Trao đổi với chúng tôi, anh Cao Xuân Lâm (xã Xuân Hòa, Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) nói vui, anh "sấp mặt" 10 năm nuôi bò thả rông vẫn nghèo.
Năm 2018, Cao Xuân Lâm chuyển sang nuôi bò vỗ béo, trồng cỏ và tự chế biến thức ăn cho đàn bò.
Anh Lâm chia sẻ, trước đây, mỗi năm gia đình anh chỉ nuôi 2-4 con bò sinh sản. Thấy việc nuôi bò vỗ béo đem lại hiệu quả kinh tế cao nên anh quyết tâm đầu tư xây chuồng trại, rồi ra tận Phan Rang (Ninh Thuận) mua bò cỏ gầy ốm đem về vỗ béo.
Theo anh Lâm, cách nuôi bò vỗ béo của anh là tìm chọn mua bò khoảng 10-12 tháng tuổi, trọng lượng 150-200kg/con.
"Khi chọn bò phải chọn bò có lưng rộng, khi lớn bò mới có nhiều thịt bán giá cao", anh thổ lộ kinh nghiệm xem bò gầy để nuôi vỗ béo.
Trong quá trình nuôi, mỗi tuần phải tắm bò vài lần. Cho bò uống nước cám 2 lần/ngày. Và quan trọng là cho bò ăn đầy đủ để bò mau lớn.
Ngoài ra, trong quá trính nuôi cần phải tiêm ngừa cho bò 1-2 lần để bò không bệnh, tránh thiệt hại.
"Theo tính toán, mỗi tháng chi phí đầu tư nuôi 1 con bò ăn hết khoảng 500.000 đồng", anh nói.
Để giải bài toán đồng vốn eo hẹp trong vỗ béo bò, anh Lâm cho biết, đã tự chế các máy móc sản xuất thức ăn cho bò, như: máy băm cỏ, máy trộn thức ăn…
Về nguồn nguyên liệu thức ăn cho bò, anh Lâm đã xây dựng một quy trình trồng trọt - chăn nuôi khép kín.
Theo đó, với 3ha đất sản xuất, 1ha anh xây dựng khu chuồng trại và trồng cỏ nuôi bò. Diện tích còn lại anh trồng mì, bắp… Nguồn phân bò thải ra, anh đưa ra đồng bón mì, bắp.
Ngoài ra để bò mau lớn, bò khỏe đẹp, anh Lâm còn kết hợp cho bò ăn bã bia, cám dừa….
Trung bình, khoảng 3,5-4 tháng nuôi, khi bò có trọng lượng tầm 300kg/con, trại nuôi bò vỗ béo của anh Lâm xuất bán. Cứ mỗi đợt xuất bán tầm 50 con bò anh Lâm lãi 70-80 triệu đồng.
Sau khi xuất bán, anh Lâm lại mua về khoảng 200 con bò cỏ gầy còm từ nhiều nơi và tiếp tục nuôi vỗ béo theo kinh nghiệm đã từng làm.
Theo anh Lâm, chất lượng thịt bò cỏ khá thơm ngon nên các thương lái từ Gia Kiệm (Đồng Nai), Bà Rịa - Vũng Tàu đến đặt hàng mua bò vỗ béo của trang trại.
"Đầu ra, giá cả bò vỗ béo luôn ổn định nên trại nuôi bò của tôi là mô hình sản xuất cho lợi nhuận cao được nhiều hộ chăn nuôi các nơi đến học hỏi, ứng dụng", anh Lâm cho biết.
Theo ông Hoàng Thanh Bạch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, mô hình chăn nuôi bò vỗ béo của anh Lâm là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Qua mô hình của anh Lâm, Hội Nông dân xã đã tạo điều kiện cho bà con nông dân đến học tập trao đổi kinh nghiệm nuôi bò vỗ béo. Đến nay đã có nhiều hộ dân ở xã Xuân Hòa đã học tập làm theo mô hình nuôi bò vỗ béo và đem lại hiệu quả.
"Dự kiến, Hội sẽ xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã tại địa phương để nuôi bò vỗ béo", ông Bạch thông tin thêm.
Trần Cửu Long/Danviet.vn
https://danviet.vn/bi-quyet-ho-bien-nhung-con-bo-co-gay-com-thanh-bo-luc-si-ong-nong-dan-tinh-dong-nai-lam-giau-khac-nguoi-20200913183541953.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã