Mô hình thông minh
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, sau gần 50 năm hình thành và phát triển, mô hình canh tác lúa – tôm hiện đang phát triển mạnh do có nhiều lợi thế như: đầu tư thấp, cho hiệu quả cao, lợi nhuận cao hơn 15-30% so với độc canh cây lúa hay tôm. Theo đó, năng suất bình quân của mô hình đạt khoảng 300-500kg tôm/ha và 4-7 tấn lúa. Chi phí sản xuất trung bình 30-35 triệu đồng/ha, lãi bình quân 35-50 triệu đồng/năm (tính cả tôm và lúa).
Ông Trần Văn Khởi điều hành diễn đàn. Ảnh: Chúc Ly
Năm 2000, diện tích mô hình sản xuất lúa – tôm khu vực ĐBSCL chỉ đạt 71.000ha. Đến năm 2015 diện tích đã tăng gấp 2,2 lần, đạt gần 160.000ha, chiếm khoảng 28% tổng diện tích nuôi tôm nước lợ toàn vùng; sản lượng tôm ước đạt 65.000 tấn, chiếm 15% tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ của vùng và chiếm 11% sản lượng nuôi tôm nước lợ cả nước; đồng thời cung cấp từ 500.000-700.000 tấn lúa đặc sản, chất lượng cao.
Các nhà khoa học nhận định, việc trồng lúa trên đất nuôi tôm không xảy ra “xung đột” trong quá trình sản xuất, là mô hình “thông minh”. Thực tế cho thấy, việc thực hiện mô hình tôm – lúa giúp cải tạo môi trường theo hướng bền vững; ít phải dùng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, cho sản phẩm gạo, tôm sạch, được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, lúa – tôm được đánh giá là mô hình sản xuất bền vững, ít rủi ro so với các mô hình nuôi trồng thủy sản khác nên thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu phức tạp hiện nay.
Quy hoạch vùng sản xuất
Bên cạnh những hiệu quả tích cực, tại diễn đàn, các đại biểu cũng nêu lên một số hạn chế, rào cản của mô hình tôm - lúa như hạ tầng thủy lợi chưa hoàn thiện, hệ thống kênh cấp, kênh thoát chưa đáp ứng nhu cầu nên gây khó khăn cho công tác sản xuất và kiểm soát dịch bệnh; sản xuất phần lớn ở quy mô nhỏ lẻ, năng suất thấp và chưa ổn định; nguồn giống phục vụ sản xuất chưa chủ động, chưa đảm bảo chất lượng; vật tư đầu vào phục vụ sản xuất khó kiểm soát; biến đổi khí hậu cũng gây khó khăn cho sản xuất…
Mô hình lúa – tôm của ông Trần Văn Thiên (ngụ ấp Ninh Thạnh 2, xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) với diện tích thực hiện hơn 5.000m2. ảnh: Chúc Ly
Theo ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Cục Trưởng Cục Trồng trọt, để mô hình thực sự bền vững, cần quy hoạch và xác định vùng có khả năng phát triển lúa - tôm, xây dựng các chương trình, dự án đầu tư phát triển, đánh giá các tác động môi trường và yếu tố phát triển bền vững. Đồng thời, bố trí thời vụ canh tác hợp lý cho từng tiểu vùng trên cơ sở đánh giá, dự báo tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn ở thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Xây dựng quy trình canh tác lúa, tôm trong mô hình và tổ chức tập huấn, huấn luyện nông dân.
Theo định hướng phát triển, diện tích tôm - lúa ổn định khoảng 200.000ha vào năm 2020. Vùng sản xuất tôm - lúa cần nhanh chóng xây dựng các thương hiệu theo các tiêu chuẩn: VietGAP, Global GAP và các loại GAP khác, sản xuất gạo hữu cơ để nâng cao giá trị thương mại cho sản phẩm.
Tại diễn đàn, các đại biểu cũng cho rằng, mô hình canh tác tôm - lúa tại ĐBSCL là mô hình canh tác hở, điều kiện canh tác phụ thuộc vào thời tiết khí hậu của vùng.
Do đó, để giảm rủi ro về xâm nhập mặn và giúp mô hình duy trì đạt hiệu quả cao, các địa phương cần phải quan tâm đồng bộ các yếu tố như tuyên truyền duy trì thực hiện mô hình, theo dõi và bám sát lịch mùa vụ, cải tiến hệ thống đồng ruộng, thủy lợi...
Ông Trần Văn Khởi - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nhấn mạnh: “Để mô hình luân canh tôm - lúa tiếp tục phát triển mạnh và bền vững, cần quy hoạch hợp lý các vùng luân canh/xen canh, để có các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp và chính sách tín dụng hỗ trợ cho sản xuất, khuyến khích sản xuất theo hướng liên kết, hợp tác”.
“Cần gia cố bờ bao, mương bao để đảm bảo ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn kỹ thuật, nhất là quản lý môi trường nước và phòng trị bệnh trên tôm nuôi. Các tỉnh nên quan tâm tổ chức các điểm trình diễn mô hình tôm - lúa cho nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm, nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Người dân cần liên kết và hợp tác trong sản xuất, để cải tạo đất, thả tôm giống, gieo cấy lúa theo lịch thời vụ” – ông Khởi nhấn mạnh thêm
Theo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã