Ảnh minh họa |
Làm không hết việc
Thu nhập từ cam đường Canh, cam Vinh đạt bình quân 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm khiến nhiều nhà vườn Lục Ngạn đầu tư, mở rộng diện tích. Gia đình anh Đồng Văn Năm, thôn Trại Ba, xã Quý Sơn thuê người ghép mắt cam trên 500 gốc bưởi.
Theo anh Năm, bằng cách này, chỉ cần một năm sau gia đình anh sẽ được thu cam, nhanh hơn 2 - 3 năm so với trồng cây mới. Để mắt ghép bảo đảm chất lượng, anh đặt mua cành cam bánh tẻ sạch bệnh ở vườn cây đầu dòng tại Hưng Yên và thuê người có kinh nghiệm cắt ghép. Thợ ghép cây được trả 500 nghìn đồng/ngày/người và ăn ở cùng gia chủ. Tuy vậy không phải lúc nào anh Năm cũng thuê được người bởi dịp này nhiều hộ cải tạo vườn bưởi trồng cam, thợ ghép cây làm không hết việc.
Có thâm niên gần 20 năm trong nghề, ông Hoàng Văn Tư ở thôn Tư 1, xã Quý Sơn luôn bận bịu vì nhiều người gọi đi ghép cây giống. Làm không xuể, ông nhận việc cho một số anh em trong nghề cùng hỗ trợ. Mắt ghép sinh sôi phụ thuộc vào yếu tố chăm sóc, thời tiết, chỉ cần chủ vườn lơ là, không để ý đến là có thể hỏng. Để tiện cho đôi bên, khi mắt ghép sống ông mới nghiệm thu vườn, tính tiền. Mỗi mắt ghép trổ mầm ông được trả 4 nghìn đồng. Vừa trò chuyện với khách, đôi tay ông Tư thoăn thoắt dùng kéo cắt cành, lấy dao sắc tách cành bưởi làm đôi vừa đủ sâu 2 - 3cm và nhanh chóng đặt mắt cam vào trong, cuốn chặt lại bằng ni lông trắng.
Ông Tư nói: “Phải làm thật nhanh để bảo đảm dinh dưỡng của cây gốc được chuyển đến nuôi mảnh ghép. Khi thực hiện cần tránh làm mắt bị tổn thương, tỷ lệ sống sẽ cao”.
“Ghép cây ăn nhau ở kỹ thuật. Tiếp đến là chọn được gốc, mắt ghép khỏe, sạch bệnh. Trừ cây có múi, thời điểm ghép các giống khác tốt nhất là mùa xuân và mùa thu bởi khi đó mắt ghép có tỷ lệ sống cao hơn",ông Hoàng Văn Tư. |
Bao năm trong nghề, ông Tư được chủ vườn ở khắp nơi trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Hải Dương, Lạng Sơn thuê ghép cây giống. Từ những chuyến đi ấy, ông đã thu thập rồi tự lai ghép thành công nhiều giống cây chất lượng tốt, cho năng suất cao về ươm tại vườn nhà. Gần đây, nhận thấy người dân ưa chuộng giống chanh tứ quý, ông lên tỉnh Hà Giang mua vật liệu ghép và cải tạo vườn của gia đình.
Hiện nay, một số cây chanh tứ quý cho nhiều quả ở các giai đoạn khác nhau, quả được thu hoạch, quả non và cũng có những chùm hoa dày chi chít. Ngoài ra, trong vườn nhà ông có rất nhiều loại giống cây thị trường đang ưa chuộng. Bình quân mỗi năm, ông xuất bán khoảng một vạn cây giống các loại, thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Đa dạng bộ giống, cây nhanh cho quả
Theo Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Lục Ngạn, Lưu Anh Đức, nhờ sự năng động, giỏi nghề của những người làm vườn đã tạo ra “tập đoàn” giống cây ăn quả với chủng loại đa dạng. Hiện nay, toàn huyện có hàng chục giống cây ăn quả, mỗi giống có từ 4 - 5 loại. Ví như bà con đã ghép cải tạo nhãn thóc thành nhãn muộn giống của Hà Tây (cũ), Hưng Yên, Miền Thiết và nhãn Trung Quốc; bưởi đào đường, bưởi Diễn, bưởi da xanh; chanh đào, chanh không hạt; hồng xiêm, hồng giòn; táo chua; táo ngọt, xoài; thanh long ruột đỏ, ổi bốn mùa, mít Thái...
Bên cạnh đó, biện pháp ghép cây giúp cây nhanh cho quả. Nhiều hộ thôn Đầm, xã Phượng Sơn đã thành công khi ghép cam trên gốc bưởi chua. Nhờ vậy, mùa quả ngọt, vườn cây của gia đình anh Nguyễn Văn Trâm, người dân trong thôn có cam, bưởi trên cùng một gốc. Trước đây trong vườn là những cây bưởi chua, khó bán nên anh thuê người ghép cải tạo sang cam. Tưởng cam sẽ cho quả chua nhưng thực tế lại có vị rất ngọt. Vụ cam vừa qua, gia đình anh Trâm thu được chừng 3 tấn cam đường Canh và gần 1 nghìn quả bưởi Diễn.
Anh Trâm cho biết: “Ban đầu tôi thuê người ghép thử vài cây sau đó nhìn cây đẹp nên quyết định ghép chuyển đổi toàn bộ số bưởi chua. Với cách làm này không phải phá bỏ, trồng mới mà lại được thu hoạch nhiều thứ quả”.
Hộ ông Nguyễn Đắc Bích, thôn Áp, xã Tân Quang cũng cải tạo thành công hơn 1ha vải thiều muộn bằng giống vải Thanh Hà nhờ phương pháp ghép mắt. Theo ông Bích, vải Thanh Hà cho quả có vỏ cứng, chín sớm và được giá hơn.