Vào thăm trang trại nuôi heo công nghệ cao của ông Phạm Văn Chử, phóng viên Báo điện tử Danviet.vn được ông yêu cầu thay đồ chuyên dụng và phun dung dịch khử trùng sát khuẩn.
Ông Chử giải thích, sở dĩ cần thực hiện nhiều công đoạn cầu kỳ như trên là nhằm phòng dịch bệnh cho đàn heo, đàn gà thả vườn. Ngoài nhân công làm việc tại đây, ông hạn chế tối đa người lạ vào bên trong các trại nuôi heo áp dụng công nghệ cao...
6.000 m2 chuồng trại nuôi heo công nghệ cao được gia đình ông Chử xây dựng tách biệt, cách xa khu dân cư. Trang trại nuôi heo xây dựng theo mô hình trại lạnh công nghệ cao khép kín, gồm 3 trại riêng biệt, xây dựng liền kề để phân chia nuôi từng loại: heo nái, heo con và heo thịt.
Theo ông Chử, trại nuôi khép kín cùng lúc có nhiều tác dụng vượt trội. Nhờ cách ly với môi trường bên ngoài nên dịch bệnh trên đàn heo được kiểm soát tốt. Bên trong trại cũng cho phép điều chỉnh nhiệt độ thông qua các tấm làm mát và quạt thông gió. Heo nuôi trong nền nhiệt lý tưởng, cộng với thức ăn đầu vào được quản lý giúp tăng trưởng nhanh.
CLIP: Ông Phạm Văn Chử (sinh năm 1977, ở buôn Briêng, xã Ea Nam, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) và mô hình nuôi heo áp dụng công nghệ cao và chăn nuôi gà thịt.
Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp trên mảnh đất Ea H’leo, vợ chồng ông Chử cũng bắt đầu với cây cà phê và hồ tiêu trên mảnh vườn rộng 6 sào.
"Ở thời kỳ đỉnh điểm, giá hồ tiêu lên đến 200.000 đồng mỗi ký khô. Vườn tiêu nhà tôi bắt đầu cho thu bói lúc giá tiêu đã đi xuống nhưng cũng bán được 150.000 đồng" – ông Chử kể.
Hơn 3 năm trước, thị trường hồ tiêu có dấu hiệu xuống dốc và xuất hiện vùng bệnh hại. Ông Phạm Văn Chử đã sớm quyết định chặt bỏ 6 sào tiêu, cà phê năng suất kém, vay ngân hàng 2 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại nuôi heo áp dụng công nghệ cao.
"Tại thời điểm đó, nghề nuôi heo cũng không khá khẩm gì hơn, giá heo "chạm đáy", có lúc chỉ còn 28-30.000/kg heo hơi. Thú thực, bỏ tiền tỷ ra đầu tư nuôi heo lúc giá thấp "sập sàn", nhiều người đã lo cho tôi, sợ bể nợ...", ông Chử nhớ lại.
Lý giải về quyết định liều lĩnh khi vay tiền tỷ đầu tư nuôi heo công nghệ cao, ông Chử cho rằng thịt heo là thực phẩm thiết yếu. Giá heo hơi xuống thấp khiến người nuôi heo không còn mặn mà tái đàn thì ắt sẽ đến lúc "cầu vượt cung".
Theo ông Chử, việc nuôi heo theo lối manh mún, nhỏ lẻ kiểu "ăn may" như trước đây rất nhiều rủi ro.
"Người dân lâu nay vẫn thường nuôi heo trong các trại hở tiềm ẩn nguy cơ cao về dịch bệnh. Với chăn nuôi heo qui mô lớn thì việc áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật chăm sóc, đặc biệt là quản lý nguồn thức ăn đầu vào là vô cùng quan trọng. Bản thân tôi sau khi tham gia nhiều lớp tập huấn, hội thảo về chăn nuôi heo cũng mới biết được điều này", ông Chử nói.
Nhờ điều kiện chuồng trại đảm bảo, đàn heo của gia đình ông Phạm Văn Chử đã nhiều lần vượt qua "bão dịch" tả lợn châu Phi, cung ứng kịp thời cho thị trường số lượng lớn heo thịt với giá tốt, thậm chí giá cao.
Từ số lượng 70 heo nái và 2 heo đực ban đầu, nay trại nuôi heo công nghệ cao của ông Chử đã tăng lên 130 heo nái, 3 heo đực. Mỗi lứa heo thịt xuất chuồng cách nhau 20 ngày, đạt trung bình 20 tấn heo thịt mỗi lứa.
Ngoài nuôi heo công nghệ cao, vợ ông Phạm Văn Chử đã duy trì và phát triển nghề nuôi gà từ năm 2010. Xuất phát từ mong muốn kiếm thêm thu nhập và tận dụng nguồn phân chuồng để bón cho vườn cây, lúc đầu, ông Chử chọn nuôi gà lương phượng, giống gà thịt cho năng suất cao, dễ chăm sóc.
Về sau, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, ông chuyển sang nuôi gà lai chọi qui mô công nghiệp với diện tích 4000 m2. Trên nền vườn cà phê già cỗi, ông xây dựng chuồng trại kiên cố, chia làm 2 khu vực: khu úm gà giống và khu nuôi gà thịt. Tất cả đều được trang bị thêm quạt, đèn sưởi để chủ động điều chỉnh nhiệt độ phù hợp theo từng mùa.
Ngoài chăn nuôi heo công nghệ cao, nuôi gà lai chọi, ông Phạm Văn Chử đang xây dựng mô hình trồng "đa cây". Trên diện tích 7ha, ông xen canh nhiều loại cây như cà hê, tiêu, sầu riêng, mắc ca… ước cho thu bói trong năm sau.
Từng mạnh tay chặt bỏ hồ tiêu nhưng hiện ông Chử đang quay lại với giống cây trồng này. Lý giải thêm, ông vẫn giữ quan niệm "thứ người ta bỏ đi thì mình làm" và đặt niềm tin rằng giống "vàng đen" sẽ khởi sắc trong tương lai.
Hiện, tổng đàn gà chọi lai của ông luôn duy trì số lượng 40.000 con, chia làm 3 lứa nuôi gối đầu, mỗi lứa xuất chuồng cách nhau 20-30 ngày.
Trung bình mỗi tháng, trang trại của ông xuất bán 25-30 tấn gà choi lai thịt cho thị trường Đắk Lắk, Nha Trang, Bình Thuận, Hà Nội…
Ông Chử cho biết, ông đang được địa phương hỗ trợ xây dựng qui trình nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới nâng cao chất lượng đàn gà thịt.
Năm 2019, gia đình ông Phạm Văn Chử thu lời 2 tỷ đồng từ chăn nuôi heo công nghệ cao, nuôi gà chọi lai, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương.
Ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông Chử cũng hỗ trợ nhiều nông dân nuôi gà, heo về thức ăn, kỹ thuật, thuốc thú y, chỉ dẫn con giống và đầu ra…. sao cho phù hợp với khả năng sản xuất của từng hộ.
Theo ông Phạm Trường Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Nam, huyện Ea H'leo (tỉnh Đắk Lắk) là điển hình thành công khi chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang qui mô trang trại, ông Phạm Văn Chử có nhiều đóng góp cho địa phương trong xây dựng đường giao thông nông thôn, giúp đỡ nông dân phát triển sản xuất. Nhiều năm qua, mô hình chăn nuôi heo công nghệ cao, nuôi gà chọi lai của ông Chử là một địa điểm tin cậy để bà con đến tham khảo, học hỏi kinh nghiệm.
Với thành tích vượt khó vươn lên, năng động, sáng tạo làm giàu trong lao động sản xuất, trong phong trào thi đua của địa phương, vừa qua, ông Phạm Văn Chử được Hội đồng chung khảo bình chọn là 1 trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2020".
Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2020" sẽ được tổ chức trọng thể vào trung tuần tháng 10/2020 tại Thủ đô Hà Nội nhân Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020).
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã