Hiện một số trang trại thanh long ở Bình Thuận đang nỗ lực sản xuất theo quy trình Thực hành Nông nghiệp tốt Toàn cầu (GlobalGAP) để có thể xuất khẩu đến nhiều thị trường.
Tiên phong trồng thanh long GlobalGAP
Có kinh nghiệm hơn 20 năm trồng và xuất khẩu thanh long, ông Trần Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận cho rằng, trong thời kinh tế hội nhập, Bình Thuận cần sản xuất theo hướng an toàn - đảm bảo sức khỏe cộng đồng, mới mong được nhiều nước chấp nhận. Nhìn xa trông rộng, từ năm 2007, Công ty Thanh long Hoàng Hậu của ông Hiệp đã xây dựng trang trại thanh long GlobalGAP quy mô hơn 300ha tại thị trấn Thuận Nam và xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam. Trong đó, gần 100ha đã được cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn GlobalGAP.
Ông nói: “Trồng thanh long sạch, trước hết là vì trách nhiệm với xã hội và đảm bảo lợi ích người tiêu dùng. Có thể hiệu quả chưa cao, nhưng đó là chiến lược lâu dài trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.”
Lâu nay, Trung Quốc là thị trường chủ lực của công ty. Nhưng với tình hình như hiện nay, Thanh long Hoàng Hậu đang đưa loại đặc sản này đến với nhiều thị trường hơn. Với diện tích thanh long đạt tiêu chuẩn GolbalGAP hiện có, Công ty Thanh long Hoàng Hậu đã và đang mạnh dạn tìm kiếm các thị trường mới ngoài Trung Quốc. “Sắp tới chúng tôi mở ra thêm thị trường châu Âu và các Tiểu Vương quốc Ả Rập. Vì đấy là thị trường cho trái thanh long ổn hơn so với thị trường lân cận”- ông Hiệp cho biết thêm.
Đầu tư lớn, khó chăm sóc…
Trang trại thanh long sản xuất theo quy trình GlobalGAP hoàn toàn khác với các trang trại thanh long bình thường. Trước hết, trang trại phải có quy mô lớn, được phân ra thành từng khu, từng lô theo thứ tự dễ dàng quản lý và ghi chép quy trình kỹ thuật.
Được xây dựng tại xã Hàm Minh trên diện tích 20ha, Trang trại thanh long GlobalGAP của Doanh nghiệp tư nhân Rau quả Bình Thuận có 6 khu từ A-F. Mỗi khu như vậy lại được chia ra làm 4 lô. Mỗi lô có từ 700-900 trụ trồng theo trật tự hàng lối thẳng tắp.
Hiện nay, mỗi ngày 20 công nhân của trang trại chăm sóc vườn theo kế hoạch lập sẵn một cách khoa học, vừa đảm bảo sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm cung ứng sản phẩm ra thị trường. Kỹ sư Đinh Tấn Linh - Quản lý kỹ thuật tại Trang trại thanh long GlobalGAP Rau quả Bình Thuận cho biết: “GlobalGAP nó cũng có cái khó. Thứ nhất là đòi hỏi về kỹ thuật. Thứ hai, công việc của mình phải được sắp xếp theo một hệ thống bài bản. Rồi phải ghi chép nhật ký công việc hằng ngày phải cụ thể.”
Việc ghi chép nhật ký nhằm đảm bảo cho việc truy nguyên nguồn gốc khi nông sản có vấn đề về chất lượng. Lúc xảy ra sự cố dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ cần lật lại nhật ký là có thể biết được do lỗi bởi khâu nào.
Vì sản xuất theo quy trình tỉ mỉ từng khâu từ làm đất, xuống giống, chăm sóc cho đến thu hoạch và bảo quản, do vậy chi phí đầu tư sản xuất của trang trại thanh long GlobalGAP cao hơn từ 30 đến 40%. Đổi lại, thanh long sạch xuất qua châu Âu có giá trên dưới 1 USD/kg, hơn hẳn thanh long thường.
… Nhưng là hướng sản xuất bền vững
Trang trại thanh long Rau quả Bình Thuận được đầu tư xây dựng vào năm 2011. Đây là năm đầu tiên trang trại này cho thu hoạch với sản lượng gần 400 tấn. Phần lớn được xuất khẩu chính ngạch qua thị trường châu Âu và nhiều nước khác. Thanh long của trang trại được các thị trường khó tính đón nhận là nhờ trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đảm bảo các tiêu chuẩn về rào cản kỹ thuật, an toàn cho người tiêu dùng.
Ông Võ Tính - Trưởng phòng Kế hoạch Xuất khẩu – Danh nghiệp tư nhân Rau quả Bình Thuận cho biết: “Vì hiện nay người tiêu dùng của dần dần nhận thức được rằng vấn đề an toàn thực phẩm rất là quan trọng. Nhất là người tiêu dùng quốc tế thì người ta đòi hỏi chất lượng rất là cao. Chính vì vậy, chúng ta phải đi theo con đường đó nếu muốn đảm bảo được nguồn hàng trái cây Việt Nam, nhất là thanh long Bình Thuận xuất khẩu mang tính lâu dài.”
Toàn tỉnh Bình Thuận có 11 trang trại trồng thanh long được cấp chứng chỉ sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín tại Bình Thuận cũng đã kết nối được với hệ thống phân phối rau quả tại nhiều nước châu Âu.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch, trở ngại lớn nhất để thanh long sạch đến với thị trường này là vận chuyển bằng đường biển quá xa, tỷ lệ hư hao nhiều. Do vậy, tới đây với việc áp dựng công nghệ bảo quản tốt hơn, thanh long sạch của Bình Thuận sẽ được tiêu thụ mạnh tại thị trường châu Âu và nhiều quốc gia trên thế giới.