Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã chú trọng tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển hàng hóa và thu nhập ổn định; ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, huyện chủ động phối hợp với ngành chức năng ứng dụng rộng rãi nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật về giống, phân bón, các biện pháp thâm canh vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Từ việc áp dụng KH&CN, trên địa bàn huyện đã xây dựng được nhiều vùng liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo bước đột phá mới trong phát triển sản xuất, như: Mô hình liên kết sản xuất khoai tây Đức với Công ty CP nông nghiệp quốc tế An Việt, sản xuất khoai tây Atlantic với Công ty TNHH thực phẩm Orion VINA, với diện tích từ 300-350 ha/năm; sản xuất ớt xuất khẩu từ 70-80 ha/năm; sản xuất giống lạc mới L27 tại xã Hoằng Đạo với diện tích 28 ha/năm; mô hình sản xuất bí xanh tại xã Hoằng Thắng, Hoằng Thịnh, quy mô từ 50-70 ha/năm; sản xuất đậu tương rau và sản xuất ngô ngọt tại xã Hoằng Xuân, Hoằng Trung, Hoằng Vinh, với diện tích 35-40 ha/năm; sản xuất lúa lai F1, với diện tích 50 ha/năm; trồng ngô biến đổi gien tại Hoằng Khánh, Hoằng Xuân, Hoằng Phượng, với tổng diện tích 150 ha; mô hình sản xuất nấm sò, nấm mục nhĩ tại xã Hoằng Đạt, Hoằng Lưu, quy mô 10.000m2...
Ngoài việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN về giống, phân bón, kỹ thuật thâm canh... trong những năm gần đây, huyện Hoằng Hóa đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường và phát triển theo hướng an toàn sinh học. Theo đó, hàng loạt mô hình trong trồng trọt, chăn nuôi theo hướng VietGAP đã được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện. Điển hình như mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên nền đệm lót sinh học tại xã Hoằng Thắng, Hoằng Phong, Hoằng Quỳ... Mô hình này đã góp phần khôi phục lại chăn nuôi nông hộ, tăng thu nhập cho người dân, hạn chế ô nhiễm môi trường. Các mô hình trồng rau an toàn tại xã Hoằng Giang, Hoằng Hợp, Hoằng Kim... Theo thống kê, đến nay, toàn huyện có 58,15 ha sản xuất rau sạch, rau an toàn theo hướng VietGAP, trong đó trồng theo công nghệ nhà lưới đạt 36.500m2. Trong nuôi trồng thủy sản tiếp tục triển khai áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật vào việc nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng tại xã Hoằng Phụ, Hoằng Thanh, Hoằng Trường, Hoằng Yến với năng suất đạt 19-20 tấn/ha; các mô hình nuôi cá lóc, nuôi cua cũng đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân. Đặc biệt, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn. Hiện, toàn huyện có 908 máy làm đất, 116 máy gặt đập liên hợp, 29 máy cấy, 1 máy sấy nông sản và 10 cơ sở sản xuất mạ khay.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa, hiệu quả của việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất đã và đang được khẳng định. Hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ KH&CN trên địa bàn huyện đang phát huy hiệu quả, có khả năng nhân rộng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung, hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa. Nhận thức của các địa phương về vai trò của KH&CN đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn thiếu các giải pháp cụ thể; các doanh nghiệp chưa mạnh dạn trong đầu tư vào KH&CN. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện xác định tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong sản xuất và đời sống, xem đây là một trong những động lực trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội, gắn với xây dựng nông thôn mới. Kêu gọi liên kết xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, bao tiêu sản phẩm, phát triển bền vững. Đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa nhằm đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Cùng với đó, ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển, ứng dụng KH&CN, tạo đột phá về năng suất, chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị hàng hóa, thu nhập, cải thiện đời sống của người nông dân, qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.