Bước ngoặt cho nông nghiệp
Bên cạnh thành tích xuất khẩu nông sản đến hơn trăm quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch năm sau cao hơn năm trước, thì hai điểm yếu lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam là “chi phí cao” và “chất lượng kém” đã được Ngân hàng Thế giới chỉ ra, xuất phát từ điểm nghẽn về quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.
Gần đây, có quan điểm mới về tái cơ cấu nông nghiệp từ cấp vĩ mô, đó là “mở rộng hạn điền, hướng tới tích tụ ruộng đất”. Vậy là, một nút thắt được tháo gỡ, tạo ra một bước ngoặt cho nông nghiệp và nông dân.
Nhờ tăng diện tích canh tác, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện đầu tưthiết bị, máy móc vào sản xuất. Ảnh: H.D |
Không chờ đến khi chủ trương được luật hoá, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long, như cách làm đột phá trong công cuộc Đổi mới hơn 30 năm trước, đã tìm mọi cách để tự cứu mình. Những mô hình tích tụ ruộng đất “mềm” được mày mò tìm kiếm. Đó là các thành viên trong một nhà nhường đất cho một thành viên để mở rộng quy mô sản xuất, các thành viên còn lại chuyển sang làm các dịch vụ kinh doanh khác.
Mô hình này đã chứng minh hiệu quả. Nhờ tăng diện tích sản xuất, nông dân có điều kiện cải tạo đồng ruộng, đầu tư thiết bị máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ, trồng lúa năng suất và chất lượng rất cao. Nhờ sản xuất quy mô lớn, nên giảm được chi phí, tăng chất lượng, lợi nhuận thu được cao hơn khi từng thành viên sản xuất riêng lẻ. Những thành viên còn lại có thời gian để mạnh dạn chuyển đổi sang ngành nghề khác, đầu tư kinh doanh các lĩnh vực phi nông nghiệp, nên cũng được thu nhập cao hơn. Vậy là, “lợi đơn, lợi kép” rồi còn gì!?!
Ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành, Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp |
Tương tự, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động thuê đất, sang nhượng đất đai của nông dân để mở rộng dần quy mô sản xuất. Như vậy, câu chuyện về “cái bẫy” sản xuất quy mô nhỏ làm hạn chế sự cạnh tranh đã có một “lời giải” ngay trên đồng ruộng.
Về lý thuyết kinh tế học, lợi thế theo quy mô đã chỉ rõ những ưu điểm chắc khỏi phải phân tích thêm. Chính vì vậy, chủ trương tích tụ hay tập trung ruộng đất từ cấp vĩ mô sẽ là một bước đột phá để phát triển nông nghiệp bền vững. Điều đó phù hợp với chủ trương “cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu”, phù hợp với xu thế của thị trường. Một nền “nông nghiệp thông minh” gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ có điều kiện hiện thực hoá.
Xuất hiện những bất cập mới
Tưởng như mọi chuyện đều trôi chảy như quy luật vốn có, nhưng xuất hiện những bất cập mới. Truyền hình đã đưa tin ở châu Âu, nông dân có vụ mùa rủi ro vì quy mô sản xuất quá lớn, hàng hoá rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa. Vậy là, đôi khi thấy vậy mà chưa chắc là như vậy. Nếu mở rộng quy mô sản xuất đơn thuần chỉ để tăng sản lượng nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thì có thể dẫn đến hệ quả là cung vượt cầu. Và lời nguyền “được mùa, mất giá” sẽ lại tiếp diễn.
Có hợp tác xã “ăn nên làm ra” rồi đi thuê đất bên ngoài để mở rộng quy mô sản xuất. Lúc đầu thì coi bộ ngon lắm, nhưng rồi teo tóp dần do tính toán sai lầm chi phí, do tầm quản trị có hạn, do chưa chuẩn bị nguồn nhân lực, do khả năng dự báo thị trường kém... Đúng như cha ông đã cảnh báo: “Trật con toán, bán con trâu”.
Không chỉ hợp tác xã của nông dân, những người chưa tiếp cận kiến thức kinh tế, chưa nắm được quy luật thị trường, có doanh nghiệp một thời đình đám, nhưng chỉ thất bại một vài thương vụ là “tán gia bại sản”. Tất cả nằm ở tầm quản trị nội bộ, quản trị rủi ro, quản trị dòng vốn, bên cạnh những sai lầm về dự báo thị trường...
Như vậy, mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất là một chính sách phù hợp. Tuy nhiên, lời giải cho một ẩn số về quy mô tích tụ bao nhiêu là vừa sẽ còn được bàn thảo nhiều. Chắc sẽ khó mà khẳng định cứng một con số nào đó, vì còn nhiều yếu tố tác động, phụ thuộc vào đặc điểm vùng miền, ngành hàng nông sản, năng lực của doanh nghiệp hoặc nông dân.
Tiến trình tích tụ ruộng đất không đơn giản là con số cộng cơ học. Đó phải đồng thời là quá trình tiến dần đến hình thành các chuỗi ngành hàng kết hợp công nghệ cao, thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0. Chính phủ đã chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. Tăng quy mô sản xuất phải đồng thời xây dựng chuỗi ngành hàng nông sản, tạo ra những giá trị thặng dư trong các khâu: thu hoạch, bảo quản, chế biến, đóng gói...
Tiến trình này sẽ chuyển lao động từ sản xuất nông nghiệp thành công nhân trong các khâu trong chuỗi ngành hàng. Chương trình đào tạo nghề phi nông nghiệp cho những người từng là nông dân sẽ hỗ trợ cho tiến trình như vậy. Ngược lại, có thể xuất hiện những vấn đề xã hội đối với một bộ phận nông dân không còn đất sản xuất, mà cũng không thể chuyển đổi nghề nghiệp hoặc đến các đô thị lớn làm công nhân công nghiệp.
Mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất cũng là điều kiện thu hút trí thức về với đồng ruộng, “tri thức hoá” nông dân thích ứng với nền nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Như vậy, cần xem tích tụ ruộng đất của doanh nghiệp, hợp tác xã hay người nông dân như một dự án đầu tư để có sự tính toán đồng bộ những yếu tố đầu vào và đầu ra.
Khi ấy, không chỉ mở rộng quy mô sản xuất đơn thuần, mà còn là và phải là công nghệ, là thị trường, là nguồn nhân lực, là kiến thức quản trị, là xây dựng chiến lược sản xuất - kinh doanh dài hạn... Một khi xem như một dự án thì sẽ xác định được chính sách của Nhà nước tác động vào đâu là phù hợp nhất để làm bật ra những giá trị bền vững: vốn đầu tư, kiến thức kinh tế, khoa học công nghệ, hay dẫn dắt thị trường...
Theo “tư duy sản xuất nông nghiệp, thì sự hỗ trợ của Nhà nước là để nông dân đạt được sản lượng cao nhất. “Tư duy kinh tế nông nghiệp” là phải giúp người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đủ kiến thức để trả lời các câu hỏi: sản xuất cái gì, sản xuất cho ai, sản xuất như thế nào để thu được lợi nhuận cao nhất.
Những câu hỏi đó có từ thời nhân loại bước vào nền kinh tế thị trường và vẫn đang đánh đố nông dân Việt Nam. Những câu hỏi đó chỉ được trả lời bằng các dự án cụ thể, trên từng cánh đồng cụ thể. Nếu không, có thể sẽ chuyển từ rủi ro sản xuất nhỏ sang rủi ro sản xuất lớn, rủi ro cả về mặt kinh tế và xã hội.
Nguồn: baodautu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã