Mô hình điểm
Năm 2013, được sự hỗ trợ của Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD) và các đơn vị, doanh nghiệp…, chính quyền TP.Hội An tổ chức khóa tập huấn kỹ thuật, đồng thời hỗ trợ cho một nhóm 10 hộ dân ở thôn Thanh Đông (xã Cẩm Thanh) xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp với du lịch sinh thái. Bà Đinh Thị Miễn - người dân tham gia mô hình cho biết, sau khi được hướng dẫn quy trình canh tác, gia đình bà cùng 9 hộ dân khác tiến hành cải tạo đất, đầu tư hàng chục triệu đồng đóng nhiều giếng khoan, lắp đặt hệ thống tưới phun tự động và đầu năm 2014 bắt tay vào sản xuất các loại rau quả sạch. Bà Miễn nói: “Tôi có 900m2 đất canh tác tại 2 điểm của làng rau hữu cơ Thanh Đông. Hơn 3 năm qua, với việc gieo trồng nhiều chủng loại rau quả, bình quân mỗi năm tôi thu được 36 triệu đồng. Trong khi đó, trước đây trồng bắp, mè, dưa hồng trên số diện tích ấy thì chỉ kiếm được 15 triệu đồng”.
Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái ở thôn Thanh Đông (Cẩm Thanh, Hội An) mang lại hiệu quả cao. Ảnh: VĂN SỰ |
Ông Nguyễn Văn Chức - Tổ phó tổ sản xuất của làng rau Thanh Đông cho biết, nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường và tạo ra các sản phẩm thực sự an toàn, mô hình này tuyệt đối không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu. Đầu năm 2014 đến nay, cả 10 hộ dân trong nhóm đều dùng phân vi sinh bón cho cây trồng. Phân vi sinh được chế biến từ rơm rạ và các loại cành lá cây tươi băm nhỏ trộn với chế phẩm sinh học rồi ủ cho tới khi hoai mục mới đưa vào sử dụng. Còn để hạn chế dịch bệnh gây hại, người dân trồng hoa cúc, vạn thọ… để dẫn dụ sâu bọ. Đồng thời, trồng một số cây có vị cay như rau quế, rau húng, sả… nhằm xua đuổi những loại địch hại. Ông Chức nói: “Trong trường hợp sâu bọ xuất hiện nhiều, sẽ dùng thuốc thổ mộc phun lên các vườn rau quả với mục đích xua đuổi. Thuốc thổ mộc do tự tay chúng tôi chế biến từ gừng, tỏi, ớt, đường, rượu gạo có nồng độ cao. Phương pháp này vừa hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra vừa góp phần đảm bảo môi trường sinh thái và tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Theo ông Phạm Mèo - Tổ trưởng Tổ sản xuất của làng rau hữu cơ Thanh Đông, hiện nay tại 2 điểm canh tác có hơn 10.000m2 đất gieo trồng hàng chục loại rau quả. Thời gian qua những loại rau quả đều có đầu ra ổn định. Hơn 3 năm nay, bình quân hằng tháng làng rau hữu cơ Thanh Đông xuất bán ra thị trường 1 - 1,2 tấn rau củ quả, thu về 24 - 35 triệu đồng. Nếu so với phương thức sản xuất thông thường, thu nhập từ việc canh tác rau hữu cơ không cao bằng. Tuy nhiên vẫn theo đuổi mô hình này bởi nó tạo ra các sản phẩm nông sản an toàn cho người tiêu dùng. Với lợi thế nằm ven Đô thị cổ Hội An có lượng khách du lịch khá lớn, thời gian qua nhóm hộ tham gia sản xuất ở làng rau hữu cơ Thanh Đông đã mở cửa đón khách. Ngoài hàng trăm học sinh đến học tập, hơn 2 năm nay mỗi năm làng rau này đón 450 - 700 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Ông Mèo nói: “Phần lớn khách du lịch đến đây là người nước ngoài đi theo tour, không chỉ tham quan các vườn rau quả mà họ còn cùng với chúng tôi làm đất, gieo trồng, bón phân, thu hoạch những loại nông sản. Hàng năm, chúng tôi thu được 17 - 28 triệu đồng từ tiền bán vé, góp thêm vào việc đầu tư xây dựng nhà sơ chế rau, tu sửa hệ thống thủy lợi và giàn lưới…”.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Lợi - Phó phòng Kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nhờ sự tiếp sức từ nhiều phía, những năm qua người dân làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà) rất thành công với mô hình sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp du lịch sinh thái. Hiện tại làng rau này có 18,5ha đất chuyên canh 20 chủng loại rau theo hướng an toàn với sự tham gia của 220 hộ dân. Nhận thấy được lợi thế phát triển du lịch của làng rau Trà Quế, năm 2003 UBND TP.Hội An khai thác tour tham quan và trải nghiệm tại đây. Bà Lợi nói: “Thời gian qua, phần lớn sản phẩm của làng rau Trà Quế được cung cấp cho các siêu thị như Metro, Big C, Co.opMart ở Đà Nẵng và các chợ, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn Hội An. Bình quân mỗi năm, nông dân thu hoạch được 330 tạ rau các loại từ 1ha đất và đạt mức thu nhập 400 triệu đồng. Với việc khai thác hiệu quả các tour du lịch, mỗi năm làng rau Trà Quế đón không dưới 20 nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và doanh thu từ bán vé khoảng 350 - 400 triệu đồng”.
Tạo cú hích bằng cách nào?
Tại cuộc hội thảo chuyên đề “Phát triển nông nghiệp bền vững kết hợp với du lịch sinh thái” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Sở NN&PTNT phối hợp tổ chức hồi cuối tháng 4.2017, nhiều ý kiến cho rằng Quảng Nam có tiềm năng đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp khá lớn và có hệ sinh thái đa dạng, có rất nhiều làng nghề truyền thống nên thích hợp cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, du lịch dựa vào cộng đồng. Tuy nhiên, những năm qua địa phương chưa khai thác triệt để lợi thế đó, mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái rất ít và quy mô còn nhỏ lẻ… Nhiều đại biểu cho rằng, muốn phát triển nông nghiệp bền vững kết hợp với du lịch sinh thái thì phải thực hiện đồng bộ hàng loạt giải pháp. Ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam đề xuất: “Thời gian tới, tỉnh cần chuyển mạnh cơ cấu đầu tư trong nông nghiệp - nông thôn theo hướng đầu tư có kế hoạch, có trọng điểm bằng những cơ chế thông thoáng. Trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này nên áp dụng chính sách tương tự như đối với những doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp và đô thị, nhất là về đất đai, tín dụng, khâu giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng thiết yếu, khoa học công nghệ”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hải Đăng - đại diện Trung tâm Khuyến nông TP.Hà Nội đề nghị các ngành nông nghiệp, du lịch, tài nguyên môi trường, trung tâm xúc tiến đầu tư công cùng chính quyền các địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong việc kêu gọi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái cũng như phát triển các sản phẩm làng nghề, nâng cao chất lượng dịch vụ. Còn bà Hoàng Thị Thế - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh thì cho rằng các ngành, địa phương cần sớm xây dựng bộ tiêu chuẩn hóa về sản phẩm nông nghiệp du lịch với tên gọi và nội dung hoạt động chuẩn xác để không lúng túng trong khâu quản lý, quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc liên kết giữa nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp trong sản xuất gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Bà Đặng Thị Nha - đại diện Trung tâm Khuyến nông TP.Hồ Chí Minh thì đề nghị các địa phương phải thực hiện tốt khâu quy hoạch và xác định cụ thể đối tượng cây trồng, vật nuôi nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với khai thác dịch vụ hiệu quả để tạo ra giá trị tăng thêm. Cạnh đó, phải tập trung thực hiện công tác truyền thông bằng nhiều hình thức nhằm chuyển giao rộng rãi tiến bộ của khoa học kỹ thuật cho những chủ dự án cũng như quảng bá các loại sản phẩm, loại hình dịch vụ - du lịch. Một số ý kiến khác cho rằng, các cơ quan có trách nhiệm cần tăng cường kết nối thông tin định hướng thị trường để giúp doanh nghiệp, người dân chủ động trong việc sản xuất, hạn chế tối đa tình trạng khủng hoảng thừa và khủng hoảng thiếu sản phẩm. Ngoài ra, Nhà nước cần có các giải pháp hữu hiệu nhằm nhân rộng những mô hình tích tụ ruộng đất và đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm…
NGUYỄN SỰ/baoquangnam.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã