Học tập đạo đức HCM

Bệnh vàng lá cây có múi đang đe dọa nghiêm trọng: Phát triển bằng mọi giá thì sẽ phải trả giá

Thứ tư - 16/09/2020 05:46
Gần đây tỷ lệ nông dân bị thua lỗ vì trồng cam tăng từng năm, từ Cao Phong (Hòa Bình), Bắc Quang (Hà Giang), Hàm Yên (Tuyên Quang) đến Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn (Nghệ An)…

Có những nơi không thật phù hợp nhưng dân vẫn cố trồng nên dịch bệnh lan tràn không chỉ vườn nhà mà còn nhiều vườn khác. Sau một chu kỳ hỏng, có người vẫn sẵn sàng trồng lại ngay và nhiều bài học cho thấy tỷ lệ thất bại sẽ còn cao hơn trước. PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả đã trả lời NNVN về chuyện này.

PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả. Ảnh: Dương Đình Tường.

PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cây rất khó tính

Tình hình phát triển nóng của cây có múi thời gian vừa qua ra sao thưa ông?

Cây ăn quả có múi mà hai loại chính là cam và bưởi thuộc nhóm á nhiệt đới, rất thích hợp với điều kiện sinh thái các tỉnh phía Bắc, cho hiệu quả kinh tế cao hơn một số loại khác. Chính vì thế trong thời gian vừa qua nhiều địa phương đã mở rộng diện tích lên rất nhanh. Theo số liệu thống kê năm 2018, cả nước có trên 170.000 ha cam, bưởi và khi cộng cả quýt, chanh thì tổng diện tích cây ăn quả có múi khoảng trên 200.000 ha. Thực tế một số địa phương hiện có diện tích lớn hơn trên báo cáo.

Tuy nhiên cây có múi là đối tượng khó canh tác hơn nhiều so với các loại cây ăn quả khác. Chẳng hạn, với cây chuối trồng trong vườn không được đầu tư, khi đạt sinh khối nhất định cũng trổ buồng và cho thu hoạch. Nhưng với cây ăn quả có múi nếu không được chăm sóc, ban đầu có thể lên được nhưng sau đó sẽ kém phát triển, bị sâu bệnh hại tấn công dẫn đến năng suất và chất lượng quả thấp.

Còn về vấn đề sâu bệnh hại của chúng thì sao?

Về bệnh, một số địa phương trồng tập trung bị nhiễm tương đối nghiêm trọng gồm những loại chính là Greening, loét, chảy gôm, vàng lá thối rễ. Về côn trùng gây hại gồm nhóm các loại rệp hại, nhện hại, sâu, ruồi đục quả và ngài chích hút, nhất là ở những vườn gần bìa rừng.

Phòng chống sâu bệnh hại là khâu rất quan trọng trong quy trình canh tác cây có múi để đảm bảo cho chúng sinh trưởng tốt, năng suất và chất lượng đáp ứng được yêu cầu.

Một trang trại cam ở thị trấn Cao Phong huyện Cao Phong tỉnh Hòa Bình đang bị bệnh vàng lá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một trang trại cam ở thị trấn Cao Phong huyện Cao Phong tỉnh Hòa Bình đang bị bệnh vàng lá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hiện trạng sâu bệnh đó có nguyên nhân từ đâu?

Đầu tiên từ giống chất lượng chưa đảm bảo. Các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp lớn ở địa phương có hệ thống sản xuất giống sạch bệnh với nhà lưới cách ly quản lý cây S0, cây S1 và sản xuất cây giống đảm bảo cách ly để tránh rầy chổng cánh truyền bệnh vàng lá Greening. Tuy nhiên số đó chưa có nhiều, các cơ sở sản xuất giống tư nhân hiện làm ở ngoài trời, rất khó kiểm soát chất lượng.

Các tỉnh phía Bắc đang sử dụng gốc ghép bưởi chua cho nhân giống bưởi và gốc ghép bưởi chua, gốc chấp cho nhân giống cam, quýt, chúng tỏ ra là phù hợp. Tuy nhiên chỉ có các cơ sở lớn mới bố trí được vườn cung cấp hạt sử dụng làm gốc ghép hoặc có nguồn đảm bảo để sử dụng các giống gốc ghép riêng phù hợp cho từng chủng loại. Các cơ sở nhỏ thường sử dụng gốc ghép không đảm bảo.

Chúng ta đã có tiêu chuẩn cây giống, kích thước bầu phải đủ lớn để đảm bảo cho bộ rễ phát triển bình thường nhưng hiện nay nhiều cơ sở lại không áp dụng, túi bầu được thu nhỏ nhất có thể để giảm giá thành, vận chuyển được nhiều. Khi ấy rễ bị cuộn lại nhất là rễ cọc, lúc trồng ra sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng. Một vấn đề nữa là quy định phải có vườn cây mẹ cung cấp mắt ghép được trồng trong nhà lưới cách ly nhưng nhiều cơ sở trồng luôn ngoài trời hoặc khai thác mắt ghép trực tiếp từ vườn sản xuất, vì thế mà không quản lý được sâu bệnh hại.

Thứ hai là kỹ thuật trồng và chăm sóc. Cây có múi tuy phù hợp với điều kiện sinh thái phía Bắc nhưng không phải địa hình nào cũng sinh trưởng tốt mà đất trồng phải có tầng canh tác đủ dày, có khả năng thoát nước. Do phát triển quá nhanh trong thời gian qua ở một số tỉnh nhiều diện tích trồng lên cả đỉnh đồi rất cao, gặp nhiều hạn chế về công tác chăm sóc, tưới và đất bị rửa trôi nhiều, trồng xuống tận ruộng trũng dễ bị ngập úng, nấm bệnh tấn công bộ rễ.

Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học chống bệnh vàng lá ở Cao Phong, Hòa Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học chống bệnh vàng lá ở Cao Phong, Hòa Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cây có múi yêu cầu nhiều kỹ thuật khắt khe, bà con ở một số vùng trồng cũ như Hòa Bình, Nghệ An, Hà Giang, Tuyên Quang thường áp dụng đúng còn ở các vùng mới chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, cũng tại các vùng trồng tập trung, nhiều hộ gia đình đầu tư thâm canh quá cao, sử dụng lắm phân bón vô cơ, thuốc BVTV để nâng cao năng suất làm cho vườn nhanh suy thoái.

Vậy các giải pháp phải thế nào thưa ông?

Thứ nhất là quy hoạch vùng trồng. Hiện chúng ta không còn quy hoạch chuyên ngành nữa nhưng để phát triển sản xuất cây ăn quả nói chung và có múi nói riêng được bền vững, các địa phương nên có đề án phát triển phù hợp với điều kiện sinh thái, với định hướng của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Thứ hai là các tỉnh có diện tích trồng lớn phải đầu tư xây dựng hệ thống sản xuất giống trong nhà lưới ba cấp, áp dụng nghiêm chỉnh quy trình sạch bệnh. Thứ ba là kỹ thuật trồng và chăm sóc, quản lý dinh dưỡng và phòng chống tái nhiễm bệnh Greening.

Sản xuất cây ăn quả có múi cần phát triển theo hướng sử dụng phân hữu cơ thay thế cho phân vô cơ, thuốc BVTV sinh học thay thế hóa học. Trong thời gian qua, hệ thống khuyến nông cũng như các Chi cục Trồng trọt và BVTV của các địa phương đã làm khá tốt chuyện phổ biến cho dân quy trình canh tác. Tuy nhiên khả năng tiếp nhận kiến thức của bà con các vùng là khác nhau, nhất là với vùng mới phát triển nên phải phổ biến thường xuyên hơn nữa. Thứ tư là công tác quản lý, kiểm tra giám sát của địa phương về sản xuất, cung ứng cây giống cần được làm tốt hơn.

Một chủ vườn ở Cao Phong, Hòa Bình đang kiểm tra bệnh vàng lá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một chủ vườn ở Cao Phong, Hòa Bình đang kiểm tra bệnh vàng lá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lời khuyên về cam và bưởi

Quan điểm của ông về việc phát triển cây có múi đối với hai nhóm bưởi và cam ra sao?

Với cam, các địa phương nên giữ ở diện tích như hiện tại, chỉ trồng thay thế các vườn cây đã hết chu kỳ kinh doanh cũng như các vườn cây bị bệnh, sử dụng giống theo hướng rải vụ, chất lượng cao, ít hạt. Viện Nghiên cứu Rau quả đã tuyển chọn và được công nhận cho sản xuất thử một số giống như cam chín sớm CS1, cam GL3-2, cam không hạt NV03 và cam sành ít hạt HG1. Viện Di truyền Nông nghiệp có các giống cam mới như cam V2, cam CT36, cam Marr và cam số 9.

Tại sao không mở rộng diện tích cam nữa? Bởi ta không có lợi thế cạnh tranh so với các nước trồng cam tiên tiến vì họ có điều kiện thời tiết, khí hậu lạnh, khô nên sâu bệnh ít. Miền Bắc chúng ta dù là á nhiệt đới nhưng có những thời điểm nắng nóng, mưa nhiều, ẩm độ cao là điều kiện để cho sâu bệnh phát triển. Phần lớn cam của ta chỉ sử dụng cho nội tiêu, còn hướng sản xuất cho chế biến tuy có thể nhưng một trong các yếu tố không đưa vào được là giá thành cao, làm không có lãi.

Với bưởi, các giống nhìn chung đều có khả năng sinh trưởng khỏe, không mẫn cảm với các đối tượng sâu bệnh gây hại như cam nên dễ canh tác hơn. Mặt khác, các nước trồng bưởi ở trên thế giới không nhiều, ở châu Âu, châu Mỹ họ trồng nhóm bưởi chùm sử dụng cho chế biến khác với kiểu bưởi ăn tươi của ta nên khả năng về thị trường là rất rộng. Hơn thế ta có nhiều giống bưởi chất lượng tốt, phía Nam có bưởi Năm Roi, da xanh, lông cổ cò đang xuất khẩu, phía Bắc có bưởi Phúc Trạch đã xuất khẩu nhưng diện tích nhỏ. Với bưởi Diễn thuộc dạng ngọt, nếu xây dựng được thị trường thì khả năng xuất khẩu được là rất lớn.

Nên chọn bộ giống bưởi có khả năng rải vụ, cùng với các loại đang được trồng phổ biến ở phía Bắc như bưởi Diễn, bưởi Bằng Luân, bưởi Chí Đám, bưởi đỏ Hòa Bình có thể lựa chọn một số loại mới như bưởi đường lá nhăn, bưởi Tam Vân. Tùy vào tín hiệu, độ mở của thị trường thế giới mà ta có thể phát triển diện tích.

Một khu vườn ở Cao Phong đang bị bệnh vàng lá tấn công. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một khu vườn ở Cao Phong đang bị bệnh vàng lá tấn công. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cần phân loại cây xóa đói và cây làm giàu

Nhiều người cho rằng cây có múi là cây xóa đói giảm nghèo, theo ông thì sao?

Nếu sản xuất để nội tiêu trong cộng đồng hẹp thì các hộ nông dân có điều kiện kinh tế bình thường, trong vùng có điều kiện sinh thái phù hợp và không có áp lực cao về sâu bệnh gây hại hoàn toàn có thể trồng. Trong trường hợp này thì có thể là cây xóa đói, giảm nghèo. Nếu sản xuất hàng hóa lớn thì cây có múi yêu cầu thâm canh, nhiều đối tượng gây hại nên phải là những hộ có điều kiện kinh tế và tiếp nhận được các kỹ thuật.

Thứ nữa, cây có múi phù hợp hơn với các trang trại, doanh nghiệp có khả năng đầu tư bài bản từ thiết kế vườn trồng, sử dụng giống sạch bệnh, quản lý, chăm sóc thu hái và tiêu thụ theo chuỗi.

Ông bình luận ra sao về chuyện nhiều hộ nông dân đang rỗng túi vì cây có múi?

Hiện tượng có các hộ nông dân ở một số địa phương đang thua lỗ vì cây có múi là có thật. Một số nguyên nhân chính có thể kể đến là: giống chất lượng thấp, quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc không hợp lý. Trường hợp khác nữa là các vườn cây ăn quả có múi trồng lại chu kỳ thứ 2 nhưng không có giải pháp cải tạo đất, phòng chống tái nhiễm bệnh hợp lý.

Để tránh điều đó cần có sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan quản lý về nông nghiệp. Riêng về phía nông dân cần nghiêm túc tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan quản lý và cán bộ kỹ thuật của địa phương. Mặt khác, cần tích cực học hỏi để có thể áp dụng được đúng các quy trình kỹ thuật canh tác cây ăn quả có múi của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành hoặc các văn bản hướng dẫn của địa phương.

Đau đầu vì bệnh vàng lá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đau đầu vì bệnh vàng lá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Về tỷ lệ áp dụng VietGAP tại sao vẫn còn hết sức hạn chế thưa ông?

Hiện một số vùng sản xuất đã được cấp mã số vùng trồng, chứng nhận VietGAP hoặc sản xuất theo hướng VietGAP với đặt hàng là để xuất khẩu. Tuy nhiên khi nhiều hộ nông dân áp dụng theo, lúc có sản phẩm lại không bán được theo đặt hàng mà chỉ bán bằng giá với sản phẩm thông thường theo các kênh tiêu thụ truyền thống trong khi chi phí sản xuất cao hơn hẳn. Bởi thế họ sẽ bỏ VietGAP để quay trở lại sản xuất thông thường khiến cho tỷ lệ áp dụng trong sản xuất cây ăn quả có múi ở các tỉnh phía Bắc vẫn còn rất hạn chế.

Dương Đình Tường
https://nongnghiep.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập101
  • Hôm nay32,342
  • Tháng hiện tại1,045,729
  • Tổng lượt truy cập91,109,122
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây