Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) ước tính kim ngạch xuất khẩu (XK) rau quả tháng 2/2018 khoảng 354,4 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2018, lượng rau quả XK đạt kim ngạch 737,5 triệu USD, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Các DN cần tập trung vào chế biến các sản phẩm rau quả |
Các thị trường nhập khẩu rau quả Việt Nam hàng đầu là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Nga. Đáng lưu ý, quả xoài đang trở thành một trong những sản phẩm XK chiếm tỷ trọng lớn, với thị phần XK tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2017.
Ông Nguyễn Quý Dương – Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đánh giá, trong 3 năm gần đây tăng trưởng ngành trái cây của chúng ta đã đạt được kết quả rất mạnh. Theo đó, năm 2016 kim ngạch XK đạt 2,45 tỷ USD, sang 2017 đạt trên 3,5 tỷ USD.
Cũng theo ông Dương, giá trị thị trường nhập khẩu rau quả toàn thế giới vượt mức 200 tỷ USD/năm kể từ năm 2011 và nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng, dự báo giá trị thị trường nhập khẩu rau quả có thể lên đến 600 - 800 tỷ USD đây là con số rất lớn. Tuy nhiên, giá trị XK rau quả Việt Nam hiện mới chiếm khoảng hơn 1% thị phần là quá nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của ngành rau quả Việt Nam.
Theo các chuyên gia, mặc dù trái cây là điểm sáng của XK nông sản Việt Nam trong vài năm trở lại đây với kim ngạch XK ngày càng tăng. Tuy nhiên, các mặt hàng XK rau củ quả chủ yếu là sản phẩm thô và sơ chế với trên 93% tổng giá trị XK, trong khi đó, mặt hàng qua chế biến chỉ chiếm khoảng 6,6%. Mặt hàng rau củ quả chế biến cao cấp gần như không đáng kể, chiếm khoảng 0,02% tổng giá trị XK rau củ quả.
Không chỉ vấn đề chế biến, chi phí vận chuyển cao cũng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của trái cây Việt. Tại Hội nghị “Tham tán thương mại năm 2018” do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ, Nhật Bản rất thích ăn xoài Việt Nam vì độ ngọt cao.
Tuy nhiên, giá xoài Việt Nam hiện cao hơn xoài Thái một phần vì khâu vận chuyển (dù gần hơn một số nước trong khu vực nhưng giá vận chuyển cao nên đẩy giá thành lên cao) trong khi đó, thời gian bảo quản lại rất ngắn. Dẫn tới các nhà nhập khẩu Nhật Bản vẫn ưu tiên nhập khẩu xoài Thái hơn.
Theo số liệu thống kê từ Trademap (Trung tâm Thương mại Quốc tế – ITC), năm 2017, trị giá nhập khẩu mặt hàng rau quả của Nhật Bản đạt 9,5 tỷ USD, tăng 2% so với năm 2016. Nhưng trị giá nhập khẩu hàng rau quả từ Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với nhu cầu nhập khẩu tại Nhật Bản, chỉ đạt 132,5 triệu USD trong năm 2017, tăng 5,2% so với năm 2016. Vì vậy, ông Tạ Đức Minh kiến nghị cần có tác động đến các công ty vận chuyển nhằm giảm được giá thành vận chuyển để chiếm lĩnh thị trường.
Ông Roberto Benvenuti – Phó Chủ tịch Phụ trách kinh doanh và Marketing Bertuzzi Food Processing (Italia) cho rằng, giá nhập khẩu chanh leo cô đặc ở châu Âu là trên 2.000 USD/tấn; ổi cô đặc bán ở thị trường châu Âu với giá 1.000 - 1.200 USD/tấn...
Hiện chỉ có Ấn Độ chế biến ổi, nước này cung cấp số lượng lớn sản phẩm cho châu Âu. Đây là những cơ hội và tiềm năng lớn cho ngành trái cây Việt Nam. Do đó, việc thay đổi áp dụng, đầu tư công nghệ mới trong sản xuất nhằm tăng tính hiệu quả và đảm bảo chất lượng sản phẩm là việc mà các DN chế biến trái cây Việt cần làm ngay lúc này.
Để nâng cao giá trị XK trái cây, ông Nguyễn Hữu Đạt - Tổng Thư ký Vinafruit nhấn mạnh, năm 2018, các DN cần cố gắng cải thiện hơn nữa vấn đề chất lượng trái cây, an toàn thực phẩm để có mức giá tại các thị trường truyền thống được cao hơn, từ đó tăng kim ngạch XK. Đồng thời, cần chuyển đổi đầu tư vào chế biến, đây là giải pháp giúp ổn định hàng hóa, có quanh năm và bán được giá trị cao hơn...
Hải Yến/ Thời báo ngân hàng