Nghe chúng tôi trò chuyện, những con khỉ cứ hếch mũi ngó nghiêng, “hóng hớt”, anh Long cười tếu: “Lúc có khách sao thấy lũ khỉ ngoan và đáng yêu là vậy, nhưng mỗi lần chúng lục lọi, quậy phá tìm đồ ăn, thậm chí còn “bĩnh” tung tóe khắp nhà chúng tôi cũng phải chịu, bởi đấy là “vương quốc” của chúng mà”. Xuân Bính Thìn sắp về, không biết chúng có hiểu năm nay là cái Tết con khỉ khi anh em đang bàn chuyện gói bánh chưng và chuẩn bị thức ăn cho lũ khỉ những ngày xuân mới… Những câu chuyện tưởng như tào lao ấy đã để lại trong tôi rất nhiều nỗi niềm. Không phải ngẫu nhiên, các chuyên gia nước ngoài đến đây đều ngạc nhiên khi Việt Nam bảo tồn được đàn khỉ tốt, mượt mà, rất tiềm năng cho y học và sự nghiệp cứu người…Giờ, Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vaccine, anh em POLYVAC và trên đảo Rều đều chung một mong ước có điện lưới, không những phục vụ tốt việc chăm sóc, nuôi dưỡng, nghiên cứu khoa học… mà còn tái tạo được đàn khỉ ngày càng nhiều.
Mỗi lần đến đảo Rều, “chúa đảo” Vũ Công Long luôn chỉ cho mọi người đọc dòng chữ trên tấm “bia đá”: “Đảo Khỉ, nơi chăn nuôi và cung cấp khỉ vàng Macaca Mulatta cho nghiên cứu y học và sản xuất vaccine”.
Đó là nơi mà mỗi người lên đảo khỉ sẽ đứng lặng cúi đầu tri ân hàng vạn con khỉ đã hy sinh cho sự nghiệp cứu người cao cả./.