Theo Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 230 HTX kiểu mới hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Quá trình chuyển đổi mô hình HTX cho thấy năng lực quản lý điều hành của nhiều cán bộ còn hạn chế, ảnh hưởng khả năng thực hiện xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường. Trong khi đó, trình độ tay nghề, hiểu biết của lao động nông thôn còn thấp, chưa có ý thức tham gia các HTX. Một số HTX mặc dù đã chuyển đổi mô hình nhưng “bình cũ rượu mới”, chưa có nhiều thay đổi so với trước đây. Hơn nữa, mô hình HTX kiểu mới không chỉ đơn thuần làm các dịch vụ bảo vệ đồng ruộng, bảo vệ thực vật như trước mà phải tìm ra hướng đi mới, liên kết lớn với các dự án sản xuất, kinh doanh có tính khả thi cao hơn. Phải làm sao cho nông dân gắn bó với đồng ruộng chứ không bỏ đất, mang đất cho thuê, đó là mô hình sản xuất tiên tiến nhất, sẽ tạo sự gắn kết và hài hòa lợi ích giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà nước. Từ đó, người nông dân yên tâm sản xuất, không phải lo đến đầu ra của sản phẩm.
Xuất phát từ mục tiêu nêu trên, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình đang xây dựng các mô hình gắn kết giữa HTX với doanh nghiệp. Trong đó, mô hình liên kết giữa HTX Bình Minh (huyện Kim Sơn) với Công ty cổ phần Lộc Trời miền bắc là một thí dụ. Trong mô hình này, nông dân xã Bình Minh sẽ góp ruộng đất để trở thành cổ đông, công nhân nông nghiệp. Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn khẳng định, sẽ cùng nông dân Bình Minh xây dựng, phát triển chuỗi lúa gạo bền vững có thương hiệu. Với tinh thần “Phân phối và phân phối lại lợi nhuận một cách hợp lý và đạo lý", công ty sẽ bảo đảm các phúc lợi và nâng cao đời sống người nông dân, hiện đại hóa nông thôn cùng tiến trình đổi mới hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hiện, tại 400 ha đồng ruộng của HTX Bình Minh đã có sự hỗ trợ từ đội ngũ kỹ sư của doanh nghiệp Lộc Trời, những người ngày đêm bám đồng ruộng hướng dẫn nông dân HTX Bình Minh làm đất, xuống giống chăm sóc cây trồng đúng kỹ thuật.
Bác Nguyễn Văn Thả, nông dân khu 1, xã Bình Minh cho biết: Nhờ các kỹ sư doanh nghiệp Lộc Trời mà lần đầu tôi biết được nguyên nhân từ đâu làm cho đất ở đây trở nên cằn cỗi, đó là hậu quả của việc bón phân, canh tác không hợp lý. Cách làm trước đây vừa tốn kém vừa luôn lo đầu ra không có. Nay nhờ thế mạnh của Công ty Lộc Trời cho nên nông dân không còn phải lo đầu ra cho sản phẩm nữa.
Vướng mắc hiện nay của các HTX nói chung và HTX nông nghiệp ở Ninh Bình nói riêng là không tiếp cận được nguồn vốn. Thiếu vốn làm cho hoạt động kinh doanh, sản xuất rất khó khăn. Nếu huy động từ các thành viên thì lãi suất cao lại không ổn định, còn tiếp cận vốn từ các ngân hàng thì gặp khá nhiều rào cản kỹ thuật.
Với cách làm mới, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình sẽ có sức mạnh cộng hưởng từ các mối liên kết giữa Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông và ngân hàng để phát triển theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.
Theo Lý Hà/ Nhân Dân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã