Cơ cấu lao động theo khu vực kinh tế ở nông thôn giai đoạn 2011 - 2016 chuyển dịch chậm
Nhất là hạ tầng nhiều địa phương còn yếu kém, cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm, chất lượng lao động thấp, đời sống một bộ phận dân cư nông thôn vẫn nhiều khó khăn...
Bức tranh tổng thể về tình hình chuyển biến KT-XH nông thôn, nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2011 - 2016 đã được Ban chỉ đạo Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản Trung ương năm 2016 công bố số liệu chính thức tại cuộc họp báo hôm qua (9/10).
Tổng cục Thống kê công bố, giai đoạn 2011 - 2016, bộ mặt KT-XH nông thôn nước ta đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ cả về hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đời sống, nhất là chương trình MTQG xây dựng NTM đã tạo cú hích lớn.
Nếu như năm 2011, cả nước vẫn còn 17 xã chưa có điện thì đến tháng 7/2016, hệ thống cung cấp điện đã vươn tới 100% xã trên cả nước. Khoảng 99,4% số xã trên cả nước đã có trường mầm non; 99,3% xã có trường tiểu học và trên 91% số xã có trường THCS. Cơ sở hạ tầng y tế ngày càng được bổ sung hoàn thiện với 99,5% tổng số xã có trạm y tế cùng trên 3.000 cơ sở y tế khác. Số người có thẻ BHYT ở khu vực nông thôn đã chiếm trên 76% tổng số nhân khẩu, gấp 1,4 lần năm 2011.
Giai đoạn 2011 - 2016, ĐBSH là vùng có tốc độ chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp cao nhất nước do bình quân đất nông nghiệp/người thấp nhất |
Hệ thống cung cấp nước sạch tiếp tục được đầu tư xây dựng với 4.498 xã đã có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, chiếm trên 50% tổng số xã, tăng 3,6 điểm phần trăm so với năm 2011. Đến tháng 7/2016, cả nước đã có 3.210 xã với 19,5 nghìn thôn có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chung, chiếm 35,8% tổng số xã toàn quốc...
Cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 đã được tiến hành trên phạm vi cả nước vào thời điểm ngày 1/7/2016 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cuộc tổng điều tra có quy mô lớn, liên quan tới 8.978 xã và 79.898 thôn với gần 16 triệu hộ dân nông thôn và trên 1 triệu hộ dân thành thị hoạt động nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản; gần 33,5 nghìn trang trại... Ban chỉ đạo cuộc Tổng điều tra các cấp đã huy động trên 18 vạn điều tra viên tiến hành điều tra từ ngày 1 đến ngày 30/7/2016 với tổng chi phí khoảng 600 tỉ đồng. |
Trong lĩnh vực kinh tế, cơ cấu kinh tế nông thôn đã chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao tỷ trọng ngành nghề phi nông nghiệp. Tại thời điểm tháng 7/2017, trên địa bàn nông thôn cả nước có gần 16 triệu hộ dân với hơn 31 triệu người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động. Trong đó, có 8,58 triệu hộ hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 53,7% tổng số hộ dân nông thôn cả nước (giảm 8,5 điểm phần trăm so với năm 2011). Số hộ dân hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã tăng lên con số 6,4 triệu hộ, chiếm 40%, tăng 6,6 điểm phần trăm so với năm 2011.
Bên cạnh đó, đời sống dân cư nông thôn tiếp tục được cải thiện. Tại tháng 7/2016, bình quân 100 hộ thì có 1,44 hộ có ô tô, 11,6 máy giặt, 65 tủ lạnh và 130 xe máy... Hiện cả nước đã có 2.060 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 22,9% tổng số xã khu vực nông thôn.
Về tình hình SX nông, lâm, thủy sản, giai đoạn 2011 - 2016, cùng với Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, hình thức tổ chức SX đã được cơ cấu lại theo hướng tăng nganh số DN và HTX trong lĩnh vực này. Đến tháng 7/2016, cả nước đã có 3.846 DN nông, lâm, thủy sản, tăng tới 51,7% so với năm 2011 và cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng của giai đoạn 2006 - 2011 (chỉ 18,7%).
Số DN có vốn SX kinh doanh từ 10 tỷ đồng trở lên đã chiếm 31%. Số HTX nông, lâm, thủy sản theo đó cũng tăng từ 6.302 năm 2011 lên 6.946 năm 2016. Trong khi đó, xu hướng hộ cá thể SX nông, lâm, thủy sản đã giảm từ 10,37 triệu hộ năm 2011 xuống chỉ còn 9,28 triệu hộ, bình quân giảm 0,22 triệu hộ/năm.
Giai đoạn 2011-2016, kinh tế trang trại phát triển nhanh, đạt 33,5 nghìn trang trại nông, lâm, thủy sản vào tháng 7/2016, tăng tới 67,2% so với năm 2011, bình quân mỗi trang trại sử dụng khoảng 5,2 ha đất, thu hút 135,5 nghìn lao động thường xuyên (tăng 43,2% so với năm 2011)...
Đời sống kinh tế của một bộ phận dân cư nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn |
Cá thể chiếm số đông, tích tụ chậm Bên cạnh những đổi thay về đời sống, hoạt động kinh tế nông, lâm, thủy sản ở khu vực nông thôn giai đoạn 2011 - 2017 vẫn còn bộc lộ những bất cập. SX nhỏ vẫn phổ biến. Trong tổng số 9,29 triệu đơn vị SX nông, lâm, thủy sản, số hộ cá thể vẫn chiếm tới 99,89%, số DN chỉ chiếm 0,04% và số HTX chiếm 0,07%. Hiệu quả của hầu hết các loại hình tổ chức SX nhìn chung vẫn thấp. Trong tổng số 3.846 DN nông, lâm, thủy sản, chỉ có 50,6% số DN có lãi; 9,8% DN hòa vốn và 39,6% DN thua lỗ. Trong số gần 7.000 HTX trong lĩnh vực này, cũng có tới 17,3% hòa vốn và hơn 10% số HTX thua lỗ. Tích tụ đất đai trong giai đoạn 2011 - 2016 mặc dù có nhiều chuyển biến nhưng vẫn diễn ra chậm. Tại thời điểm tháng 7/2016, lĩnh vực trồng trọt chỉ có gần 49 nghìn hộ trồng cây hàng năm có từ 5ha trở lên, chỉ tăng 15% so với 5 năm trước đó. Con số này ở lĩnh vực thủy sản chỉ có khoảng 12,7 nghìn hộ, tăng 21%... |
Bất cập = số Bên cạnh những chuyển biến đời sống KT-XH của khu vực nông thôn, tới tháng 7/2016, khu vực này vẫn còn nhiều con số bất cập: 1.766: Là số thôn trên cả nước chưa có điện 51: Là số xã chưa có đường ô tô tới trung tâm huyện 58: Là số xã chưa có trường mầm non 64: Là số xã chưa có trường tiểu học 7: Là số xã chưa có trạm y tế 26,1 triệu: Là số lao động chưa được đào tạo nghề 95: Là số xã NTM còn “nợ” tiêu chí 1,2 triệu: Là số hộ chưa có tivi 39,6%: Là số DN trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản bị thua lỗ |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã