Vấn đề đầu tư và tìm cách làm có hiệu quả để khôi phục, phát triển các mảng xanh đô thị là rất cần thiết. Trong tình hình ấy, Hội Làm vườn Việt Nam, với chiến lược phát triển kinh tế VAC của mình, đã quan tâm làm thí điểm nhiều năm và nhân rộng các loại mô hình “vườn phố” rất đa dạng, mang lại hiệu quả rất đáng khích lệ.
Có một số người cho rằng, thành phố, thị xã, thị trấn chỉ nên chú trọng sản xuất kinh doanh công nghiệp, thương mại chứ làm sao có thể trồng cây xanh lập vườn! Thực tế không phải như vậy, nơi nào có người ở, có nhà cửa, vẫn có thể hình thành các loại “vườn phố” với nhiều quy mô khác nhau, vừa dễ làm, ít tốn kém mà lại rất có lợi.
Cụ thể, vùng ngoại ô, tập trung phát triển mạnh kinh tế VAC, phục vụ du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn. Những nơi đất hẹp, thiếu nguồn nước để đào ao nuôi cá, xây dựng chuồng trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm thì trước nhà trồng hoa, cây cảnh, sau nhà trồng cây ăn quả ngắn, dài ngày, xen rau đậu tạo nguồn dinh dưỡng nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình và khu dân cư tại chỗ.
Ở nội ô thành phố, thị xã, thị trấn đều có thể tiến hành tạo thảm xanh đa dạng với nhiều tổ chức, cơ quan đơn vị và hộ gia đình cùng tham gia.
Cơ quan quản lý công trình đô thị tập trung trồng cây xanh (cây lâm nghiệp và cây cảnh) tại các công viên, vườn hoa, giải phân cách trên các trục đường mới mở, các vòng xoay giao thông... Những cơ quan, đơn vị như bệnh viện, trường học, khách sạn, công sở,... cần dành kinh phí thỏa đáng cho việc trồng thảm xanh, tạo công viên nhỏ trong cơ quan, đơn vị mình. Thảm xanh được tạo ra từ các loại hình trên tuy có quy mô nhỏ, nhưng tác dụng của nó thì rất đáng kể.
Riêng nhân dân và cán bộ có nhà ở tại nội ô thành phố, thị xã... đều có thể tận dụng mặt sân, ban công, sân thượng để trồng hoa, cây cảnh và trồng từng khóm, từng cây nông nghiệp đơn lẻ, vừa tạo thảm xanh, khóm xanh, trong đó có một số cây cho quả như khế ngọt, ớt, cà chua, ổi, dưa leo, để vừa bổ sung một phần nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, vừa tạo điều kiện cho những người làm việc trí óc, người già tham gia lao động nhẹ như một biện pháp rèn luyện thể chất, ngăn ngừa bệnh tật. Thực tế, tại một số hộ gia đình trồng cây ổi cảnh, khế ngọt trong chậu kiểng ở ban công đã phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, thường cho năm, sáu chục quả/năm. Rõ ràng “vườn phố” góp phần tạo ra thảm xanh và hoa, trái rất hữu ích. Nếu hình dung một sự liên kết các mảng xanh đô thị sẽ thấy ý nghĩa của nó to lớn biết chừng nào trong việc phấn đấu xây dựng những thành phố, thị xã, thị trấn xanh, sạch, đẹp mà nhiều địa phương trong cả nước đang rất quan tâm, coi trọng.
Cuộc sống đô thị hóa, công nghiệp hóa đang diễn ra thật hấp dẫn nhưng đồng thời cùng bộc lộ những nghịch lý. Đó là một số cơ quan, công sở, hộ gia đình đã trang trí nội thất phòng khách, phòng làm việc của mình rất đẹp, rất nhiều trang thiết bị đắt tiền, trong đó có cả cây xanh, hoa được làm bằng nhựa, trong khi nhiều mặt bằng, khoảng trống rộng, thoáng,tràn ngập ánh nắng lại để hoang phí! Mong sao mùa xuân này, xuân Ất Mùi 2015, mỗi ngành, mỗi tổ chức, mỗi người, trong đó có vai trò tham gia của Hội Người cao tuổi, Hội Làm vườn và các cơ quan khoa học nông nghiệp tích cực thực hiện nhằm đạt kết quả cao nhất công việc nói trên, làm cho các loại vườn phố được nhân rộng, đầy sức sống để đón chào xuân mới, mở ra phong trào toàn dân tham gia xây dựng thành phố, thị xã ở từng địa phương mỗi ngày thêm xanh, sạch, đẹp, để nhà nhà đều có thảm xanh che nắng, lọc bụi và thêm hoa thơm, trái ngọt cho đời.
Nguyễn Tường Thuật
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã