Yên tâm vay vốn
Ông Trần Huy Đường, Giám đốc Công ty TNHH Langbiang Farm, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 7, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng cũng đồng thời là chủ trang trại có diện tích 7.000 m2 cho biết: “Tôi gắn bó với nghề nông trồng rau, hoa gần 20 năm nay. Từ khi bắt đầu sự nghiệp đến nay gần như chỉ vay Agribank, dù đôi khi cũng thử vay một số ngân hàng khác.
Nguyên do bởi Agribank có chính sách tốt với doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với các khách hàng”.
Ông Đường cho biết thêm, Công ty vay vốn trên cả 2 hình thức vừa thế chấp, vừa tín chấp tài sản được hình thành trên vốn vay. Mỗi lần cần vốn đều được Ngân hàng đáp ứng nhiệt tình. Hiện dư nợ của Công ty là gần 20 tỷ đồng với khoảng 100 công nhân, thu nhập thấp nhất dành cho người mới vào làm cũng đạt 5,5 triệu/tháng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Thắng, chủ trang trại rau hữu cơ tại thôn Ka Đơn, xã Ka Đôn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng nhận định, đời sống của người Việt Nam ngày càng được nâng cao, nên xu hướng quan tâm đến sức khỏe cũng mạnh mẽ hơn so với trước. Do vậy, ông bắt tay đầu tư vào làm nông nghiệp cao, cụ thể là trồng rau hữu cơ.
Giai đoạn đầu gửi dự án vẫn còn nhỏ để Agribank xem xét, sau đó được vay 3 tỷ đồng. Nhờ số vốn đầu tư này, sau một thời gian làm ăn có lãi, mở rộng quy mô hoạt động, ông đã mạnh dạn tiếp tục vay thêm gần 10 tỷ đồng, tiếp cận phương pháp nhà kính và tham gia thêm mảng chăn nuôi.
“Nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế, vào thời điểm năm 2010, phương thức canh tác này còn rất mới mẻ tại Việt Nam. Việc bắt đầu là không hề dễ dàng với tôi, cũng như nhiều doanh nghiệp khác. Từ thực tế trải qua, có thể khẳng định nếu không có nguồn vốn kịp thời của Agribank, Công ty tôi không thể phát triển nhanh như hiện nay với thu nhập khoảng 500 triệu đồng/tháng”, ông Thắng nói.
Là Giám đốc tại Công ty TNHH Hoa Mặt Trời ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, ông Huỳnh Tấn Sơn cho biết, từ những ngày đầu còn đặt trụ sở tại căn nhà ọp ẹp, năm 2008 được Agribank cho vay 3 tỷ đồng làm vốn đầu tư kinh doanh, đến nay, Công ty đã sở hữu 20.000 m2 nhà kính trồng lan hồ điệp khang trang, với mức đầu tư là 40 tỷ đồng/ha.
Hiện nay, một năm Công ty sản xuất 400.000 chậu hoa lan hồ điệp, 42.000 chậu hoa lan vũ nữ để cắt cành xuất khẩu sang Nhật Bản. Riêng xuất khẩu hoa sang Nhật doanh thu đạt gần 2 triệu USD và trong thời gian tới, Công ty đang thực thiện kế hoạch phát triển hơn nữa.
“Công ty yên tâm vay vốn ở Agribank bởi Ngân hàng có nguồn vốn ổn định, lãi suất rẻ hỗ trợ tất cả mọi việc, giúp đầu ra tốt hơn, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Điều này đã trở thành bệ đỡ giúp Công ty hoạt động hiệu quả, phát triển vững vàng”, ông Sơn nói.
Không ít khó khăn
Thông tin từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 12/2017, dư nợ đầu tư của ngành ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đã đạt 36.000 tỷ đồng, cho vay gần 6.400 khách hàng, chủ yếu cho vay đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với dư nợ đạt gần 31.286 tỷ đồng. Lãi suất cho vay chương trình trong ngắn hạn khoảng 5,3 - 6,5%/năm, cho vay trung dài hạn khoảng 8,5 - 10%/năm.
Có 8 ngân hàng thương mại cam kết dành nguồn vốn khoảng 135.000 tỷ đồng để cho vay các dự án công nghệ cao trong nông nghiệp có hiệu quả. Tuy nhiên các ngân hàng thương mại cho biết, quá trình cho vay còn gặp một số khó khăn, trong đó có khó khăn khi xác định khách hàng đáp ứng tiêu chí về dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định.
Cụ thể hơn, ông Trần Văn Anh, Giám đốc NHNN tỉnh Lâm Đồng cho biết: Số lượng doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; tiêu chí xác định dự án ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch chưa rõ, chưa phù hợp; một số doanh nghiệp chưa có nguồn lực tài chính tốt; người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản là nhà kính trên đất nông nghiệp…
Dẫu vậy, ông Trần Văn Anh chia sẻ: “Riêng trong lĩnh vực cho vay ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch chi nhánh Agribank Lâm Đồng luôn đi đầu với số tiền đầu tư mỗi năm lên đến hàng ngàn tỷ đồng, đưa dư nợ lên trên 1.900 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư vào sản xuất rau, hoa công nghệ cao, chăn nuôi bò sữa…, thể hiện vai trò chủ đạo và chủ lực của Agribank Lâm Đồng trong hệ thống ngân hàng trên địa bàn”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã