THỰC TRẠNG, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN VÀ ĐẨY MẠNH THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn", thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, như chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai; khuyến khích doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân, gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các quy định về đầu tư hợp tác công tư (PPP) trong nông nghiệp, nông thôn.
Các chính sách đó được triển khai thực hiện ngay từ khi được ban hành và tiếp tục hoàn thiện theo hướng tạo môi trường ngày càng thuận lợi để thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
I. VỀ ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN THỜI GIAN QUA
Thứ nhất, cơ chế chính sách và khung pháp lý ngày càng được hoàn thiện, cải cách hành chính được đẩy mạnh
Thời gian qua Quốc Hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, tạo khung pháp lý thuận lợi thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước vào nông nghiệp, nông thôn, đó là:
Năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, đó là hai luật quan trọng, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: sửa đổi cácchính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 thay thế Nghị định số 61/2010/NĐ-CP), chính sách tín dụng ưu đãi (Nghị định số 55/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP), ban hành quy định về đối tác công tư (Nghị định số 55/2015/NĐ-CP), chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong hợp tác, liên kết sản xuất quy mô lớn (Quyết định số62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013), chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp (Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013)... Theo đó, doanh nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi về đất đai, thuế, được hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, áp dụng khoa học công nghệ; đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc; trồng cây dược liệu, nuôi trồng hải sản trên biển; đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản...Đặc biệt, trong ba năm 2014, 2015, 2016 Chính phủ đã ban hành 3 Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014, số 19/NQ-CP ngày 12/03/2015, số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
1.1.1. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã triển khai thực hiện chế độ "một cửa" và đã hoàn thiện các thủ tục để kết nối một cửa liên thông với hệ thống hải quan một cửa quốc gia. Các thủ tục hành chính đã được công khai hoá và đang tiếp tục được điều chỉnh theo hướng ngày càng đơn giản, dễ tiếp cận và không phân biệt đối xử đối với các thành phần kinh tế.
Về các quy định quản lý chuyên ngành cũng đã và đang được rà soát, chỉnh sửa theo hướng minh bạch và phù hợp với cam kết quốc tế, tháo gỡ nhiều khó khăn, ách tắc trước đây cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng nông, lâm, thủy sản. Riêng thời gian làm thủ tục về quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản; kiểm dịch bảo vệ thực vật đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã giảm được khoảng 50%.
Thứ hai, những kết quả đạt được
Chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương quan tâm chỉ đạo, triển khai ban hành các chương trình và kế hoạch hành động, phân giao nhiệm vụ cụ thể có thời hạn hoàn thành. Vì vậy, thu hút đầu tư vào ngành đã đạt nhiều kết quả như sau:
Một là, vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước (bao gồm cả đầu tư nước ngoài) vào lĩnh vực nông nghiệp tăng từ 28.859 tỷ đồng năm 2009 lên 30.419 tỷ đồng năm 2014 (tăng 1,42 lần), là nguồn lực quan trọng cho phát triển ngành.
Vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trong 5 năm (2011 - 2015) đã huy động được 584,59 nghìn tỷ đồng, tín dụng 434.950 tỷ đồng (chiếm 51%), doanh nghiệp 42.198 tỷ đồng (chiếm 4,9%), người dân và cộng đồng đóng góp 107.447 tỷ đồng (chiếm 12,62%). Vốn ngân sách nhà nước (bao gồm các chương trình, dự án khác) đầu tư cho Chương trình là 266.785 tỷ đồng (chiếm 31,34%).
Hai là, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng từ 2.397 năm 2007 lên 3.640 doanh nghiệp năm 2015, trong đó doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm phần lớn (khoảng 85%).
Đã có nhiều nhà đầu tư thành công và trở thành những đầu tầu về ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương như: Vinamilk, Công ty cổ phần đường Lam Sơn, TH Truemilk, Tập đoàn Việt - Úc...
Hiện nay, đang có xu hướng nhiều nhà đầu tư nước ngoài (từ Nhật Bản, Hàn Quốc...) và nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đang tìm hiểu cơ hội và mong muốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như Tập đoàn Vingroup, Himlam, Viettel, FLC... Đây là cơ hội để tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển một nền nông nghiệp hiện đại với những sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu trên thị trường.
Ba là, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc, lũy kế các dự án đầu tư được cấp phép còn hiệu lực đến ngày tháng 6/2016 hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có 536 dự án, tổng số vốn đăng ký 3.774,9 triệu USD; trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2016, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm là 53,1 triệu USD với 8 dự án cấp mới và 8 dự án tăng vốn, tăng 86,5% về vốn đầu tư và 62,5% về số dự án so với cùng kỳ năm 2015.
Bốn là, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn luôn tăng với tốc độ cao, bình quân đạt 20%/năm, so với tốc độ tăng tín dụng chung cho nền kinh tế là 18,5%. Tổng dư nợ tín dụng ngành nông nghiệp, nông thôn tính đến tháng 8/2016 đạt khoảng 900.000 tỷ đồng. Đã triển khai một số chương trình tín dụng đặc biệt cho tái canh cà phê, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, thủy sản, giảm tổn thất sau thu hoạch; liên kết sản xuất cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao và xuất khẩu…
Thứ ba, những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thời gian qua còn rất hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng, cũng như nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp nước ta, cụ thể như sau:
Một là, việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển nông nghiệp nông thôn chưa tương xứng với nhiệm vụ và nhu cầu phát triển ngành.Đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng rất thấp, khoảng 5,4 - 5,6% tổng đầu tư cả nước, trong khi nông nghiệp vẫn đóng góp 17,7% GDP cả nước (năm 2014).
Hai là, đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước còn thấp, thiếu ổn định; số lượng doanh nghiệp NLTS còn ít và có xu hướng giảm trong thời gian gần đây: Giai đoạn 2010 - 2014, tốc độ tăng số doanh nghiệp NLTS đạt bình quân 10,6%/năm, thấp hơn so với mức tăng doanh nghiệp nói chung 10,9%/năm; tỷ trọng doanh nghiệp NLTS so với doanh nghiệp cả nước cũng giảm từ 1,01% Năm 2010 xuống còn 0,96% năm 2014[1]; đa phần là doanh nghiệp quy mô vốn nhỏ (số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm khoảng 55%)[2].
Trong khi đó, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) mới ở giai đoạn thí điểm, quy mô nhỏ, phạm vi hẹp, các chính sách mới chưa được triển khai và chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp về loại hình đầu tư này.
Ba là, vốn đầu tư ngoài ngân sách phân bổ không đồng đều giữa các lĩnh vực, vùng miền. Trong lĩnh vực trồng trọt, tư nhân có xu hướng tập trung vào việc khai thác tiềm năng, nguồn lực sẵn có về tài nguyên, hoặc kinh doanh thương mại mà chưa quan tâm đầu tư liên kết theo chuỗi, hoặc đầu tư công nghệ cao, công nghiệp chế biến để tăng giá trị gia tăng. Việc khai thác, sử dụng đất đai chưa hiệu quả, còn nhiều dự án chiếm diện tích đất khá lớn (trồng rừng, chăn nuôi, cây ăn quả...), nhưng hiệu quả thực tế trên 1 ha sử dụng đất thấp.
Vốn đầu tư tập trung chủ yếu ở các vùng thuận lợi, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Bắc Bộ, các vùng khó khăn hơn như Trung du miền núi phía Bắc, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên chưa nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Bốn là, sự liên kết giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất còn ít và chưa chặt chẽ, dẫn đến chi phí cao, khả năng cạnh tranh thấp; chuỗi giá trị ngành hàng bị cắt đoạn, hiệu quả thấp.
Năm là, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp rất thấp. Giai đoạn 2009 - 2013 tỷ lệ dự án và vốn đầu tư tăng nhẹ so với 5 năm trước, chiếm lần lượt là 1,61% và 0,55;các lĩnh vực thu hút FDI chủ yếu là trồng trọt, thủy sản và chế biến nông, lâm sản; nhiều dự án FDI đang trong tình trạng triển khai chậm.
Đối tác đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn chưa đa dạng, chủ yếu đến từ châu Á (Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản...) các nhà đầu tư của các quốc gia lớn có thế mạnh về nông nghiệp như Hoa Kỳ, Canada, Australia và các nước Châu Âu đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều.
II. VỀ GIẢI PHÁP THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN THỜI GIAN TỚI
Để thực hiện chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn nhằm huy động tối đa nguồn lực xã hội và của các thành phần kinh tế vào phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, cần tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau:
Một là, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân trong nước và ngoài nước trong từng lĩnh vực, chuyên ngành thành các nhiệm vụ cụ thể, triển khai đến các địa phương. Trong thời gian tới, tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tổ chức hướng dẫn, đôn đốc các địa phương và đánh giá tình hình thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo các Nghị định của Chính phủ: số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư; số 55/2010/NĐ-CP ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013, số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013… Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, nhất là các doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân theo chuỗi giá trị, doanh nghiệp chế biến, sản xuất giống, vật tư và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động ở nông thôn.
Tập trung đổi mới cách thức tổ chức, nhân rộng các mô hình tiên tiến, hiệu quả phù hợp với từng ngành hàng, lĩnh vực, đặc biệt đối với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; trình Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg theo hướng mở rộng cho cả các lĩnh vực chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản.
Khẩn trương hoàn thành văn bản hướng dẫn và tổ chức tuyên truyền phổ biến Nghị định số 15/2015/NĐ-CP để phát triển đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong sản xuất và xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; rà soát các dự án đang và dự kiến đầu tư để chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các dự án có thể thu phí để hoàn vốn đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực thủy lợi kết hợp cấp nước công nghiệp, sinh hoạt, phát điện; thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, tưới tiết kiệm nước cho các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; các trung tâm nghề cá lớn; các chợ cá, cảng cá kết hợp với dịch vụ hậu cần nghề cá…; phát triển giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản, giống cây lâm nghiệp; bảo quản sau thu hoạch, các phòng kiểm nghiệm chất lượng an toàn thực phẩm; các dự án trồng rừng…
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, quán triệt đến các cấp bộ đảng, từng đảng viên, chính quyền các cấp, doanh nghiệp, người dân về chủ trương, chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn phục vụ tái cơ cấu ngành, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ba là, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển theo các Nghị quyết của Chính phủ: số 19-2016/NQ-CP[3] ngày 28/4/2016và Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016[4]; nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, cung cấp các dịch vụ kiểm dịch động thực vật, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân. Thực hiện đổi mới hình thức quản lý các dịch vụ công trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chuyển dần việc cung cấp một số dịch vụ sang cho tư nhân và các tổ chức xã hội thực hiện
Thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính và tiết kiệm thời gian, kinh phí từ các thủ tục hành chính; rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Thời gian qua, các thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã được công khai hoá và đang tiếp tục được điều chỉnh theo hướng ngày càng đơn giản, dễ tiếp cận và không phân biệt đối xử đối với các thành phần kinh tế. Trên Cổng thông tin điện tử của Bộ đã công khai 622 thủ tục hành chính công của Bộ, ngành. Trong đó có 609 dịch vụ công mức độ 2; 4 dịch vụ mức độ 3, đã triển khai 9 thủ tục hành chính thực hiện hải quan 1 cửa quốc gia cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4.
Về các quy định quản lý chuyên ngành đang được rà soát, chỉnh sửa theo hướng minh bạch và phù hợp với cam kết quốc tế, tháo gỡ nhiều khó khăn, ách tắc trước đây cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng nông, lâm, thủy sản.
Đặc biệt, để triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị với doanh nghiệp ngày 29/4/2016, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị rà soát các thủ tục hành chính, các quy định về điều kiện sản xuất kinh doanh để sửa đổi theo hướng đơn giản nhất; Bộ đã thành lập "Nhóm công tác thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn" với sự tham gia của các cơ quan quản lý thuộc Bộ và các doanh nghiệp nòng cốt đầu tư trong nông nghiệp. Mục đích của Nhóm là thường xuyên tổ chức gặp mặt giữa các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ với doanh nghiệp để giải quyết hoặc kiến nghị giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, nắm bắt những vấn đề phát sinh trong thực tiễn thực hiện chính sách để tháo gỡ khó khăn và hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Bốn là, nâng cao chất lượng quy hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản; nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp. Hoàn thành việc rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp theo Quyết định số 124/2012/QĐ-TTg ngày 02/2/2012 để phục vụ tái cơ cấu ngành; rà soát, điều chỉnh và xây dựng mới các quy hoạch sản phẩm chủ yếu phù hợp với cơ chế chế thị trường để làm cơ sở cho việc định hướng và phân bổ hợp lý, hiệu quả các yếu tố đầu vào phục sản xuất kinh doanh nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn theo định hướng tái cơ cấu.
Năm là, tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách:
- Nghiên cứu, đề xuất chính sách mới thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng liên kết với tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại, gia trại, nông dân để sản xuất nông nghiệp hàng hóa có chất lượng và giá trị gia tăng cao.
- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số chính sách về đất đai, khuyến khích tích tụ ruộng đất để khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
- Nghiên cứu, tổng hợp các kiến nghị và đề xuất sửa đổi Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, theo hướng quy định cụ thể hỗ trợ, ưu đãi hơn cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại vùng đồng bào dân tộc, miền núi, vùng xa, vùng sâu.
- Xây dựng, đề xuất chính sách thúc đẩy xã hội hóa trong hoạt động khoa học, công nghệ; khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết với các Viện, Trường trong đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học, chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong nông nghiệp.
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia đào tạo nghề cho nông dân theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009, số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015.
Để thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trên, cần sự tham gia tích cực của tất cả các thành phần kinh tế từ Trung ương đến địa phương, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt quan trọng.
Tại Hội nghị này, thay mặt Bộ Nông nghiệp và PTNT tôi kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chung tay, góp sức cùng Nhà nước và bà con nông dân phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Chúc các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gặt hái nhiều kết quả, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của ngành nông nghiệp và cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn Việt Nam giàu đẹp, văn minh.
PV
https://kinhtetrunguong.vn
[1]Tăng trưởng số lượng DN NLTS cũng như tổng số DN nói chung giai đoạn 2010-2014 có xu hướng giảm so với giai đoạn trước đó (tăng trưởng ở mức trên 20% giai đoạn 2005-2009) phản ánh khó khăn chung của nền kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn 2012-2013.
[2]Trong 10 tháng đầu năm 2015, số doanh nghiệp NLTS thành lập mới là 1.814 doanh nghiệp tăng 69,37% so với cùng kỳ năm 2014;tuy nhiên, số ngừng hoạt động và giải thể cũng khá lớn 2.019 doanh nghiệp tăng 77,11% so với cùng kỳ năm 2014.
[3]về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.
[4]về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã