Đặt mục tiêu xuất khẩu 33 tỷ USD các mặt hàng nông lâm thủy sản
Cụ thể, kết quả chung trong 4 năm qua cho thấy, tốc độ tăng GDP của toàn ngành đạt bình quân 2,46%/năm; giá trị sản xuất tăng 2,73%/năm. Năm 2016, mặc dù ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai và sự cố ô nhiễm môi trường biển nhưng GDP vẫn tăng 1,36%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, giai đoạn 2013-2016 đạt 120,7 tỷ USD, trung bình mỗi năm tăng 1,0 tỷ USD/năm.
Trái cây có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD trong năm nay. ảnh: Tư liệu
Trên cơ sở đó, năm 2017, Bộ NNPTNT đã đặt mục tiêu tăng trưởng đạt 3,05% với kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tới 33 tỷ USD. Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt tăng trưởng tối thiểu 2,0%, chăn nuôi tăng 3,0%, thủy sản tăng 5,0% và lâm nghiệp tăng 6,6%.
Theo Bộ NNPTNT, hiện nay, quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ với sự thay đổi trong cơ cấu hàng xuất khẩu - tăng mạnh những mặt hàng chúng ta có lợi thế như: Cà phê, cao su…, đặc biệt là trái cây. Năm nay, rau và cây ăn trái có tín hiệu rất tốt về mặt thị trường. Từ vị trí chỉ là mặt hàng xuất khẩu khiêm tốn, rau quả đang có sự tăng trưởng ngoạn mục, vươn lên trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD trong năm nay.
Chính vì thế, một trong những giải pháp trọng tâm mà ngành NNPTNT đưa ra là tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển mạnh đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác phù hợp nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả và ổn định sản xuất; giảm dần diện tích sản xuất lúa, sắn, tăng cường sử dụng giống tốt, năng suất chất lượng.
8 giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Theo Bộ NNPTNT, chất lượng tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong thời gian qua tiếp tục được cải thiện, thu nhập và đời sống của người nông dân được tăng lên (thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng từ 18,6 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 29,2 triệu đồng năm 2016). |
Bộ NNPTNT đã có báo cáo trước Quốc hội về 8 giải pháp triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất về tính tất yếu và tầm quan trọng của thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp đến các cấp, ngành, địa phương và người dân và về xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Thứ hai, tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường để mở rộng sản xuất hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ ba, rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu
Trong đó, cơ cấu lại sản phẩm theo 3 nhóm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia (những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên và thịt lợn, gia cầm), tiến hành rà soát quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.
- Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, các địa phương căn cứ lợi thế và điều kiện cụ thể, lựa chọn nhóm sản phẩm này để quy hoạch và đầu tư theo hướng như đối với sản phẩm quốc gia nhưng quy mô cấp địa phương; có chiến lược và giải pháp để mở rộng quy mô, sức cạnh tranh, từng bước bổ sung vào nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia.
- Nhóm sản phẩm vùng/miền là đặc sản của các địa phương, có chỉ dẫn địa lý cụ thể, nhưng có quy mô nhỏ, sẽ được xây dựng và phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới ở xã theo mô hình “Mỗi làng, xã một sản phẩm”.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, cạnh tranh quốc tế; thực hiện chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn.
Thứ năm, tăng cường nghiên cứu,chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ: Phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của ngành; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao…
Thứ sáu, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường: Bộ sẽ thành lập cơ quan quản lý tập trung, thúc đẩy chuỗi chế biến nông sản gắn với mở rộng thị trường; kết hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và tổ chức của nông dân để khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu, kể cả thị trường truyền thống và nhóm thị trường mới…
Thứ bảy, tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hội nhập quốc tế; tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ tám, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý ngành từ trung ương đến địa phương. /.
Tác giả bài viết: Hà Vũ
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã