Đưa dân lên bờ
Để có cuộc “cách mạng lên bờ” của hàng vạn cư dân thủy diện, cùng con tôm sú làm giàu cho quê hương là nhờ vào công đóng góp rất lớn của ông Phan Thế Phương, nguyên Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Bình Trị Thiên (cũ).
Vùng tôm trù phú này có công lao của ông Phan Thế Phương
Về thôn 14, xã Quảng Công (huyện Quảng Điền, TT- Huế), nơi còn lưu dấu nhiều ký ức của ông Phương với nhân dân, với cộng sự và những người học trò của ông. Quảng Công hôm nay đã vươn mình ra đầm phá, với những vuông tôm, bờ bao thẳng tắp kéo dài ra bờ phá.
Ông Lê Nguyên Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công, tiếp chúng tôi bằng chuỗi những ký ức về ông Phương, về dân đầm phá từ khi biết nuôi trồng thủy sản đã thay đổi bao cuộc đời lênh đênh theo sông nước.
Ông Sỹ bảo: “Sau trận bão lịch sử năm 1985, cả vùng đầm phá tan hoang. Dân thủy diện chưa bao giờ sợ bão là chi, giờ họ phải thay đổi suy nghĩ. Để thay đổi, kiến thiết lại cuộc sống của hàng nghìn hàng vạn người dân thủy diện là một bài toán khó đối với chính quyền các cấp thời bấy giờ”.
Lúc đó, ông Phương là Giám đốc Sở Thủy sản, ông đã về vận động người dân lên bờ định cư. Bắt đầu năm 1986, mô hình đưa dân lên bờ đầu tiên được xây dựng với 5-6 hộ dân chủ yếu là dòng họ Phạm. Những hộ lên bờ được xã cấp đất ở, ông Phương về mang theo con tôm sú với niềm hy vọng đổi đời cho những hộ dân vạn đò.
Hôm chúng tôi về với xã Quảng Công, cũng là lúc khánh thành cổng ngôi trường mang tên ông: Trường THCS Phan Thế Phương. Không chỉ chính quyền nhớ đến ông mà dân thủy diện muôn đời tri ơn ông, người đã mang chiếc áo đất liền “khoác” lên vùng đầm phá tan hoang với hàng vạn cư dân chới với sau cơn bão lịch sử.
Từ ngoài đầm phá đi vào, đứng từ xa nhìn cổng trường mới được đổi tên người “thầy” của mình, ông Phạm Hóa lòng lâng lâng xúc động. Cũng từ lâu rồi, bao lớp ký ức về người “thầy”, người cộng sự bao năm lăn lội trên đầm phá, trên những trảng cát rát bỏng dấu chân người, giờ như sống lại mồn một trong ông.
Một phút lặng người xúc động, ông mới sực nhớ đến tôi, một “hậu bối” đi tìm những mảng ký ức lắp ghép về người khai canh thủy sản. Ông Hóa bảo: “Đi theo tui, phải ra trại tôm, nhìn ra trảng cát, chỗ nớ ngồi kể chuyện về thầy Phương mới sướng!”.
Bên những bờ bao kiên cố, trại tôm của nhóm gia đình ông Hóa nằm trải dài dọc theo thôn 14. Từ ngoài phá Tam Giang, gió mùa lồng lộng, mang theo chút hơi mặn còn sót lại của biển cả. Đâu đó phảng phất mùi ngai ngái của đất, bùn non từ những vuông tôm mới thu hoạch. Ông Hóa kể: “Hồi đó dân đầm phá cực lắm, sống vô gia cư, thác vô địa táng. Cứ đến mùa là lũ lượt chạy bão suốt ngày đêm. Khổ nhất là khi có người chết, toàn sông nước, phải mang lên bờ chôn chùng chôn lén”.
Nói đoạn, hồi ức về ông Phương, mặt ông Hóa nghiêm trang hẳn: “Thầy Phương về với dân đầm phá dù là một vị cán bộ, một vị giám đốc sở nhưng ông lại đi về với hành trang của một người đồng cảm với cuộc sống cơ cực của dân thủy diện. Tôi còn nhớ mãi câu nói “để đời” của thầy: “Họ làm cách mạng bằng hô hào khẩu hiệu, tui làm cách mạng bằng cả khối óc, trái tim”. Anh em trong dòng họ Phạm của tui có được như ngày hôm nay cũng nhờ thầy đã dẫn dắt, hướng dẫn làm ăn cho cả".
Người dân lập miếu thờ cán bộ Phương
Buổi trưa nắng chang chang, những cồn cát dài như muốn nuốt dấu chân người trong khó nhọc, ông Phương lặng lẽ với chiếc mũ, đôi dép cùng bộ quần áo đơn sơ đi khảo sát từng vùng đất, về từng hộ dân xem xét, lắng nghe nguyện vọng của bà con.
Mỗi lần ông Phương về, dù có ô tô, ông vẫn lặng lẽ đi xe máy xuống thị trấn Sịa, qua bến đò Vĩnh Tu xuôi đò dọc về với bà con ngư dân Quảng Công. Ông sống giản dị như thế đã quen, mỗi lần về đây, nhà ông Hóa là nơi ông trú ngụ và họp bàn với các cộng sự.
Ông Hóa nhớ lại: “Một tháng ông về đây ở 10-12 ngày. Có hôm giữa trưa, thầy suy nghĩ gì đó không nghỉ được, cứ đi đi lại lại, rồi thầy thức tui dậy bảo đi về dưới phá với thầy. Tui hồi đó còn trẻ, nhiều khi ỷ lại, tui bảo: “Để chiều rồi đi cũng được, nghỉ ngơi chút thầy ơi”. Nhác thấy thầy buồn. Im lặng một hồi lâu thầy bảo: “Anh Hóa à, tui đem cả trí tuệ, công sức và của cải về với bà con, răng anh lại không hiểu cho tui nhỉ". Nói thì rứa chứ ông không giận, thầy ôm vai tui, nắn nhẹ động viên: “Gắng đi, mình làm được gì cho dân thì phải gắng sức, đã hẹn với bà con thì không trễ được”.
Ông về làm việc cật lực ngày đêm, ăn bữa ăn đạm bạc dưa cà trong nhà ông Hóa.
Hồ nuôi tôm sú đầu tiên với diện tích 0,5 ha của anh em ông Hóa. Sở Thủy sản về cung cấp tài liệu, mở lớp tập huấn cho những hộ dân tham gia nuôi. Hồi đó làm một hồ tôm mất cả mấy chục chỉ vàng, đủ để thấy rằng, bà con đến với con tôm sú với bao nỗi gian nan nhưng cũng chứa chan niềm hy vọng đổi đời.
Đất không phụ lòng người, vụ tôm đầu tiên thắng lợi đã mở ra bao nhiêu kỳ vọng cho bà con đầm phá. Đợt đó ông Phương tất bật ngược xuôi hết lên Sở rồi quay về đầm phá với bà con. Ông tức tốc mở hội nghị đầu bờ, mời cả ĐH Cần Thơ, ĐH Hải Phòng cùng các ban ngành trong tỉnh tham dự.
Ông Hóa nhớ lại: “Nhớ mãi hội nghị năm đó, ông nói với bà con ngư dân: “TT- Huế là một tỉnh nghèo, với hàng vạn bà con ngư dân vẫn còn sống trên đầm phá, cuộc sống khó khăn. Tui nguyện đem hết sức lực, trí tuệ của mình để giúp bà con”. Nghe đến đó bà con ai cũng xúc động đến bật khóc".
Từ hồ tôm thí điểm đầu tiên, phong trào nuôi tôm sú phát triển rầm rộ sau đó, không chỉ trong địa bàn xã Quảng Công (huyện Quảng Điền) mà lan sang các huyện khác dọc miền phá Tam Giang - Cầu Hai.
Dân lập miếu thờ
Với công lao to lớn, người “khai canh” thủy sản cho miền Tam Giang, ông Phan Thế Phương đã được dân lập miếu thờ. Có những người hết quan hoàn dân, nhưng cũng có người như ông Phương dù đã đi xa hơn 20 năm, lòng dân vẫn nhớ đến. Ký ức trong lòng dân là trường cửu! Về xã Quảng Công, từ lớp trẻ học sinh cho đến những ngư phủ một đời dạn dày sương gió, hỏi về ông Phương, ai cũng biết tận tình, nhớ về ông với những ký ức đẹp. Họ đã tôn ông làm Thành Hoàng của làng.
Đi ra giữa những vuông tôm nằm san sát bên đầm phá, nằm thu nhỏ bên triền đê là ngôi miếu thờ di ảnh của ông Phương. Ngôi miếu được dân tự nguyện lập nên để thờ, ghi nhớ công ơn của ông, sau cái ngày ông bị xui rủi trong một tai nạn giao thông trên đường đi công tác.
Đến các ngày kỵ, tết, lễ, người dân trong thôn 14 đều có lễ cúng dâng lên ông. Dù ngôi miếu còn đơn sơ, thấp nhỏ, chưa xứng đáng với những công lao dời sông lấp bể của ông, nhưng điều đó không là tất cả, bởi lòng dân dù đơn sơ, giản dị nhưng là sự trường cửu muôn đời.
Phan Thế Phương (27/6/1934 - 6/10/1991) quê ở xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Từ 1974 đến năm 1991, ông làm Hiệu trưởng Trường trung cấp Thủy sản Trung ương I rồi kinh qua các chức vụ Phó Giám đốc Sở Thủy sản Bình Trị Thiên, Giám đốc Sở Thủy sản Bình Trị Thiên. Ông được Đảng và Nhà nước trao tặng huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Theo NNVN |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã