Đến xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) đi dọc sông Lô, dễ dàng nhận ra lồng, bè của người dân nuôi nhiều loại cá đặc sản. Nhiều gia đình đã có thu nhập cao từ nghề này, nhưng để có được thành công bà con cũng trải qua rất nhiều gian nan, vất vả.
Chúng tôi ghé thăm hộ anh Đỗ Văn Kỳ, thôn Độc Lập đúng lúc anh đang chuẩn bị thức ăn cho 5 lồng cá của mình. Anh Kỳ cho biết, mấy ngày trước do có mưa lớn, lượng nước từ thượng nguồn đổ về làm cho nước bị đục. Đây cũng là lý do ảnh hưởng đến sức phát triển của cá.
Anh Kỳ chia sẻ: "Vốn xuất thân làm nghề cơ khí, tuy nhiên, sau khi nhận thấy nghề nuôi cá lồng trong những năm gần đây ở địa phương phát triển mạnh, nhiều hộ có thu nhập cao từ nuôi cá trên sông Lô nên tôi đã bỏ nghề cơ khí, đầu tư lồng bè thả cả trên khúc sông này".
Theo anh Kỳ, ban đầu, những tưởng mọi chuyện suôn sẻ, cứ thả cá xuống, đến giờ thì cho cá ăn, chờ ngày cá lớn, đủ cân, đủ lạng thì xuất bán. Tuy nhiên, do không nắm vững kỹ thuật nên cá đã mắc bệnh. Năm đầu tiên, anh không thu được đồng lãi nào.
Khó khăn không chỉ dừng lại ở đây. Đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có mưa nhiều, nhà máy thủy điện xả lũ bất ngờ, nước về nửa đêm, không kịp phản ứng, nước từ thượng nguồn đổ về với lượng lớn, kèm theo bùn đất đã làm hư hại nhiều lồng cá, ngoài ra, một lượng lớn cá bị tràn ra khỏi lồng. Anh Kỳ ước tính thiệt hại lên tới hơn trăm triệu đồng.
Chia sẻ với PV Báo điện tử DANVIET.VN, anh Kỳ cho biết, năm 2017 để nuôi cá lồng, anh đã đầu tư lồng, bè, con giống và lán gần 500 triệu đồng (trong đó, 50 triệu đồng/lồng). Ban đầu, anh chỉ thả cá trắm cỏ và rô phi.
Vụ thu hoạch gần nhất là vào cuối năm 2019, anh Kỳ đã xuất bán 1,3 tấn cá trắm cỏ, giá bán 70.000 đồng/kg. Chưa trừ chi phí, anh Kỳ thu về gần 100 triệu đồng.
Sang đến năm nay, anh Kỳ tiếp tục thả nuôi 2.000 con trắm cỏ, 6.000 rô phi. Đặc biệt, anh thả nuôi thêm 100 con cá lăng chấm và 300 con cá chiên.
"Cá lăng chấm và cá chiên được coi là đặc sản, mang lại giá trị kinh tế cao. Ở địa phương, đã có nhiều hộ thành công, có thu nhập cao từ nuôi 2 loại cá đặc sản này. Sang tới năm nay, tôi quyết định nuôi thêm cá lăng và chiên. Nuôi 2 loại cá đặc sản này thì không phải lo đầu ra, lại bán được giá cao nên tôi rất mong chờ nguồn thu lớn từ nuôi cá chiên và cá lăng chấm" - anh Kỳ chia sẻ.
Anh Hồ Sỹ Đức, thôn Làng Cúng, cũng là người nuôi cá lồng trên sông Lô nhiều năm. Anh Đức cho hay, trong đợt mưa lũ vừa qua 3 lồng cá của gia đình anh bị nước lũ làm hư hỏng nặng.
Hiện, anh Đức đang có 4 lồng nuôi cá, nuôi toàn bộ cá chiên và cá lăng chấm. Theo anh Đức, đặc tính của cá chiên và cá lăng chấm phải nuôi ở vùng nước sạch, có dòng nước chảy, những nơi có nhiều sỏi, đá, không có bùn thì cá sẽ sinh trưởng và phát triển tốt. Trong thời gian qua, mưa lớn làm nước sông đục sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cá.
Về thức ăn cho cá chiên, hiện tại với 4 lồng, mỗi ngày anh Đức mua các loại cá tạp sau đó băm nhỏ. Thức ăn được chia đều làm 2 phần, cho cá ăn vào đầu buổi sáng và chiều tối. "Cho cá ăn đúng giờ để tạo phản xạ có điều kiện cho cá" - anh Đức phân tích.
Với kinh nghiệm nuôi chiên và cá lăng chấm của mình, theo anh Đức, phải thường xuyên quan sát hoạt động của cá trong các lồng nuôi, một tuần vệ sinh lồng 1 lần. "Việc vệ sinh lồng tiến hành trước các bữa ăn của cá. Loại bỏ rác trôi nổi và các vật cứng vào khu bè nuôi".
Anh Đức cho biết, cá chiên và cá lăng chấm khi xuất bán phải đạt từ 2,2 đến 25kg/con thì mới đạt tiêu chuẩn. Mỗi lần chuẩn bị xuất bán cá chiên và cá lăng chấm, các nhà hàng và thực khách sành ăn trên địa bàn huyện Vị Xuyên đều gọi điện đặt mua từ trước. Hiện, giá cá chiên dao động từ 450.000 đến 500.000 đồng/kg; cá lăng chấm có giá khoảng 100.000 đồng/kg.
Bà Phan Thị Thơm - Bí thư Đảng ủy xã Đạo Đức (huyện Vị Xuyên) cho biết, nghề nuôi cá lồng trên địa bàn xã cho thấy đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ gia đình đã có thu nhập khá. Trong thời gian qua, huyện Vị Xuyên đã có nhiều chính sách hỗ trợ về kinh phí làm lồng, kỹ thuật đối với các hộ nuôi cá lồng. Qua việc hỗ trợ trên sẽ tạo động lực, giúp các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn xã yên tâm phát triển, mở rộng nghề nuôi cá lồng.
Hiện nay, huyện Vị Xuyên có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên 585 ha, trong đó, 132 ha thuộc diện tích lòng hồ của 4 nhà máy thủy điện. Để phát huy lợi thế này, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đồng thời bảo tồn các loài thủy sản quý hiếm, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) đã xây dựng và thực hiện phương án hỗ trợ, phát triển chăn nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, giai đoạn 2019 - 2022.
Theo đó, phương án được thực hiện với phương thức Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí làm lồng cá với định mức 800.000 đồng/m3 lồng cá; hỗ trợ một phần kinh phí mua giống cá với định mức 300.000 đồng/m3.
Minh Ngọc/https://danviet.vn/
https://danviet.vn/ha-giang-nuoi-dan-ca-dac-san-tren-song-lo-gia-450000-dong-kg-ma-thuong-lai-hoi-mua-toi-tap-20200917171222218.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã