Phát huy lợi thế
Với các vùng sinh thái khá rõ rệt, như: Ngọt, mặn, lợ, phèn… Tiền Giang có điều kiện thuận lợi để hình thành nên những vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước. Theo thống kê, Tiền Giang có hơn 70.000ha cây ăn trái, chiếm 8% tổng diện tích cây ăn trái cả nước, 25% diện tích trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tận dụng lợi thế thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu, tỉnh đã quy hoạch phát triển vùng trồng cây ăn trái đặc sản riêng cho từng khu vực.
Theo đó, ở các huyện phía tây của tỉnh như: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành chằng chịt kênh, rạch, nước ngọt, phù sa... đã tạo nên thương hiệu trái cây nổi tiếng như: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, chôm chôm Tân Phong, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim... Hệ sinh thái nhiễm phèn vùng Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước lại thích hợp với giống khóm (dứa) Tân Phước. Kế đến là thanh long vùng đất Chợ Gạo, dưa hấu Gò Công Tây... Nhờ khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế vườn theo hướng chuyên canh cây ăn trái đặc sản, đời sống của bà con nông dân ngày một nâng lên. Thu nhập bình quân mỗi héc-ta vườn của bà con ước đạt 150 triệu đồng/năm, mức kỷ lục đạt 300-400 triệu đồng/năm, cao gấp 10 lần trồng lúa năng suất cao.
Để phát triển vùng cây ăn trái thế mạnh, tại huyện Cai Lậy, địa phương đã quy hoạch phát triển vùng trồng cây ăn trái đặc sản ở phía nam Quốc lộ 1 với tổng diện tích hơn 14.300ha chuyên canh, gồm các giống cây trồng có lợi thế cạnh tranh cao như: Sầu riêng, bưởi da xanh, cây có múi, vú sữa Lò Rèn... được thị trường rất ưa chuộng. Nông dân đã quy hoạch lại vườn cây một cách khoa học, lắp đặt hệ thống tưới phun tự động tiết kiệm nước, sử dụng phân hữu cơ để duy trì sự sung mãn và tăng tuổi thọ vườn cây... Đặc biệt, huyện đã thành công với việc mở rộng diện tích vườn chuyên canh sầu riêng lên hơn 7.000ha, lớn nhất khu vực ĐBSCL với các giống chất lượng cao, như: Ri6, Mong Thong... Ông Huỳnh Văn Kem ở xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy có 7.000m2 đất trồng chuyên canh sầu riêng cho biết: “Vụ vừa rồi, gia đình tôi thu hoạch hơn 20 tấn trái, giá bán bình quân 70.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí lãi khoảng 1 tỷ đồng”.
Theo bà Nguyễn Thị Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cai Lậy, nhờ vào vườn chuyên canh cây ăn quả đặc sản mà hầu hết nông hộ đều có cuộc sống ổn định, nhiều hộ trở thành điển hình về sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. “Hiện nay, huyện đang có kế hoạch đẩy mạnh khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kiện toàn đê bao ngăn lũ kết hợp với phát triển giao thông nông thôn, tạo thuận lợi để bà con chuyển đổi vườn tạp thành vườn trồng cây ăn trái đặc sản. Huyện cũng đã đạt sản lượng hơn 285.000 tấn trái cây các loại/năm”, bà Nguyên thông tin.
Hình thành các vùng chuyên canh, liên kết chuỗi giá trị
Phát huy vai trò kinh tế vườn trong tái cơ cấu nông nghiệp, Tiền Giang đã định hình được vùng chuyên canh dứa hơn 15.000ha, hơn 7.400ha sầu riêng Ngũ Hiệp, 4.700ha xoài cát Hòa Lộc, 4.000ha thanh long… tại 4 địa bàn trọng điểm: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và Châu Thành. Đến nay, tỉnh đã có gần 400ha cây ăn trái đặc sản áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chí VietGAP, GlobalGAP. Với việc tiếp tục đầu tư mạnh mẽ về vốn, kỹ thuật, cơ chế chính sách… kinh tế vườn Tiền Giang đang dần phát triển mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.
Để nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn trái đặc sản, theo ông Cao Văn Hóa, quyền Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng hệ thống nhân giống và quy hoạch các cơ sở sản xuất cây giống bảo đảm chất lượng để cung cấp cho nhà vườn. Đồng thời, tổ chức sản xuất cây giống xác nhận (cây đầu dòng) cung ứng cho sản xuất. Bên cạnh đó, địa phương còn đẩy mạnh hoạt động chuyển giao quy trình canh tác tiến bộ, xử lý ra hoa trái vụ, rải vụ; chuyển giao nhân rộng công nghệ thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, quản lý dịch hại trước mắt để giảm tỷ lệ thất thoát trong và sau thu hoạch, hướng tới tăng tỷ trọng trái cây đạt chứng nhận chất lượng (VietGAP, GlobalGAP). “Hiện tại, địa phương đang từng bước hình thành chương trình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Xây dựng mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp có sự gắn kết giữa HTX sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ; trong đó doanh nghiệp là thành viên của HTX chịu trách nhiệm cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm cho HTX”, ông Cao Văn Hóa, cho biết.
Nhấn mạnh vấn đề này, ông Lê Văn Nghĩa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: “Giai đoạn 2017-2020, tỉnh huy động khoảng 916 tỷ đồng đầu tư phát triển vườn cây ăn trái theo hướng hình thành các vùng chuyên canh, liên kết chuỗi giá trị nhằm phát huy lợi thế và hiệu quả kinh tế của cây ăn trái vốn là thế mạnh của Tiền Giang và cả vùng ĐBSCL”.
Bài và ảnh: THÚY AN/ QĐND