Theo Cục chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu rau quả tháng 9/2018 của Việt Nam ước đạt 380 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Ảnh minh họa
Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2018 với 74,1% thị phần. Xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt gần 2 tỷ USD, tăng 11,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
8 tháng đầu năm 2018, các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Thái Lan (tăng 37,9%), Úc (tăng 36%), Hoa Kỳ (tăng 26,3%) và Hàn Quốc (tăng 21,4%).
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu rau quả của Việt Nam tháng 9/2018 ước đạt 156 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2018 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, nhập khẩu rau ước đạt 330 triệu USD, tăng 35,9% so với cùng kỳ 2017 và mặt hàng quả ước đạt 911 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Thị trường mà Việt Nam nhập khẩu rau quả lớn nhất trong 8 tháng đầu năm 2018 là Thái Lan (chiếm 45% thị phần) và Trung Quốc (chiếm 21,9%). Trong 8 tháng đầu năm 2018 giá trị nhập khẩu rau quả của Việt Nam ở hầu hết các thị trường chính đều tăng so với cùng kỳ năm 2017 ngoại trừ thị trường Thái Lan (giảm 16,6%) và thị trường Myanmar (giảm 13,4%). Các thị trường mà Việt Nam nhập khẩu rau quả tăng nhiều nhất là Hàn Quốc (tăng 93,8% về kim ngạch), trường Hoa Kỳ (tăng 83,5%) và Úc (tăng 72,7%).
Cũng theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, tại thị trường trong nước, trong tháng 9/2018, giá một số loại trái cây tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng đáng kể.
Giá mít Thái ở ĐBSCL được các thương lái thu mua với giá từ 54.000-55.000 đ/kg, tăng khoảng 5.000-10.000 đ/kg so cách đây một tháng. Đây là lần đầu tiên giá mít Thái lập một kỷ lục mới phá vỡ mức cũ là 50.000 đ/kg trong những năm qua. Ngoài ra, thị trường sầu riêng tại Đắk Lắk tăng mạnh với mức giá 68.000-70.000 đ/kg, trong khi giá năm ngoái là khoảng 45.000-48.000 đ/kg với điều kiện thời tiết thuận lợi khiến sầu riêng được mùa.
Cũng trong tháng 9/2018, giá thanh long mua tại vườn ở tỉnh Bình Thuận bất ngờ đạt mức giá từ 22.000- 25.000 đ/kg, tùy chất lượng do gần đến tết Trung thu nên thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh.
Trong khi đó, bơ Booth (bơ muộn) tại Tây Nguyên chỉ đạt mức giá 25.000- 30.000 đ/kg, trong khi mức giá của năm ngoái là từ 40.000-50.000 đ/kg. Lý do giá loại bơ này giảm là do tình trạng mở rộng diện tích trồng bơ Booth tự phát, thiếu tính bền vững trong khi loại trái cây này chưa phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong nước.
Tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức chiều 28/9, quyền Cục Chế biến Phát triển thị trường Nông sản ông Nguyễn Quốc Toản, nhận định, rau quả là nhóm hàng tiềm năng. Đây là nhóm hàng trọng tâm và trọng yếu của ngành nông nghiệp. Các doanh nghiệp rau quả xác định đây là ngành có thế mạnh của Việt Nam, và rau quả Việt có thể cạnh tranh sòng phẳng với Thái Lan.
Đặc biệt, qua vụ nhãn vừa rồi một lần nữa khẳng định, mặt hàng rau quả là các mặt hàng chúng ta có lợi thế. Ông Toản cho hay: “9 tháng, xuất khẩu rau quả đạt 3,1 tỷ, với các giải pháp đồng bộ, chúng tôi hi vọng, năm 2018, xuất khẩu rau quả sẽ đạt chỉ tiêu 3,8 tỷ”.
Ông Toản cho biết thêm, sắp tới sẽ có hội nghị rau quả toàn quốc nhằm thúc đẩy ngành hàng này phát triển mạnh mẽ hơn. Đặc biệt gắn liền với vấn đề chế biến và phát triển thị trường.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã