Năm 2002, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80 về chính sách khuyến khích tiêu thụ hàng hóa nông sản thông qua hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp, tuy nhiên sau gần 15 năm kết quả thu về cũng không mấy khả quan. Vì vậy, một trong những mục tiêu mà ngành Nông nghiệp đưa ra trong Đề án tái cơ cấu là kêu gọi doanh nghiệp đồng hành cùng người nông dân trong liên kết sản xuất.
Nhưng theo thống kê của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, thời gian qua mới chỉ có khoảng 1% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trong tổng số doanh nghiệp của cả nước; trong đó, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 95%, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 3,7% và doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,32%.
Để có chuỗi sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao, rất cần sự tham gia của doanh nghiệp. |
Doanh nghiệp không mặn mà tham gia vào lĩnh vực này bởi đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng trọt, mức độ rủi ro thường rất cao, vì ngoài phụ thuộc thời tiết, gieo trồng, thì đến các khâu đến chế biến, vận chuyển, tiêu thụ.... khâu nào cũng có thể biến sản phẩm tươi ngon thành sản phẩm hư hỏng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên, để mô hình “liên kết 4 nhà”: Nhà nông – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp và Nhà nước trong liên kết chuỗi ngành hàng nông nghiệp thực sự phát huy hiệu quả, vai trò của nông dân và doanh nghiệp được xác định là trọng tâm. Chỉ khi doanh nghiệp cùng chí hướng xây dựng thương hiệu nông sản an toàn thì mối liên kết này mới có thể bền vững trong yêu cầu hội nhập hiện nay.
Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, phân tích: “Nông nghiệp Việt Nam buộc phải phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có giá trị gia tăng cao và bền vững, dựa trên nền tảng hộ nông dân chuyên nghiệp, kinh tế hợp tác và doanh nghiệp.
Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển chuỗi giá trị, gắn nông dân và hợp tác xã với thị trường, xây dựng các vùng chuyên canh quy mô lớn, nâng cao khả năng cạnh tranh, áp dụng công nghệ phù hợp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn cả về kinh tế, xã hội và môi trường”.
Theo ông Tuấn, đến thời điểm này, các “xung lực” để kéo doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã tụ hội khá đầy đủ. Vì vậy hiện các doanh nghiệp đã đầu tư theo chuỗi, từ khâu sản xuất, chế biến cho đến tiêu thụ sản phẩm.
Một trong những doanh nghiệp tiên phong là Tập đoàn Vingroup. Không chỉ trực tiếp đầu tư sản xuất rau và nông sản sạch với quy mô lớn, mới đây khi Tập đoàn Vingroup khởi động “Chương trình liên kết 1.000 hợp tác xã và hộ nông dân” để cung ứng nông sản sạch cho thị trường.
Lý giải về sự khác biệt của chương trình liên kết lần này, đại diện Vingroup cho biết, thông qua Công ty Đầu tư Phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco, Tập đoàn sẽ trực tiếp đào tạo và hướng dẫn các hộ nông dân có nhu cầu về quy trình sản xuất sạch; hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật và giống; kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất và trước thu hoạch; thu mua sản phẩm và hỗ trợ phát triển thương hiệu. Với việc kiểm soát khép kín từ đồng ruộng đến siêu thị, chương trình sẽ cắt giảm được tối đa các khâu trung gian, tập trung nâng cao chất lượng nông sản cung ứng ra thị trường.
“Cam kết của Vingroup đưa ra chính là giúp nông dân sản xuất và thu lời hiệu quả nhất trên chính cánh đồng của họ. Đổi lại, chúng tôi có nông phẩm sạch, đa dạng và chủ động cung cấp cho thị trường. Đây là một quan hệ kinh tế đôi bên cùng có lợi (win – win) nên nếu được triển khai đúng, chắc chắn sẽ bền vững. Khi người nông dân tự “đứng trên đôi chân của mình”, làm chủ công nghệ, quy trình sản xuất và có thương hiệu riêng thì không ai muốn trở lại phương thức sản xuất cũ”, đại diện VinEco - đơn vị trực tiếp triển khai chương trình hỗ trợ nông dân cho biết.
Để kiểm soát chất lượng và đảm bảo cho thương hiệu của mình, VinEco sẽ đầu tư trang thiết bị để ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc bằng mã QR, đảm bảo minh bạch hóa thông tin về địa điểm sản xuất, thời điểm thu hoạch. Người tiêu dùng có thể dễ dàng tra cứu thông tin nông sản trong chương trình bằng smartphone bất cứ lúc nào.
Với mô hình liên kết mới, Vingroup hay hàng loạt doanh nghiệp khác có thành công hay không còn nhờ vào “những cái bắt tay” từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, cốt lõi vấn đề là Vingroup đã tiên phong làm chỗ dựa cho người nông dân, khơi dậy một tinh thần khởi nghiệp. Hơn lúc nào hết, cần những chính sách để lan tỏa và nhân rộng những mô hình kết nối cả nghìn hộ nông dân như Vingroup…
Tái cơ cấu nông nghiệp phải làm giàu cho nhà nông Ngày 27-9, tại Đồng Tháp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị tái cơ cấu nông nghiệp gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thuỷ lợi, xây dựng nông thôn mới, liên kết hợp tác phát triển sản xuất nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và kế hoạch liên kết phát triển bền vững vùng Đồng Tháp Mười. Dự hội nghị có, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, tái cơ cấu nông nghiệp tạo ra “tác dụng kép” vì vừa có thể khắc phục được những hạn chế trong sản xuất, vừa ứng phó với những thách thức mới. Đối với ĐBSCL, tái cơ cấu trở nên bức thiết hơn bao giờ hết do phải thích ứng với biến đổi khí hậu, thiếu hụt nguồn nước. Mỗi năm, nước biển dâng gây sạt lở đất 500ha, sụt lún nghiêm trọng 3-4cm, dự báo 45% diện tích đồng bằng bị nhiễm mặn, nguồn nước và chất lượng nước phụ thuộc vào sông Mekong. Vì vậy, phải cập nhật kịch bản chống biến đổi khí hậu và xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển nông nghiệp vùng, quy hoạch sử dụng đất, thủy lợi và xây dựng nông thôn mới... Trước thực trạng một số địa phương chưa đồng bộ, chậm đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, khả năng cạnh tranh thấp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các địa phương tổ chức lại sản xuất, gắn sản xuất với nhu cầu của thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời, phối hợp với Bộ NN&PTNT lựa chọn các sản phẩm chủ lực để phát triển chuỗi và xây dựng thương hiệu. (Văn Vĩnh – Như Anh) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã