất, có thu nhập ổn định. Thế nhưng cứ mãi loay hoay với giống mía cau bản địa, ông Miên thấy không khá nổi. Năm 1995, đơn vị khuyến nông địa phương du nhập giống mía mới ROC10. Ai cũng ngại trồng bởi chưa đổi giống bao giờ, chẳng biết có hợp thổ nhưỡng, vả lại “cả triệu đồng/tấn mía giống”… Ông Miên đứng ra lãnh trồng.
“Hồi đó, thiếu đất nhân giống mía mới, ông phá nguyên mấy ha thuốc lá. Khi đó, thuốc lá đang có ăn, ai cũng nói ổng điên này nọ; tôi cũng nhiều lúc lung lay... Thế nhưng ông thuyết phục tôi: Mình phải sống tận cùng với cây mía mới giàu được, mà giống tốt mới thu năng suất cao. Tôi nghe theo nên im lặng ủng hộ chồng. Vụ đó, thu cao ngất ngưởng từ bán mía cây, mía giống. Giờ thì nhiều người ở vùng này đã quan tâm đến chuyện thay đổi giống mía thoái hóa” - bà Đoàn Thị Tửu (vợ ông Miên) góp chuyện.
Càng già càng “khác người”
Áp 70, vóc dáng ông Miên “đỏ au, chắc nụi”. Ông lại hề hề: “Tất cả đều nhờ mê mụi cây mía đất này!”. Ảnh: H.P
Theo ông Nguyễn Đức Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, điểm “khác người” của ông Miên là không ngại chi tiền đầu tư trang thiết bị trồng mía. “Nói khác người là bởi lâu nay, cây mía vùng này được trồng theo đường bò cày, thỉnh thoảng cuốc dọn cỏ, tất tật còn lại… giao đứt cho trời. Ông Miên là người đầu tiên ở Sơn Hòa bỏ ra tiền tỷ để “bê” nguyên cả giàn máy cày đa năng, máy trồng mía, xới cỏ... để trồng mía. Dân ở đây rất lạ vì chẳng ai dốc túi nhiều như vậy để làm nông. Thế nhưng mọi chuyện đều trong hoạch định của ông, đầu tư đều nhắm đến nhiều mục đích lợi nhuận. Quan trọng là ông luôn thường trực cái khát khao học hỏi tiến bộ kỹ thuật mới, mạnh dạn áp dụng vào từng khâu làm mía” - ông Thắng nói.
Ban đầu mua máy về, ông trực tiếp mày mò vận hành, rồi hướng dẫn lại nhân công. Đất rừng lồi lõm được ông cho máy cày sâu, san phẳng, xẻ rãnh ngay hàng thẳng lối. Sau đó, cho máy cắt mía giống thả xuống rãnh, bón phân lót, rồi lấp lại. Chỉ 3 nhân công điều khiển máy, mỗi ngày ở trang trại ông Miên có thể trồng hơn 2ha mía. Nhờ trồng mía theo hàng nên máy xới cỏ có thể “tung tăng tác nghiệp” thoải mái giữa trại mía bạt ngàn.
Ông Miên tính toán, riêng việc sử dụng máy móc làm đất, trồng mía và xới cỏ đã tiết kiệm chi phí thuê nhân công 3 triệu đồng/ha/vụ. Ngoài việc thâm canh trên 50ha mía của gia đình, dàn máy móc của ông còn đi làm dịch vụ khắp vùng, đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Càng “khác người” hơn, ông Miên tiếp tục đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho rừng mía. Bởi ở vùng mía này, việc tưới nước cho mía là của… ông trời. Đường ống được ông cho kéo dọc theo từng hàng mía. Cách 30cm có một van nhỏ giọt. Mỗi van trên đường ống sẽ nhỏ giọt 25 lít nước/24 giờ. Với một số loại phân bón thúc, ông Miên còn cho hòa tan để tưới theo đường ống nhỏ giọt. Mùa khô, chỉ cần vài ngày bật điện tưới một lần là nền đất mía liên tục được giữ ẩm.
Mùa hạn năm qua, vùng Sơn Nguyên ngút lửa trong nắng gió. Nhiều thửa mía cháy vàng, bị hỏng ăn phân nửa. Thế nhưng vùng trang trại ông Miên vẫn xanh mướt, thoảng hương nước mát. Ông còn cho áp dụng kỹ thuật lột lá phần dưới cây mía để giảm thiểu sâu bệnh, cho cây mía vươn lóng khỏe hơn. Nhiều nông dân các nơi “bán tín bán nghi” kéo đến xem thử, rồi bị thuyết phục hoàn toàn trước mô hình tưới mía nhỏ giọt cho từng dãy mía mập mạp, “cao ngồng” của ông Miên. Gia chủ lại một bận đứng ra hướng dẫn cách lắp đặt, vận hành và… đãi bia đồng nghiệp.
Rung đùi nghe nhạc… trồng mía
Ông Miên đang trao đổi kinh nghiệm sản xuất tại một hội thảo đầu bờ. Ảnh: H.P
Theo bà Trần Thị Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Nguyên, những năm qua, năng suất mía trang trại ông Miên luôn ổn định từ 110 - 140 tấn/ha/vụ, gấp đôi năng suất bình quân ở Sơn Hòa. Đã vậy, chữ đường trang trại mía ông Miên luôn đạt từ 9 - 11%, cao hơn 2 - 3% so với các trại mía trong vùng. Nhờ đó, ông Miên luôn có ký kết đầu ra ổn định trên 500 tấn mía cây/năm. “Thực sự, ông Miên đã xây dựng được một thương hiệu trồng mía. Tổ chức hội nông dân, các đơn vị khuyến nông đang rất cần những nhân tố mạnh dạn đổi mới canh tác như ông Miên. Uy tín của ông đã tạo nên tiếng nói trọng lượng với các nhà máy, chủ nậu nhập mía. Nông dân vùng mía Sơn Nguyên ít bị “ăn hiếp” đầu ra là nhờ những người “uy lực” như ông Miên” - bà Hoa khẳng định.
Ông Trần Hồng Phong (nông dân trồng mía ở huyện Sông Hinh, Phú Yên) nhận xét: “Tôi biết ông Miên phải trải qua bao nhọc nhằn mới có ngày hôm nay. Chính cái máu tìm tòi, quyết đoán đã tạo ra sự khác biệt cho trang trại mía này. Bây giờ ở Phú Yên, chỉ có ông Miên đã gần như khép kín cơ giới hóa các khâu làm mía. Tính ra, trang trại của ông đang giảm rất nhiều chi phí thuê nhân công làm đất, xới cỏ, rải phân, chặt mía, vận tải sản phẩm… Lợi nhuận luôn cầm chắc hơn 50 triệu đồng/ha/vụ. Làm mía như ổng sướng thiệt, cứ tính toán điều hành nhân công, rồi bật nước tưới mía, xong… rung đùi nghe nhạc, uống bia”.
Tác giả bài viết: Hùng Phiên
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã