- Trước khi bão số 10 đổ bộ vào miền Trung, tôi đã gọi điện cho nhiều đồng nghiệp và khẳng định: Bão vào thì thiệt hại lớn nhất chính là cây caosu! Lúc đương nhiệm, tôi và nhiều nhà khoa học đều phản đối chủ trương trồng caosu ở các tỉnh từ TT-Huế trở ra.
Caosu là loại cây công nghiệp nhiệt đới điển hình, “sợ” nhất là bão và rét. Chỉ cần gió cấp 10 trở lên là cây ngã đổ, trời rét dưới 16 độ cây sẽ chết. Tây Bắc là vùng có nhiệt độ tối thấp, trong khi miền Trung lại là rốn bão.
Vì thế, việc trồng caosu ở đây là quá mạo hiểm và hoàn toàn không có căn cứ khoa học. Nhiều năm trước, tôi đã góp ý rõ ràng điều này với Bộ NNPTNT, Bộ TNMT và Bộ KHCN, nhưng họ vẫn cứ làm!
- Đây là chủ trương hoàn toàn sai, nhưng tại sao caosu trồng ở Bắc Trung Bộ vẫn nằm trong quy hoạch của Chính phủ (năm 2009), thưa ông?
- Đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao Chính phủ lại quyết định như thế, trong khi những người làm khoa học đều khẳng định không thể trồng caosu ở miền Trung! Rất tiếc là bài học giữa được và mất của ngành nông nghiệp trong 55 năm qua đã lặp lại!
Chúng ta đã mất nhiều thứ, đã trồng nhiều cây, nuôi nhiều con thất bại. Thế nhưng, cây caosu tại Bắc Trung Bộ chính là thất bại lớn nhất của ngành nông nghiệp!
- Hiện nông dân khu vực Bắc Trung Bộ đang không biết nên tiếp tục trồng cây caosu lại hay không. Cũng có những ý kiến cho rằng, sẽ trồng lại cây caosu để làm lại... Có những lựa chọn nào khác khả thi không?
- Sau bài học đắt giá này, nông dân miền Trung - nhất là khu vực Bắc Trung Bộ - tuyệt đối không nên trồng lại caosu nữa, vì quá rủi ro! Với đặc thù đất badan bằng phẳng ở khu vực này, nhiều loại cây trồng khác có thể thay thế phù hợp, ít rủi ro bởi thiên tai mà giá trị kinh tế tương đương.
Để cứu vãn tình thế trước mắt, bà con hãy triển khai trồng ngay cây ngắn ngày như ngô, khoai lang hoặc sắn. Nhà nước hãy hỗ trợ ngay cho họ giống, phân bón, tìm nơi tiêu thụ bằng cách kết nối với nhà máy ethanol hoặc các hợp đồng xuất khẩu.
- Lâu dài hơn, nông dân cần có định hướng như thế nào để ổn định sản xuất nông nghiệp?
- Với miền Trung, cần lựa chọn cách khắc phục đạt những tiêu chí: Chống chịu bão, cần ít vốn, dễ làm, thị trường tiêu thụ ổn định và thu nhập bằng hoặc hơn caosu. Các nhà khoa học, nhà quản lý cần ngồi bàn để đưa ra kịch bản, lấy ý kiến rộng rãi trong nông dân. Cần xác định phải làm bài bản, nghiêm túc và có trách nhiệm.
Tôi khẳng định, miền Trung hoàn toàn giàu có mà không cần phụ thuộc vào caosu. Vì thế, hãy coi đây là cơ hội để cơ cấu lại sản xuất. Nam Đàn (Nghệ An) với mô hình chăn nuôi bò sữa rất thành công. Tại sao không biến Quảng Bình, Quảng Trị thành vùng nuôi bò thịt cao sản trong tương lai?
Hãy bắt đầu bằng việc trồng cỏ. Với năng suất 300 tấn/ha/năm, giá bình quân 500.000đ/tấn cỏ, bà con thu về 150 triệu đồng. Cỏ trồng được có thể bán cho vùng nuôi bò khác hoặc ủ xanh để xuất khẩu. Nếu trồng được cỏ, từ đó nuôi bò thịt cao sản thì chuỗi giá trị gia tăng còn lớn hơn gấp nhiều lần so với caosu và các cây trồng khác.
- Để làm được điều này, theo ông, cần có sự đột phá nào?
- Nhà nước với vai trò “bà đỡ” hãy nhanh chóng lên kế hoạch trồng thử nghiệm khoảng 100ha cỏ thâm canh, nhập giống bò thịt cao sản về nuôi tại miền Trung, giao khoán cho nông dân, sau đó xây dựng các chính sách về tài chính, kỹ thuật và thuế để thu hút DN. Theo tôi, Nhà nước cần cách làm đột phá hơn, hãy tuyên bố với DN là không thu bất cứ đồng thuế thu nhập DN nào và cho mượn miễn phí quỹ đất trong 10 năm đầu. Chỉ như vậy, người dân miền Trung có thể giàu lên mà không tơ tưởng gì đến cây caosu dễ bị mất trắng như vừa qua.
- Xin cảm ơn
Nguồn laodong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã