Chỉ trong hơn 2 tháng qua, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức 2 cuộc họp cùng Hiệp hội mía đường Việt Nam và các nhà máy đường ở các tỉnh vùng ĐBSCL nhằm tìm ra giải pháp tiêu thụ mía cho bà con nông dân. Tuy nhiên khó khăn này vẫn chưa được tháo gỡ khi toàn tỉnh vẫn còn hơn 5.000 ha mía chưa được bao tiêu.
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang họp cùng nhiều đơn vị liên quan nhằm giải quyết tồn đọng mía trong dân. (Ảnh: Tấn Phong). |
Vụ mía này toàn tỉnh Hậu Giang có tổng diện tích xuống giống gần 10.600 ha, giảm hơn 150 ha so với niên vụ trước đó. Sản lượng mía thu hoạch ước đạt hơn 1 triệu tấn.
Dù diện tích xuống giống giảm, nhưng tính đến nay, chỉ có gần 5.600 ha mía, tương đương hơn 50% diện tích mía của nông dân Hậu Giang được bao tiêu, trong khi mọi năm vào thời điểm này toàn bộ 100% diện tích mía đã được bao tiêu.
Không chỉ giảm về diện tích bao tiêu, mà mức giá cũng giảm, chỉ còn 800 đồng/kg đối với loại mía đạt 10 chữ đường (CCS), thu tại cầu cảng nhà máy, giảm 100 đồng/kg so với niên vụ trước. Với mức giá này, nông dân sẽ không thể có lãi.
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, đường nhập lậu qua biên giới cũng như việc nhập khẩu đường lỏng chiết xuất từ tinh bột bắp là những nguyên nhân khiến ngành mía đường trong nước gặp khó khăn.
Hiện giá đường trong nước xuống thấp, tiêu thụ chậm. Chỉ tính riêng công ty cổ phần mía đường Cần Thơ hiện vẫn còn tồn kho hơn 33.000 tấn đường.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Hậu Giang đang đề nghị, các ngành chức năng trong tỉnh tiếp tục tăng cường quản lý thị trường đối với đường nhập lậu trên địa bàn tỉnh, các địa phương tập trung tuyên truyền cho bà con nông dân về những khó khăn của ngành mía đường, động viên bà con khi vào vụ thu hoạch.
Bên cạnh đó, Hậu Giang cũng yêu cầu Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản kiến nghị Trung ương về mặt hàng đường để sớm tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy đường trước khi vào vụ ép.
Về phía UBND tỉnh, tuần sau sẽ làm việc với các ngân hàng để tìm giải pháp tháo gỡ một số khó khăn về vốn cho các nhà máy đường trong tỉnh, nhằm tạo điều kiện để các nhà máy đường ký hợp đồng thu mua hơn 5.000 ha mía còn lại trong dân./.
Theo VOV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã