Phát huy thế mạnh về mạng lưới và giữ thị phần chi phối đối với thị trường nông thôn, Agribank Quảng Ngãi xác định rõ mục tiêu, vai trò chủ lực trong đầu tư tín dụng phát triển khu vực “tam nông”. Trên cơ sở đó, chủ động cân đối nguồn vốn, triển khai có hiệu quả chương trình cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ.
Vốn ngân hàng giúp nông dân tự tin vươn lên làm giàu |
Với ưu thế mạng lưới rộng khắp, những năm qua Agribank Quảng Ngãi đẩy mạnh đầu tư tín dụng, nhất là tín dụng phục vụ phát triển “tam nông”, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Trong đó, chú trọng cho vay chi phí sản xuất mùa vụ đối với cây trồng, vật nuôi, thu mua, chế biến lương thực, hàng hóa nông sản, thực phẩm, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản; trồng rừng, thu mua, sản xuất chế biên lâm sản; đầu tư vốn phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ phi nông nghiệp...
Nguồn tín dụng của Agribank giúp nhiều địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân, góp phần thực hiện tốt chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Nói về đầu tư tín dụng nông nghiệp, nông thôn, Giám đốc Agribank Quảng Ngãi Đinh Văn Công chia sẻ, thời gian qua, đơn vị đã chủ động cung cấp vốn tín dụng cho người dân để phát triển kinh tế. Đặc biệt, các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, hộ cá thể đã phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, giúp bà con vươn lên làm giàu trên chính mãnh đất quê hương… Nhờ được tiếp cận nguồn vốn Agribank kịp thời mà hàng ngàn nông dân ở Quảng Ngãi đã vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu.
Để minh chứng cho sự sinh sôi của đồng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn trên địa bàn Quảng Ngãi, cán bộ tín dụng của Agribank đưa chúng tôi đi thăm một số huyện miền núi còn nhiều khó khăn, có địa phương nằm trong “diện 30A” như Ba Tơ, Sơn Hà…
Đúng là lâu lắm mới trở lại huyện miền núi Ba Tơ, vùng đất cách mạng, với nhiều chiến công lùng lẫy. Nhất là cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp của Đội du kích Ba Tơ đã đi vào sử sách. Lâu ngày mới trở lại, nên chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi rất rõ rệt. Từ cơ sở hạ tầng “điện đường trường trạm”, hệ thống giao thông… Trong đó, phải kể đến nhà cửa, cơ ngơi của người dân được đầu tư xây dựng khang trang… Giờ đây, cuộc sống người dân được ấm no, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số. Họ đã biết vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo ông Đinh Văn Công, Giám đốc Agribank Quảng Ngãi: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Vì thế, với phương châm “bám sát dân, hiểu dân, gần dân” nên những năm qua Agribank Quảng Ngãi đã tích cực đưa nguồn vốn đến tận tay người nông dân, nhờ đó đạt được nhiều kết quả tốt. |
Đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của vợ chồng anh Đỗ Văn Cảnh và chị Nguyễn Thị Tuyết Anh, xã Ba Động, huyện Ba Tơ, đập ngay vào mắt của đoàn công tác là một vườn ươn giống cây keo lai rộng hàng ngàn mét vuông xanh tốt. Anh Cảnh chỉ tay vào các luống keo non mơn mởn cho hay, để có được cơ hàng này, gia đình đã mất hàng chục năm đầu tư, từ cải tạo đất, đến học hỏi kinh nghiệm ươm giống từ các tỉnh lân cận. Đặc biệt, điều anh Cảnh tâm đắc là Agribank Quảng Ngãi đã kịp thời tiếp vốn cho những nông dân mạnh dạng thay đổi cách nghĩ, cách làm. "Nếu có đất, có sức lực mà không có vốn thì cũng đành bó tay!" - anh Cảnh tâm sự.
Nói về vốn vay thì chị Tuyết Anh rõ hơn cả, năm 2009, gia đình vay 300 triệu đồng từ Agribank huyện Ba Tơ, qua nhiều lần vay và trả nợ, đến nay còn dư nợ hơn 100 triệu đồng. Nhờ có nguồn vốn Agribank, gia đình đã xây dựng được trang trại gần 10ha theo mô hình kinh tế tổng hợp gồm chăn nuôi bò, lợn, gà, ao cá. Cùng đó là hàng chục hecta rừng trồng thương mại – keo lai.
Hiện cơ ngơi của gia đình anh Cảnh, chị Tuyết Anh có một trang trại nuôi lợn, 5 con bò giống, 8ha rừng, 1 hồ nuôi cá cùng vườn ươm keo giống. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình lãi vài trăm triệu đồng. Không những thế, trang trại của gia đình anh còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động, với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Cảnh chia sẻ thêm, trước đây gia đình thuộc diện hộ nghèo, đời sống khá khó khăn, nhưng từ khi có nguồn vốn Agribank, gia đình có cơ hội đầu tư mở rộng sản xuất nông nghiệp, đến nay vươn lên thoát nghèo, có tiền xây nhà mới khang trang và nuôi con ăn học.
Mô hình kinh tế của vợ chồng chị Đinh Thị Thọ và anh Đinh Văn Uổi, người dân tộc Hre (thôn Canh Mo, xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà, tỉnh Quãng Ngãi) cũng đạt được hiệu quả khá cao. Chị Thọ cho biết: “Năm 2012, gia đình tôi vay 100 triệu đồng của Agribank về nuôi bò, trồng keo, sản xuất mì (sắn). Cũng từ nguồn vốn này, hiện tôi có 1 đàn bò 10 con, với 5 con bò sinh sản, 5ha rừng trồng keo, 1,5ha sắn. Hàng năm thu nhập từ đàn bò, sản xuất sắn, keo, sau khi trừ các khoản chi phí, trả lãi ngân hàng, gia đình tôi cũng thu được khoảng 200 triệu đồng tiền lãi."
Đến 31/5/2018, dư nợ cho vay trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn Agribank Quảng Ngãi đạt 7.425 tỷ đồng; chiếm 85,2% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,97%/dư nợ cho vay. Năm 2018, chi nhánh triển khai điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dụng; đã thực hiện được 10 phiên giao dịch tại các xã Sơn Linh, Sơn Hạ, Sơn Kỳ. Việc triển khai điểm giao dịch lưu động tạo cho khách hàng có thói quen nộp lãi vào ngày cố định, góp phần nâng cao tỷ lệ thu lãi và hạn chế nợ xấu. |
Sau khi đi thăm các mô hình sản xuất của bà con, lãnh đạo Agribank Ba Tơ và Agribank Sơn Hà đã chia sẻ với chúng tôi về hiệu quả của nguồn vốn. Theo Giám đốc Agribank Ba Tơ Nguyễn Văn Nam, tuy quy mô của chi nhánh còn khiêm tốn, song xét về hiệu quả thì “cũng không đến nỗi nào”. Điểm khác biệt ở chỗ đa số khách hàng là bà con nông dân người đồng bào H’rê (chiếm đến 83,82% dân số toàn huyện), đời sống còn nghèo và chủ yếu làm nông nghiệp. Nhưng bà con vay vốn làm ăn rất tốt, vay - trả sòng phẳng. Vốn vay ban đầu chỉ với 5 - 10 triệu đồng để mua cây giống trồng rừng nguyên liệu (cây keo lai), nhưng nhiều hộ đã làm nên sự nghiệp. Không những xây nhà kiên cố, mua sắm xe máy, trang thiết bị sinh hoạt gia đình mà nhiều hộ còn tái đầu tư phát triển mở rộng diện tích rừng... Hiện tại trên 50% dư nợ cho vay của Agribank Ba Tơ là đầu tư phát triển rừng nguyên liệu keo lá tràm. Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư của Agribank góp phần đáng kể vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương
Còn ông Đinh Xuân Loan, Giám đốc Agribank Sơn Hà chia sẻ, Sơn Hà là huyện miền núi của Quảng Ngãi, đời sống của đại bộ phận bà con còn nhiều khó khăn. Đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ khi có nguồn vốn Agribank cho vay phát triển sản xuất, chăn nuôi đã giúp cho hàng ngàn bà con nông dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Trong đó, tiêu biểu có hàng trăm gia đình như bà Đinh Thị Thọ vươn lên không những thoát nghèo mà còn làm giàu chính đáng...
Có thể nói, nhờ có sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự đoàn kết của đồng bào các dân tộc, nhất là nguồn vốn đầu tư của ngân hàng góp phần tạo sự chuyển động tích cực, khởi sắc trong phát triển kinh tế - xã hội vùng núi Quảng Ngãi. Nhiều hộ dân được tiếp cận vốn vay ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế hộ, vươn lên làm giàu, góp phần thay đối đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân...
Bài và ảnh Công Thái/ Thời báo ngân hàng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã