Ngân hàng tiếp sức
Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, TP. Đà Nẵng đang phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hỗ trợ cho sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch, các TCTD trên địa bàn đặc biệt là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), đã nỗ lực tiếp sức cho doanh nghiệp (DN), người dân đầu tư cho nông sản sạch...
Tiếp vốn cho nông nghiệp sạch, thực hiện Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ về cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank Đà Nẵng đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ vốn cho một số DN, đặc biệt trên địa bàn huyện Hòa Vang thực hiện các dự án đầu tư sản xuất, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn. Trước đây, do thiếu vốn nên CTCP sản xuất và thương mại Việt Thiên Ngân chuyên sản xuất các mặt hàng rau sạch gặp nhiều khó khăn, về quy mô đến khâu tiêu thụ trên thị trường.
Sau đó, công ty được Agribank Hòa Vang cấp hạn mức lên đến 6 tỷ đồng để đầu tư sản xuất rau an toàn. Từ vốn vay ưu đãi, DN có điều kiện mở rộng quy mô, đầu tư thêm các trang thiết bị như máy gieo hạt hơn 100 triệu đồng phục vụ ươm giống, sản xuất cây trồng, xe đông lạnh chuyên chở sản phẩm ra thị trường. Bảo đảm quy trình sản xuất rau khép kín từ khâu gieo hạt, chăm sóc, đóng gói đến phân phối tận tay người tiêu dùng. Nguồn vốn từ Agribank mang lại cho công ty những hiệu quả thiết thực, giải quyết việc làm ổn định cho 30 lao động địa phương.
Đầu tư sản xuất nông sản sạch hướng đi cần nhân rộng |
Bà Phạm Thị Phương Thảo, Phó giám đốc CTCP sản xuất và thương mại Việt Thiên Ngân cho biết, tại xã Hòa Phước công ty đang có trên 1 ha trồng rau sạch và đang xin mở rộng thêm khoảng 2 ha để trồng rau hữu cơ. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, công ty cũng đang đầu tư sản xuất 2 trang trại rau sạch tại thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) với diện tích khoảng 6 ha. Các sản phẩm rau của Việt Thiên Ngân đã được cấp giấy chứng nhận rau an toàn. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các siêu thị, khách sạn trên địa bàn TP. Đà Nẵng và Quảng Nam.
Cũng được vay vốn từ Agribank Đà Nẵng để đầu tư cho nông nghiệp sạch còn có Công ty TNHH MTV chăn nuôi Hòa Khương. Từ khoản vay 1,8 tỷ đồng, DN đã đầu tư trang trại chăn nuôi heo giống theo hướng nông nghiệp sạch. Giống heo chất lượng cao nhập từ Mỹ, nuôi trong hệ thống phòng lạnh công nghiệp khép kín. Hệ thống chuồng luôn được giữ ở mức nhiệt độ ổn định, do một hệ thống nước làm mát toả hơi liên tục. Nhờ đó, sức khỏe của heo nái được bảo đảm, hạn chế dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh, hệ thống làm mát, hệ thống máng ăn và nước uống tự động, việc xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh môi trường bằng công nghệ khí sinh học (biogas)…
Đại diện DN cho biết, hiện nay trên thị trường nhu cầu tiêu dùng các loại sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng tăng. Bởi vậy, công ty đã và đang tăng cường tiếp cận với nguồn vốn vay để phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch. Cũng trên địa bàn huyện Hòa Vang còn có thể kể đến CTCP Đồng Nghệ cũng đang được tiếp sức vay vốn từ Agribank Đà Nẵng phát triển nông nghiệp sạch. Theo đó, DN này được vay hơn 10 tỷ đồng để đầu tư xây dựng trang trại nuôi heo khép kín. Từ những hỗ trợ của ngân hàng đến nay DN đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất với quy mô hơn 1.000 heo thịt, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động ở địa phương...
Các bên cùng hưởng lợi
Ngoài các DN, nhiều hộ dân cũng đã được Agribank Đà Nẵng hỗ trợ vốn để phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch. Trong đó, có mô hình vườn rau an toàn của ông Trần Văn Bảy ở xã Hòa Khương. Với diện tích gần 4 ha, ông Bảy đang sở hữu trang trại trồng rau sạch lớn nhất ở Đà Nẵng, mỗi tháng thu nhập hơn 200 triệu đồng. Với thương hiệu sau sạch Pihka Đà Nẵng, để đưa các sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, ông Trần Văn Bảy đã mở các cửa hàng chuyên cung cấp rau sạch ở TP. Đà Nẵng, cung cấp trực tiếp cho người dân và các nhà hàng rau sạch trong thành phố, với giá dao động từ 30 đến 50 nghìn đồng/kg, tùy theo từng loại rau củ.
Tại TP. Đà Nẵng, những năm gần đây với vai trò chủ lực, tiên phong của mình Agribank Đà Nẵng đã và đang đẩy mạnh gói tín dụng hướng vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sạch. Từ sự hỗ trợ này nhiều DN, hộ vay vốn đã phát huy hiệu quả, mang lại những tín hiệu khả quan cho nền nông nghiệp sạch ở địa phương.
Theo ông Ông Hùng Cường, Phó giám đốc Agribank Hòa Vang, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đầu tư cho nông nghiệp sạch, chi nhánh đã thực hiện ưu đãi cho vay đối với khách hàng vay vốn là DN, hợp tác xã, chủ trang trại, hộ sản xuất tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn. Bên cạnh, mức lãi suất ưu đãi, chương trình tín dụng còn hỗ trợ cho khách hàng khi gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Tiếp vốn kịp thời cho nông nghiệp sạch, góp phần giúp người dân, DN hướng dần đến việc sản xuất các sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Trên thực tế, với mô hình đầu tư cho nông nghiệp sạch từ khâu sản xuất đến tiêu thụ đã và đang mang lại nhiều thuận lợi. Cho vay phát triển nông nghiệp sạch góp phần mở ra một hướng đi mới, hiệu quả hơn. Thông qua chương trình, ngân hàng không những giải quyết các vấn đề về vốn cho nông nghiệp, mà còn hướng sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, liên kết hiệu quả hơn.
Về phía DN, hộ sản xuất được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch. Các DN đã xây dựng được quy trình từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ các sản phẩm nông sản sạch trên thị trường. Góp phần thực hiện tốt chương trình “Thành phố 4 an”, trong đó có an toàn vệ sinh thực phẩm mà thành phố đang hướng tới. Về phần các “thượng đế”, trong bối cảnh TP. Đà Nẵng đang phải nhập nhiều các loại nông sản, đặc biệt là các mặt hàng rau xanh, khó kiểm soát được chất lượng... việc được cung ứng nông sản sạch đến tận tay chắc chắn sẽ khiến nhiều người tiêu dùng yên tâm hơn.
Bài và ảnh Nghi Lộc/thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã