Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có hơn 22 nghìn ha rau, hoa, cây đặc sản sản xuất theo hướng CNC. Riêng trong đó: rau CNC có gần 19 nghìn ha (93,7% diện tích canh tác), giá trị sản xuất 450 triệu đồng/ha, sản lượng xuất khẩu năm 2017 đạt hơn 10 nghìn tấn, thu về 27,7 triệu USD; hoa CNC có khoảng 3.600 ha (giá trị sản xuất 800 triệu đồng/ha), sản lượng xuất khẩu 2017 thu về 34 triệu USD...
Cùng với đó là 4.040 ha nhà kính (2.070 ha rau, 1.970 ha hoa) với 50 ha nhà kính nhập khẩu đồng bộ có giá trị trên 20 tỷ đồng/ha; 694 ha ứng dụng công nghệ điều khiển tự động, bán tự động về nhiệt độ, độ ẩm, cường độ và thời gian chiếu sáng; 19.507 ha rau, hoa ứng dụng hệ thống tưới kết hợp châm phân tự động.
Sản phẩm nông nghiệp CNC hiện chiếm trên 30% giá trị sản xuất của ngành; 1 ha đất canh tác mang lại 320 triệu đồng (cao gấp 2 lần, năng suất bình quân cao hơn từ 30 - 50% so với sản xuất thông thường); lợi nhuận trồng hoa đạt trung bình 800 triệu đồng/ha, riêng hoa ly cao cấp đạt 4,4 tỷ đồng/ha.
Kết quả ứng dụng CNC trong trồng rau cũng khá ấn tượng, đạt 480 triệu đồng/ha (rau cao cấp đạt 3 tỷ đồng/ha), trong khi đó chè đạt từ 150-264 triệu đồng/ha, dược liệu đạt 200 triệu đồng/ha, và cà phê 157 triệu đồng/ha.
Để đáp ứng nhu cầu sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trồng trọt CNC của tỉnh, năm 2017 có 30 công ty nhập khẩu 66 chủng loại giống cây trồng (64,4 triệu cây/ngọn/củ, giống hoa, quả và 8 tấn hạt giống rau các loại, 917 tấn củ khoai tây giống) tại 21 nước về gieo tại địa phương.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, trình độ sản xuất nông nghiệp CNC của địa phương đã tương đương Thái Lan, Malaysia, cụ thể là ứng dụng công nghệ nhân giống vô tính, cơ giới hóa trong làm đất, chăm sóc, thu hoạch để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt; hệ thống cảm biến trong điều khiển ẩm độ, nhiệt độ; công nghệ chế biến sâu sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu như chè Olong, chè xanh, và chè đen.
Đơn cử, trên cây cà chua, công nghệ ghép đã áp dụng rộng rãi, còn các loại cây họ cà khác như cà tím, ớt ngọt đang từng bước ứng dụng công nghệ ghép trong sản xuất giống.
Người dân Lâm Đồng thường xuyên sử dụng màng phủ nông nghiệp 3-5 lớp có tác dụng chống tia cực tím, khuếch tán ánh sáng, hạn chế côn trùng, chống bám bụi và độ bền cao (5-7 năm).
Thống kê cho thấy ngành nông nghiệp địa phương đang quản lý 1.037 ha nhà lưới, 8.268 ha màng phủ nông nghiệp và 24.388 ha tưới tự động.
Hàng năm, trên 15% lượng thuốc bảo vệ thực vật chế phẩm sinh học được sử dụng trong canh tác cây trồng CNC. Bên cạnh việc sản xuất, nhập khẩu nhiều loại phân bón thế hệ mới (công nghệ Nano, công nghệ sinh học, công nghệ vi sinh…) cũng xuất hiện trong canh tác thủy canh, trồng trên giá thể.
Canh tác không dùng đất được ứng dụng vào gieo ươm trên 02 tỷ cây giống thương phẩm rau hoa và cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm; diện tích thủy canh đạt 20 ha, giá thể 50 ha (xơ dừa), khí canh cũng đã bước đầu thử nghiệm trên quy mô nhỏ.
Cũng như nhiều địa phương khác đang nỗ lực khắc phục điểm yếu trong quy trình sau thu hoạch, tỉnh Lâm Đồng đã ghi những kết quả tích cực trong ứng dụng công nghệ phân loại sản phẩm theo kích thước, màu sắc sản phẩm. Các thành phẩm được đóng gói có nhãn mác, mã vạch, mã phản hồi nhanh để truy xuất nguồn gốc, kiểm tra thông tin và xuất xứ hàng hóa dễ dàng bằng smart phone tạo niềm tin cho khách hàng.
Tới nay, tổng diện tích ứng dụng công nghệ cảm biến điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, CO2, cường độ ánh sáng trong canh tác rau, hoa cây đặc sản đạt 24,4 ha. Hiện có 15 đơn vị ứng dụng Mạng lưới vạn vật kết nối (Internet of Things) vào sản xuất, giảm chi phí nhân công trên 30%, đồng thời hỗ trợ kiểm soát quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm…
Nhờ việc mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại và tổ chức lại bộ máy sản xuất theo hướng ứng dụng CNC, nhiều nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã ctrên địa bàn trở thành vệ tinh cho các doanh nghiệp.
Thông qua các kỳ hội chợ, triển lãm, xúc tiến giới thiệu sản phẩm, các sở ngành tỉnh Lâm Đồng đã chủ động liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản CNC với thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và các Miền Trung - Tây Nguyên. Nhờ vậy, hiện có khoảng 60% sản lượng ứng dụng CNC được tiêu thụ qua hợp đồng, cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh (30%), luôn đảm bảo có tem nhãn của từng đơn vị gắn với mã vạch QR.
Trên cơ sở những sản phẩm đặc trưng gắn với quá trình hình thành và phát triển của Đà Lạt - Lâm Đồng bao gồm rau, hoa, cà phê và du lịch canh nông, toàn tỉnh hiện có 19 nhãn hiệu chỉ dẫn tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước được công nhận gồm: trà B’Lao, rau Đà Lạt, hoa Đà Lạt, cà phê Di Linh, dứa Cayene Đơn Dương, cà phê Arabica Langbiang, sầu riêng Đạ Huoai, diệp hạ châu Cát Tiên, gạo nếp quýt Đạ Tẻh, mác mác Đơn Dương, tơ lụa Bảo Lộc, cà phê cầu đất Đà Lạt, lúa gạo Cát Tiên, rượu cần Langbiang, chuối Laba, nấm Đơn Dương, cá nước lạnh Đà Lạt, bánh tráng Lạc Lâm, và mây tre đan Madaguoi.
Thống kê cho thấy, các sản phẩm này bước đầu đã phát huy hiệu quả và được phân phối trong hệ thống các siêu thị có uy tín trong nước như Coopmart, BigC, MM Mega Market đồng thời tham gia vào thị trường xuất khẩu. Sản lượng sản phẩm bình quân của các doanh nghiệp tăng khoảng 30%, giá trị thương phẩm tăng 15% so với khi doanh nghiệp chưa sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
Theo Nghị quyết của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, đến năm 2020 giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích đạt 170 triệu đồng/ha/năm, có 20% diện tích đất canh tác ứng dụng CNC theo tiêu chí mới, đạt 35-40% giá trị sản xuất của ngành; ít nhất 50% sản phẩm CNC được tiêu thụ qua chuỗi thực phẩm an toàn.
Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng định hướng đến năm 2025 có giá trị sản xuất đạt trên 220 triệu đồng/ha/năm, ít nhất 70% diện tích được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn và bền vững, trong đó tập trung thực hiện công tác quy hoạch; xây dựng các cơ chế, chính sách; thực hiện các chương trình, đề án, dự án trọng tâm để thúc đẩy phát triển nông nghiệp một cách toàn diện; đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng CNC theo hướng đồng bộ, hiện đại nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nông sản.../.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã