Mới có 12% hợp tác xã hiệu quả
HTX là nhân tố quan trọng trong liên kết tổ chức sản xuất nông nghiệp. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hết tháng 6/2018, cả nước có 39 liên hiệp HTX và 12.596 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua phân loại HTX nông nghiệp năm 2017 cho thấy, số HTX hoạt động tốt chiếm 12% (1.115 HTX), 34,3% hoạt động khá (3.178 HTX), 41,3% ở mức trung bình (3.830 HTX) và còn 12,4% HTX xếp loại yếu (1.143 HTX).
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, hết tháng 6/2018, cả nước còn 709 HTX yếu kém đã ngừng hoạt động cần giải thể. Do đó, nhiệm vụ cấp bách cần triển khai ngay đó là, xử lý dứt điểm việc giải thể, chuyển đổi sang loại hình khác đối với các HTX yếu kém đã ngừng hoạt động. Để phát triển liên hiệp HTX nông nghiệp, cần kết nối với các DN đang thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm cho HTX, xây dựng mô hình liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trên cơ sở quy mô sản xuất và nhu cầu liên kết của HTX. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020 có 15.000 HTX phải trở thành hạt nhân để liên kết với DN. Từ đó, hình thành hệ thống để đồng trục 8,6 triệu hộ nông dân cùng các HTX, DN tạo thành chuỗi khép kín từ khu vực tổ chức sản xuất, vùng nguyên liệu đến chế biến và xúc tiến thương mại.
Ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) - cho biết: Những yếu kém của HTX tồn tại trong thời gian dài, dù Luật HTX đã ban hành và thực hiện được gần 5 năm, do trình độ quản trị của cán bộ HTX còn hạn chế. Thực tế, phần lớn HTX thiếu vốn, cơ sở hạ tầng nghèo nàn; việc quản lý tài chính ở nhiều đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc. Có nhiều nơi, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động của HTX; ngược lại, có nơi lại can thiệp quá sâu, khiến HTX không đơn thuần là một đơn vị sản xuất, kinh doanh mà bị “hành chính hóa” khi phải thực hiện cả những nhiệm vụ chính trị, xã hội khác.
Đặt chất lượng lên hàng đầu
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trước đây, kinh tế hộ đã có thời kỳ “vàng son”, giúp cho nông nghiệp phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, trong điều kiện thị trường mất cân xứng, nếu không liên kết, người nông dân sẽ chịu thiệt. Do vậy, việc thành lập HTX kiểu mới là nhiệm vụ bắt buộc, đây sẽ là đầu mối đưa sản xuất nông nghiệp lên sản xuất lớn. Theo đó, phải tiếp tục củng cố và gia tăng chất lượng 4.400 HTX đang hoạt động hiệu quả; trong đó có 1.500 HTX phải ứng dụng công nghệ cao.
Về nguồn lực, Phó Thủ tướng cho rằng, ngoài vốn ngân sách, vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn tín dụng rất quan trọng. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 55, tập trung vốn hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bộ NN&PTNT, các địa phương đánh giá lại đất đai và tài sản trên đất của HTX, tạo điều kiện để HTX có đủ điều kiện vay vốn ngân hàng.
Về vấn đề liên kết, Phó Thủ tướng lưu ý, dù hình thức liên kết nào thì cuối cùng vẫn phải gắn với tiêu thụ cho nông dân; cần bám sát Chương trình Mỗi làng một sản phẩm; khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: Bên cạnh việc phát triển HTX, cần chú ý đến mô hình tổ hợp tác. Đây là nguồn để phát triển lên HTX, đảm bảo cho mục tiêu 15.000 HTX đến năm 2020. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã