Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác hết những lợi thế do hội nhập kinh tế quốc tế đem lại. Đồng thời, đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới liên quan đến nâng cao vị thế cạnh tranh, các vấn đề liên quan đến bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, trình độ công nghệ sản xuất.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, song song với những việc triển khai trong nước, Việt Nam đang tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng với việc tham gia đàm phán ký kết thêm nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và liên khu vực. Bối cảnh hội nhập tạo thêm nhiều cơ hội và thách thức cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Với các ưu đãi về thuế của các khuôn khổ FTA mà Việt Nam đang và sẽ tham gia, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các thị trường nhập khẩu rộng lớn. Bên cạnh đó, các nông sản Việt Nam cũng chịu sức ép cạnh tranh ngày càng nhiều hơn ở thị trường trong nước và nước ngoài.
Còn theo Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Trần Công Thắng, khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều nông sản Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế để xuất khẩu sang thị trường các nước. Trong đó, có thể kể đến thanh long xuất sang New Zealand; xoài, thanh long sang Úc; vải, nhãn, xoài sang Hoa Kỳ. Đồng thời, việc hội nhập cũng mang lại nhiều lợi thế cho các ngành hàng về thủy sản, kế đến gồm sản phẩm gạo, cà-phê, điều, tiêu, cao su, đồ gỗ. Các sản phẩm về chăn nuôi, mía đường sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.
Cụ thể, trên lĩnh vực cà-phê, theo Hiệp hội ngành hàng cà-phê, ca cao Việt Nam, niên vụ 2014 - 2015 là niên vụ đầy biến động với giá cà-phê lên xuống liên tục, nguyên nhân do tác động của vấn đề tài chính thế giới. Đồng thời, việc kinh doanh theo lối truyền thống, ít tham gia các công cụ kinh doanh nhằm kiểm soát rủi ro là những khó khăn của ngành hàng cà-phê Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Theo các đại biểu, cần nâng cao hiểu biết về hội nhập, tuyên truyền nội dung của các hiệp định và những tác động đến các cơ quan quản lý nông nghiệp, doanh nghiệp, thương lái, nông dân, hợp tác xã. Hỗ trợ xây dựng hệ thống tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu, chống hàng nhập khẩu kém chất lượng.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, hợp tác đầu tư, xây dựng thông tin, mạng lưới thương mại giữa các nước, phổ biến các quy định, cập nhật chính sách cho các nhà đầu tư, xuất nhập khẩu. Tổ chức diễn đàn trao đổi thông tin, kết nối doanh nghiệp các nước. Đánh giá, nghiên cứu thị trường, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp trong nước, người nông dân.
Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác trong nghiên cứu khoa học, đào tạo, tăng cường trao đổi khoa học công nghệ giữa các nước, tận dụng cơ hội hội nhập để tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến về giống, lai tạo, công nghệ cao trong canh tác, chế biến, bảo quản,… Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, đào tạo về nông nghiệp; hợp tác bảo vệ và phát triển bản quyền tại các nước.
Theo Nhân Dân
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã