Vườn nông sản thuận tự nhiên
Thời gian gần đây, trên địa bàn 2 xã Trường Long Tây, Trường Long A (huyện Châu Thành A, Hậu Giang), người qua đường thường thấy bà con hái trái bình bát (BB) chín để bán (thương lái thu mua giá 3.000 đồng/kg). Người mua bóp nát trái BB và ngâm nước qua đêm, sáng hôm sau ray sạch thịt, chỉ còn lại hạt. Hạt đem phơi khoảng 3 ngày, sau đó đem bán giá 50.000 đồng cho điểm thu mua hạt BB của chị Nguyễn Thị Kim Thoa (xã Trường Long, huyện Phong Điền). Chị Thoa mua hạt BB để chế biến thuốc trừ sâu phục vụ Mô hình “Nông sản thuận tự nhiên” đã được chị thử nghiệm một năm nay.
Chị Thoa là thạc sĩ chuyên ngành phát triển nông thôn và từng học môn hệ sinh thái nông nghiệp. Sau khi lập gia đình, chị về quê chồng (xã Trường Long). Gia đình chồng có khu vườn rộng 2.000 mét vuông trồng nhãn, nhưng do thu nhập thấp nên chặt bỏ. Chị Thoa và chồng quyết định thuyết phục gia đình chồng làm vườn theo hướng thuận tự nhiên…
Bà Nguyễn Thị Út - mẹ chồng chị Thoa - kể: “Lúc đầu tôi không tán thành vì trước giờ trồng cây thì phải phun thuốc, bón phân cây mới xanh tốt, cho sản lượng cao. Nghe tụi nó giảng giải tôi dần hiểu, mình muốn ăn rau sạch thì trước hết phải trồng nông sản theo tự nhiên”.
Ban đầu chị Thoa trồng chùm ngây (hiện đã cho thu nhập mỗi tháng từ 3 - 5 triệu đồng). 6 tháng sau, chị trồng thêm ổi, chanh, chuối, sầu riêng… Giai đoạn đầu mới trồng, chị có bón phân hữu cơ tự ủ. Một năm trở lại đây, khi vườn đã đi vào ổn định, chị không dùng bất cứ loại phân bón nào.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh - ngụ xã Trường Long - lúc đầu nghe nói được bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định nên tham gia thử nghiệm mô hình này. Nhà bà Thanh có 4 công vườn, nhưng chỉ thử nghiệm 2 công. Sau vụ đầu tiên cho kết quả khả quan, bà tham gia thêm 2 công vườn còn lại. “Tôi thấy năng suất không bằng lúc trước nhưng giá thành cao, lại không tốn công chăm bón nhiều” - bà Thanh bộc bạch. Hiện nhóm trồng “nông sản thuận tự nhiên” có 10 người, tập trung ở 3 xã: Trường Long (TP.Cần Thơ) và Trường Long Tây, Trường Long A (Hậu Giang).
Chế biến thuốc trừ sâu từ hạt bình bát
Không dừng lại ở phân bón tự ủ, chị Thoa còn sáng chế ra thuốc trừ sâu làm bằng hạt BB. Kết hợp từ kinh nghiệm dân gian với một vài nghiên cứu của học sinh ở Lâm Đồng, từ tháng 6.2017, chị Thoa bắt đầu thử nghiệm “bài thuốc trừ sâu” bằng những trái BB. Chị Thoa thổ lộ: “Ngày xưa, người dân dùng lá BB xây nhuyễn rồi pha với nước để trừ sâu. Tôi thấy hạt BB có nhiều chất độc hơn nên lấy hạt để pha thuốc trừ sâu”.
Sau khi mua hạt BB về, chị Thoa dùng máy xay mịn, kết hợp với tỏi nghiền nhuyễn chế ra bài thuốc: 50 hạt bình bát, 10 tép tỏi hòa lẫn với 20ml nước, 100cc rượu trắng, sau đó đem hỗn hợp này phun trên diện tích 30 mét vuông rau cải. Sau 5 - 10 giây, các con sâu bắt đầu cong thân hình rồi rơi xuống đất chết. Vì thuốc có nguồn gốc hữu cơ nên dễ dàng phân hủy dưới ánh sáng mặt trời. Sau một tuần, rau có thể thu hoạch, sử dụng rau được. Còn theo bà Thanh: “Phun thuốc BB của cô Thoa đưa có kết quả, nhưng sâu không chết triệt để như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật”.
Chị Thoa chia sẻ: “Nếu bài thuốc trừ sâu từ hạt BB có hiệu quả, qua thực tế bà con tin tưởng và sử dụng nhiều hơn, thì tôi mới chế biến nhiều. Sắp tới, tôi sẽ áp dụng mô hình giám sát chéo (hộ này giám sát hộ kia) và tăng cường kết nối với các nơi tiêu thụ nông sản sạch để tìm nhiều nguồn “đầu ra” cho sản phẩm, qua đó mở rộng diện tích trồng nông sản thuận tự nhiên”.