Sau khi tiếp nhận thông tin, hầu hết ngư dân khi được hỏi đều hài lòng với định mức bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, người dân cũng mong chính quyền triển khai việc rà soát, thẩm định thiệt hại và chi trả một cách thật công bằng, minh bạch, đúng người, đúng mức độ thiệt hại...
Ngư dân Lê Trường Yên (Kỳ Ninh, TX. Kỳ Anh):
Sự cố môi trường biển vừa qua đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của bà con nhân dân vùng biển. Hơn 6 tháng trời gia đình không có nguồn thu nhập từ biển nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, các nhà hảo tâm thì bà con rất mong mỏi vào chính sách đền bù, hỗ trợ thiệt hại.
Nay, Chính phủ công bố mức bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho từng đối tượng cụ thể như vậy thì bà con chúng tôi rất đồng tình. Giờ mong làm sao tiền hỗ trợ sớm về đến tay bà con để vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định lại cuộc sống. Đồng thời cũng mong chính quyền triển khai việc rà soát, thẩm định thiệt hại và chi trả một cách thật công bằng, minh bạch, đúng người, đúng mức độ thiệt hại để bà con được hài lòng.
Ngô Hữu Việt – Chủ tàu HT90330TS (Sơn Bằng- Thạch Kim – Lộc Hà):
Con tàu 250 CV của anh Ngô Hữu Việt vừa cập cảng Cửa Sót – Thạch Kim sáng nay sau nhiều ngày đánh bắt trên đảo Bạch Long Vĩ. Khi biết mức bồi thường vừa được ban hành, anh Việt phấn khởi: “Sau nhiều ngày chờ đợi, anh em chúng tôi đã thở phào nhẹ nhõm khi mức đền bù không quá thấp như những thông tin đồn thổi trước đây. Thông tin ban đầu tôi được nghe là chủ tàu khai thác thủy sản công suất từ 250 CV- dưới 400 CV bị thiệt hại do giá sẽ được hỗ trợ 28.660.000 đồng/tàu/tháng, nhưng lao động trên tàu lại được tính chung, chủ tàu thực hiện chi trả cho các lao động trên tàu.”
Chúng tôi cũng rất cám ơn các đơn vị liên quan đã đồng hành, hỗ trợ cùng bà con ngư dân từng bước vượt qua những khó khăn sau sự cố môi trường biển vừa qua. Đặc biệt, từ khi có thông tin công bố hải sản an toàn và chưa an toàn, thu nhập của tàu chúng tôi đã khá hơn. Bây giờ, chúng tôi đang rất mong ngóng nhận được tiền đền bù sớm từng nào hay từng đó để thêm động lực vươn khơi.
Chủ kho đông Toàn Tứ ( Xuân Phượng – Thạch Kim):
Cơ sở đông lạnh của tôi thuộc 1 trong 7 nhóm đối tượng thiệt hại được xác định do sự cố môi trường. Nhận được thông tin mức bồi thường vào ngày 29/9 vừa qua đã làm ấm lòng những cơ sở như chúng tôi sau nhiều tháng chờ đợi mặc dù chưa biết được mức cụ thể. Tuy nhiên, điều chúng tôi rất cần lúc này là các đơn vị liên quan có giải pháp xử lý hàng hóa tồn trọng trước và sau sự cố (gần 130 tấn) để cơ sở có diện tích tiếp tục sản xuất, quay vòng đồng vốn…
Ông Nguyễn Văn Thái (Thạch Long – Thạch Hà) chủ tàu không lắp máy:
Từ khi xảy ra sự cố đến nay, thuyền của bác gần như không đánh bắt được. Nay nhận được thông tin được hỗ trợ định mức 3.69 triệu đồng/người/tháng mặc dù không quá lớn nhưng cũng là nguồn tiền đáng kể ngay lúc này của gia đình.
Ngư dân Lê Văn Phú (Cẩm Lộc, Cẩm Xuyên) – chủ tàucông suất 140 CV:
Theo thông tin mà tôi nhận được thì tàu của tôi được hỗ trợ từ 10 – 15 triệu đồng/tháng. Từ khi sự cố môi trường diễn ra đến nay đã 6 tháng, nhân lên thì mức hỗ trợ thiệt hại được hưởng từ 60 – 90 triệu đồng. Mức hỗ trợ trên là hợp lý và thỏa đáng. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa rõ 5 lao động đi trên tàu có được hỗ trợ riêng hay không.
Ông Trần Hữu Lương (Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) – chủ của 2 con tàu công suất 320 CV và 42 CV, chủ cơ sở thu mua dịch vụ hậu cần nghề cá:
Thuyền công suất 42 CV thì đã có định mức hỗ trợ từ 5,6 – 7,9 triệu đồng, nhưng tàu công suất 320 CV thì tôi vẫn chưa rõ được bồi thường thế nào. Riêng cơ sở thu mua dịch vụ hậu cần nghề cá của tôi có 17 lao động, hiện đã được kê khai đền bù ở mức 2,9 triệu đồng/tháng. Dẫu mức đền bù không thể bằng so với mức lương hàng tháng của họ trước khi xảy ra sự cố môi trường biển nhưng ai cũng phấn khởi vì được Đảng và Chính phủ quan tâm. Công nhân thì đã được đền bù nhưng chủ cơ sở thì vẫn chưa biết được hỗ trợ thế nào. Tôi hy vọng Nhà nước kịp thời hỗ trợ về lãi suất, vì hiện nay khoản nợ 500 triệu đồng vay ngân hàng tháng nào cũng phải trả lãi trong khi tàu thì “trợt bờ”, cơ sở thu mua dịch vụ hậu cần nghề cá hoạt động khó khăn”.
Chị Trần Thị Sương (xóm Tân Hải, xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên):
Do ảnh hưởng của sự cố môi trường, 6 tháng qua, cơ sở sản xuất đá lạnh của gia đình tôi hoạt động kinh doanh bị đình trệ, đời sống vô cùng khó khăn. Sau khi được kê khai đền bù, dù không biết cụ thể mức hỗ trợ là bao nhiêu nhưng tôi cũng thấy phần nào được an ủi. Hỗ trợ, đền bù là một phần nhưng quan trọng nhất vẫn là Nhà nước có những chính sách để khôi phục sản xuất trên biển, để chúng tôi tiếp tục hoạt động kinh doanh như trước đây.
Ông Nguyễn Văn Hướng (thôn Lê Lợi, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh), chủ tàu cá có công suất 84 CV, sử dụng 14 lao động, đánh bắt vùng biển gần bờ:
Sau khi nghe thông tin về mức đền bù của Chính phủ, tôi rất đồng tình và ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước. Thời gian từ kê khai cho đến có định mức hỗ trợ là tương đối nhanh. Tuy nhiên, tôi nghĩ, mỗi ngư dân cần hợp tác, hỗ trợ các ngành chức năng để số tiền hỗ trợ về đến tay người dân nhanh hơn, người dân sớm ổn định cuộc sống.
Anh Nguyễn Tiến Hiển (Kỳ Phú – huyện Kỳ Anh) chủ tàu cá công suất nhỏ 20 CV, với 12 lao động:
Khi được tin chúng tôi rất đồng tình, ủng hộ chủ trương, cũng như định mức mà Chính phủ đưa ra, cho dù thu nhập của chúng tôi cao hơn rất nhiều. Chúng tôi rất cảm ơn Đảng và Nhà nước đã có những chính sách quan tâm đến ngư dân trong giai đoạn khó khăn này.
Theo Nhóm PV/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã