Để bạn đọc cập nhật được những con số thống kê, cũng như kinh nghiệm trong việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) của các sản phẩm Việt Nam hiện nay, bên lề hội nghị, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Hữu Nam- Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học & Công nghệ
Xin ông cho biết thực trạng của việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam hiện nay?
Việt Nam là nước nông nghiệp nên có nhiều sản phẩm đặc sản là nông sản. Theo số liệu thống kê, Việt Nam có hơn 800 sản phẩm đặc sản của các địa phương. Tuy nhiên, các sản phẩm thực sự đáp ứng yêu cầu để đăng ký bảo hộ CDĐL chỉ có 43 sản phẩm đã được cấp Bằng Bảo hộ CDĐL, trong đó có 39 bằng cấp cho CDĐL Việt Nam và 4 bằng cấp cho CDĐL nước ngoài. Con số đó cho thấy, số lượng đăng ký CDĐL còn quá khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội cũng như của các địa phương. Do đó, chúng tôi đang tiến hành để tiếp tục hướng dẫn, cũng như hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN), địa phương để xây dựng CDĐL của Việt Nam.
Ông Trần Hữu Nam - Phó Cục trưởng Cục SHTT |
Như các bạn đã biết, Chính phủ rất quan tâm đến việc bảo hộ CDĐL các sản phẩm của địa phương, với mục đích cải thiện, phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương, đặc biệt là những nơi xa xôi, khó khăn. Các sản phẩm đó có thể là các loại nông sản, thủy sản, các sản phẩm thủ công truyền thống. Theo tinh thần đó, Quốc hội đã thông qua các văn bản quy phạm pháp luật, ví dụ như: Luật dân sự 1995 đã quy định đối tượng được bảo hộ là tên gọi xuất xứ; hay Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã có một bước tiến quan trọng là có bộ Luật riêng về sở hữu trí tuệ, trong đó có quy định riêng về CDĐL bao gồm tiêu chuẩn, điều kiện quy định về CDĐL. Đương nhiên, việc đăng ký này cho phép cả người Việt Nam lẫn người nước ngoài.
Tuy nhiên, để đăng ký CDĐL bắt buộc sản phẩm phải có một số đặc tính nhất định như danh tiếng nhờ xuất xứ địa lý của sản phẩm, có tính chất, chất lượng đặc thù và được sản xuất theo phương pháp truyền thống.
Những chính sách của Nhà nước về bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã được Cục sở hữu trí tuệ triển khai như thế nào, thưa ông?
Hiện Chính phủ đang có một số chính sách hỗ trợ cho các địa phương cũng như các hiệp hội, làng nghề, những sản phẩm có khả năng đáp ứng được điều kiện để có thể trở thành CDĐL. Các sản phẩm chưa đáp ứng điều kiện này có thể đăng ký thông qua các hình thức khác như nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận. Chính phủ đã có 2 chương trình hỗ trợ cho DN và địa phương, các khu vực để sử dụng CDĐL, được thực hiện trong hai giai đoạn, từ 2005 – 2010 và 2010 - 2015. Bên cạnh đó, Chính phủ còn hỗ trợ về các thủ tục, thu hẹp thời hạn xem xét đánh giá sản phẩm, xây dựng các tiêu chuẩn CDĐL phù hợp với tiêu chuẩn của các sản phẩm của các làng nghề.
Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đang tiếp tục đề nghị Chính phủ hỗ trợ cho chương trình tiếp theo trong giai đoạn 2016- 2021. Chúng tôi cũng có nhiều chương trình giúp địa phương để người dân, nhà sản xuất hiểu biết hơn về quy định pháp luật, xây dựng các chương trình tập huấn, giới thiệu cho bà con nông dân các văn bản pháp luật, hay hướng dẫn cho bà con về các phương thức sản xuất để làm sao đáp ứng được các điều kiện về CDĐL của Việt Nam.
Vậy, nếu doanh nghiệp đăng ký chỉ dẫn địa lý thời điểm này thì có tốn kém không? Những điểm thuận lợi khi các sản phẩm được bảo hộ CDĐL là gì? Các sản phẩm không được bảo hộ khi mất thương hiệu sẽ chịu hậu quả thế nào, thưa ông?
Việc các sản phẩm được bảo hộ CDĐL sẽ tạo điều kiện giúp người dân, các địa phương, các hiệp hội làng nghề cũng như nhà sản xuất tiếp cận với các quy định dễ dàng hơn. Trước kia Việt Nam có rất nhiều sản phẩm có danh tiếng nhưng chưa được đăng ký CDĐL, chưa có cơ sở pháp lý để xử lý các vụ vi phạm làm giả, nhái sản phẩm. Đơn cử với sản phẩm nước mắm Phú Quốc, trước kia khi chưa có bảo hộ CDĐL ai cũng có thể đóng chai, dán nhãn Phú Quốc mà không đúng với đặc thù, chất lượng của loại nước mắm này. Nhưng sau khi có bảo hộ CDĐL thì giá trị sản phẩm đã được nâng cao, thương hiệu được khẳng định.
Hơn thế nữa, phải có đăng ký CDĐL, các sản phẩm của chúng ta mới dễ dàng được phát triển, quảng bá và có cơ hội xuất khẩu cao, tiếp cận được những thị trường khó tính. Điều đáng mừng là hiện nay, thị trường châu Âu (EU) đang rất ủng hộ sản phẩm của Việt Nam có CDĐL được đăng ký ở EU để xuất vào thị trường này. Đây cũng là một trong những vấn đề được đưa ra trong tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU.
Tuy nhiên, nếu sản phẩm của chúng ta đã đăng ký CDĐL trong nước mà không đăng ký ở nước ngoài cũng sẽ gặp nhiều bất lợi. Đã có những trường hợp các sản phẩm Việt Nam rất có giá trị nhưng bị các công ty nước ngoài lấy mất thương hiệu. Ví dụ cà phê Buôn Ma Thuột dù đã được đăng ký ở Việt Nam nhưng vì chúng ta không triển khai hoạt động đăng ký, quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra nước ngoài nên đã bị một công ty của Trung Quốc đăng ký mất.
Thực tế cho thấy, chi phí để đăng ký CDĐL không cao mà hiện nay Việt Nam chỉ có duy nhất nước mắm Phú Quốc được bảo hộ CDĐL ở nước ngoài. Việc đăng ký nước mắm Phú Quốc theo CDĐL ở EU lại không mất khoản chi phí nào. Tuy nhiên chúng ta phải chịu sự giám sát nghiêm ngặt khi hoàn tất các thủ tục theo yêu cầu cao của EU.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hường - Kim Tuyến
theo baocongthuong
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã