Sáng 22/9, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 63 điểm cầu sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận 56 của Bộ Chính trị khóa 11 về đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa 11 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc. (Ảnh: Hoàng Long). |
Qua 3 năm thực hiện Kết luận số 56 của Bộ Chính trị, kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả, nâng cao thu nhập của các thành viên.
Cả nước có gần 143.000 tổ hợp tác và 18.000 Hợp tác xã. Đóng góp của khu vực Hợp tác xã vào GDP năm 2013, lần đầu tiên trong gần 20 năm qua tăng so với năm trước, đạt 5,05%. Tổng doanh thu của Hợp tác xã năm 2014 đạt 26.000 400 tỷ đồng.
Hợp tác xã thành lập mới xuất phát từ nhu cầu hợp tác của các hộ thành viên và phát triển đa dạng. Nhiều Hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho các thành viên như: Hợp tác xã Quý Hiền (Lào Cai), Hợp tác xã Đan Phượng (Hà Nội), Hợp tác xã vận tải Rạch Gầm (Tiền Giang)…
Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị. (Ảnh: Hoàng Long). |
Kinh tế tập thể tiếp tục phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, giao thông vận tải, xây dựng, tín dụng.
Tuy nhiên, Hội nghị cũng chỉ rõ, đến nay vẫn còn 25 tỉnh, thành phố chưa ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận 56 của Bộ Chính trị. Bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể thiếu thống nhất, còn chồng chéo. Chất lượng, hiệu quả hoạt động và lợi nhuận của các Hợp tác xã còn thấp, với 10% số Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả và phần lớn các Hợp tác xã chưa chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận nhiều giải pháp tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Kết luận 56 của Bộ Chính trị. Trong đó, làm rõ nguyên nhân vì sao thời gian qua mặc dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhưng kinh tế tập thể chậm phát triển, tồn tại nhiều yếu kém. Bên cạnh đó cũng nghiên cứu, phân tích cách làm của các mô hình hợp tác xã điển hình thành công trong giai đoạn vừa qua để nhân rộng phù hợp với từng địa phương.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, đổi mới nhận thức về vai trò, chức năng của hợp tác xã và xây dựng các hợp tác xã kiểu mới là khâu đột phá.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị. |
“Trong quá trình tái nông nghiệp hướng tới sản xuất quy mô lớn, chủ thể quan trọng nhất của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp phải là Hợp tác xã. Chuyển từ hộ sản xuất cá thể đơn lẻ sang sản xuất liên kết qua Hợp tác xã. Liên kết với doanh nghiệp qua Hợp tác xã để tiếp cận các chính sách của nhà nước về quản lý ruộng đất, vốn, đào tạo nghề, hỗ trợ kỹ thuật... Liên kết nông dân với doanh nghiệp là Hợp tác xã chứ không phải hộ nông dân riêng lẻ với 2 lao động, diện tích dưới 1 ha”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đề nghị đổi mới công tác tuyên truyền, học tập nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã; Hoàn thiện hệ thống hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012; Tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu tiên phát triển hợp tác xã; Xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Các đại biểu cũng kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo các cấp ủy đảng, ban cán sự đảng các bộ, ngành, các tỉnh ủy, thành ủy đề ra giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, trọng tâm là đổi mới và phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn trong quá trình xây dựng Báo cáo chính trị Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 của Đảng./.