Mỗi tuần 2 lần, Công ty huy động lực lượng tiến hành nạo vét kênh mương tăng hiệu quả điều tiết nước phục vụ sản xuất vụ xuân. |
Sau khi kết thúc vụ hè thu, đồng ruộng ngơi nghỉ suốt 3-4 tháng liền. Vậy nhưng, mỗi tuần 2 lần, những công nhân của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh vẫn đều đặn cuốc cỏ, gom rác, nạo vét lòng kênh. Hôm chúng tôi đến là ngày ra quân tổng lực của toàn công ty nên không khí lao động hết sức rộn ràng, sôi nổi.
Ông Thái Đình Tính - Cụm trưởng Cụm 4-6-8 Kẻ Gỗ cho biết: “Bắt đầu từ đầu tháng 12, đợt ra quân tổng lực này kéo dài trong 1 tuần, các cụm phải huy động lực lượng tập trung nạo vét tất cả các tuyến kênh do công ty quản lý trước khi bước vào vụ sản xuất mới. Năm nay, tình hình hạn hán sẽ “căng” hơn, vì thế, chúng tôi càng phải tập trung cao độ. Làm thủy lợi, khơi thông dòng chảy tốt sẽ tạo thông thoáng để nước về với đồng ruộng, cũng là cách giúp công ty tiết kiệm nước”.
Tuyến kênh chính N1 của Kẻ Gỗ có chức năng phục vụ diện tích tưới rộng, đi qua nhiều địa phương; cũng là tuyến kênh bị bồi lắng nặng nhất. Càng về đầu mối bồi lắng càng tăng, có nơi tạo thành từng cồn cao cả mét giữa đáy, phải rất vất vả, công nhân mới đào, múc và vận chuyển ra khỏi kênh. Chị Trần Thị Hoàn - Cụm kênh chính Kẻ Gỗ cho biết: “Cỏ mọc nhanh, đất bồi lắng liên tục, nếu không làm thường xuyên sẽ trở thành áp lực lớn cho mùa thả nước...”.
Chưa năm nào tình hình nước tưới lại căng thẳng như năm nay, mực nước ở các hồ đập gần như đã chạm đáy lịch sử. Dù mấy năm nay việc chống hạn giữa mùa đông đã từng diễn ra nhưng đây là năm đầu tiên sự thiếu hụt lại đến ngay từ đầu vụ. Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc công ty cho biết: “Công ty quản lý 28 hồ chứa, 6 đập dâng và 1 cống ngăn mặn, giữ ngọt tại Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh, Hương Khê và TP Hà Tĩnh với diện tích tưới cả năm khoảng 47.000 ha lúa. Hiện nay, còn hàng chục hồ đập nhỏ không đủ khả năng đảm bảo tưới trong vụ xuân này. Kể cả Kẻ Gỗ, hồ chứa lớn nhất, thì mực nước còn lại khoảng 140 triệu m3 (kể cả nước chết) trong khi bình thường các năm, vụ xuân sẽ phải cần 5 đợt tưới với khoảng 110 triệu m3. Nếu không mưa thì tình hình nước tưới phục vụ sản xuất 2016 sẽ rất căng thẳng”.
Bởi vậy, ngay từ rất sớm, công ty đã lên phương án tưới cụ thể cho từng vùng, hồ chứa. “Tiết kiệm vẫn là phương án tối ưu. Chúng tôi đã tổ chức họp khách hàng, một mặt đề nghị các địa phương chỉ đạo sản xuất đúng thời vụ và đồng loạt; mặt khác, kêu gọi sự đồng hành, chia sẻ. Nếu thời tiết thuận lợi, chúng tôi sẽ giảm lượng nước và lượt tưới, nhằm tranh thủ tối đa nước trời. Trong trường hợp bất thuận, lượt tưới sẽ không thay đổi nhưng lượng nước chỉ đủ để dưỡng lúa” - ông Sơn cho biết thêm.
Để công tác tưới hiệu quả, năm nay, công ty đã chủ động nguồn kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng sửa chữa cống tưới, tôn cao bờ kênh và kiên cố lại những kênh bị xuống cấp như: Nam sông Tiêm, kênh N1 sông Rác… Trong kế hoạch, ngoài tăng cường nạo vét, khơi thông mặt kênh, công ty sẽ thực hiện ngăn tạm ở trục tiêu, sông suối, lấy nước bơm tát cục bộ khi thời tiết bất thuận.
Thời điểm này, các địa phương chuẩn bị ra quân làm đất, xuống giống trà lúa đầu tiên của vụ xuân 2016. Năm nay, tinh thần tiết kiệm được thực hiện ngay từ đầu vụ, lượt tưới làm đất sẽ được giảm, tranh thủ nguồn nước tự nhiên trên mặt ruộng để dành nước cho cuối vụ và vụ hè thu tới.
Theo Báo Hà TĨnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã