Du khách làm ruộng cùng người nông dân là dịp để trải nghiệm, thư giãn, giải trí
Du lịch nông nghiệp đã bắt đầu từ thập niên 30 của thế kỷ trước ở các nước châu Âu và bắt đầu lan tỏa, phát triển mạnh mẽ tại châu Á từ những năm 1980. Tại Việt Nam, du lịch nông nghiệp mới phát triển lẻ tẻ ở một số vùng như Đồng bằng sông Cửu Long, Hội An… Nhiều huyện tại Hà Nội cũng có tiềm năng lớn để phát triển như: Phúc Thọ, Ba Vì, Gia Lâm…
Đây là một mô hình mang tính chất cộng đồng, theo hướng phát triển bền vững, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù cho từng điểm đến, nên ở một số địa phương, mô hình này vẫn được gọi là du lịch cộng đồng, chưa được gọi là du lịch nông nghiệp một cách chính danh.
Nhiều thế mạnh chưa khai thác được
Theo Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh - Giám đốc Trang trại đồng quê Ba Vì (nguyên cán bộ nghiên cứu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam): “Mỗi vùng miền lại có những đặc trưng riêng, điều đó tạo nên dòng chảy văn hóa quyến rũ du khách mọi miền”. Phần lớn du khách khi đến với trang trại đều hào hứng thưởng thức đặc sản đồng quê của vùng Sơn Tây, Ba Vì như gà đồi, cá sông, bê đỏ... và các loại rau từ vườn rau sạch nơi đây.
Không chỉ gây ấn tượng với du khách bằng ẩm thực, các hoạt động tham quan 4 ngôi làng trong lành, thơ mộng, có truyền thống về chăn nuôi và trồng trọt xung quanh trang trại khiến du khách có cảm giác bình yên, như: làng trồng chè xanh Ba Trại, làng thảo dược thuốc nam người Dao Ba Vì, làng chăn nuôi bò sữa, trồng cỏ Vân Hòa, làng cổ Đường Lâm.
Tại đây, du khách được thử bắt cá bằng những dụng cụ làm bằng tre, trồng và hái các loại rau rừng và rau thảo dược, xem cách làm mật ong, tự hái và sao chè khô, cho đà điểu, dê, thỏ, bò sữa ăn hay đi thăm những vườn chè, những cánh đồng ngô xanh bạt ngàn nằm ven sông... Phần giao lưu hát múa, nhảy sạp với các đội văn nghệ của hai dân tộc thiểu số Mường, Dao hồn hậu, trong trẻo, giàu lòng mến khách đã khiến bao du khách bất ngờ bởi không khí ấm cúng.
Cùng với huyện Ba Vì, huyện Phúc Thọ đã được thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch trở thành “vành đai xanh” của Thủ đô bởi thế mạnh chuyên canh các loại rau, hoa quả sạch có thương hiệu như: rau muống tiến Vua, bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam cùng những cánh đồng hoa lily trải dài. Huyện Gia Lâm nổi tiếng với trang trại giống cây trồng, những cánh đồng hoa cải vàng ươm mùa đông, các vườn cây ăn quả vừa thơm ngon vừa cho năng suất cao cũng là tiền đề để nuôi hy vọng “dấn thân” vào phát triển du lịch nông nghiệp.
Vì không bị gò bó theo một chương trình khép kín hay đơn thuần là nghỉ dưỡng như đi tour truyền thống, lại không quá đòi hỏi sự mạo hiểm, thách thức như du lịch “phượt” nên du lịch nông nghiệp được nhiều du khách quốc tế mong chờ. “Dưới góc nhìn của du khách quốc tế, Việt Nam là một đất nước có truyền thống, văn hóa, lịch sử gắn với nền văn minh lúa nước”, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần HanoiRestour chia sẻ.
Ông Nguyễn Công Hoan chỉ rõ: “Du lịch muốn thu hút khách phải đem lại cho khách sự khác biệt. Khách đến từ các nước phát triển tại châu Âu, châu Mỹ, hay Úc… thích thú khi tiếp xúc với hoạt động thuần nông của người nông dân Việt Nam, từ đồng ruộng, họ thấy được đặc trưng của văn hóa con người xứ sở”. Sẽ thật may mắn nếu du khách đến đúng mùa lễ hội, hòa mình trong những lễ hội thuần nông như cấy lúa, ra khơi, đua dê rồi tìm hiểu phong tục, tập quán từng vùng miền Việt.
Ông Nguyễn Công Hoan ví dụ: “Du khách đến Đồng bằng sông Cửu Long được bắt cá, hái quả; đến miền Trung được trồng rau; đang mùa lúa chín Tây Bắc, du khách được thử thu hoạch lúa”. Du khách tham gia cùng người nông dân thu hoạch, gieo trồng, chăm sóc cây trồng trên đồng ruộng là dịp để thư giãn, giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông.
Để không rơi vào lối mòn “tự phát”
Trong một lần đến Việt Nam, ông Philip Kotler, người được coi là cha đẻ của marketing hiện đại, phát biểu: “Nếu Trung Quốc là công xưởng của thế giới, Ấn Độ là văn phòng của thế giới thì Việt Nam hãy là nhà bếp của thế giới”. Du lịch nông nghiệp tại Việt Nam đã có một lợi thế là ẩm thực, song bên cạnh đó còn nhiều vấn đề phải quan tâm, nhất là các công trình vệ sinh ở nông thôn.
Người nông dân cần có ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường sống của mình. Thông qua du lịch nông nghiệp, họ được dịp quảng bá sản phẩm nông nghiệp của mình và tất nhiên một phần thu nhập từ nông nghiệp của họ cũng tăng lên từ du lịch. Đồng thời, cần quan tâm khai thác những nguồn lực tài nguyên sẵn có của địa phương.
Phát triển tốt loại hình du lịch này chính là cơ hội tạo công ăn việc làm, cung cấp kế sinh nhai, trao quyền cho cộng đồng địa phương… Nếu người dân có được lợi ích từ chính cánh đồng, ruộng rau, họ sẽ nhận thức được giá trị của di sản cha ông và tích cực phát huy những giá trị tiềm năng.
Có thể nói, du lịch nông nghiệp tại Việt Nam vẫn đang hình thành tự phát, thiếu rõ nét, việc cần làm bây giờ là tìm được một “bà đỡ” mát tay để không phí hoài tiềm năng.
Theo An ninh thủ đô
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã